Đào đá khan hiếm ngay tại “thủ phủ đào” xứ Nghệ

01/02/2021 - 06:45

PNO - Tết cận kề, song nhiều nơi được xem là thủ phủ đào đá miền viễn biên xứ Nghệ vẫn không nhộn nhịp cảnh mua bán.

Huyện Quế Phong, Kỳ Sơn... lâu nay nổi tiếng với những vựa đào Tết được người dân trồng trong vườn nhà, nương rẫy. Song những ngày cận Tết, các vựa đào vùng cao xứ Nghệ không còn cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp như những năm trước.

Dọc quốc lộ 7, đoạn qua địa phận thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) - nơi tập kết đào Tết những ngày này cũng chỉ còn thưa thớt một số thương lái chuyển đào ra bán.

Những cành đào đá khủng được thương lái chở ra thị trấn Mường Xén bán
Những cành đào đá "khủng" được thương lái chở ra thị trấn Mường Xén bán

Anh Phượng (42 tuổi, trú tại xã Nghi Ân, TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, số lượng đào đá được bán trên thị trường chỉ bằng chừng 1/4 so với dịp Tết năm trước. Năm nay, số lượng người đi buôn đào cũng giảm nhiều.

Tỉ mỉ bó lại cành đào đá có giá gần 5 triệu đồng cho khách mang về xuôi, chị Xồng A Tủa (38 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn) cho biết, cành đào này được chị mua từ nương rẫy của người dân xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) rồi mang ra bán lại.

Vườn đào này được người dân trồng ở khu vực núi cao lâu năm, có khí hậu lạnh, ẩm khiến thân cây có nhiều mảng rêu mốc. Loại đào này cũng có nhiều nụ, nụ to, khỏe... nên được nhiều người ưa chuộng. Thường những cành đào như vậy có giá cao hơn đào “non”, tuổi đời thấp.

“Vì đào trồng trong rừng nên lâu nay người ta vẫn hay nói đào đá là đào rừng. Nhưng thực chất đây là do người dân địa phương trồng. Nhờ bán đào mà người dân nơi đây cũng có thêm một phần thu nhập khá cho dịp Tết” - chị Tủa nói.

Theo một số thương lái, ngoài thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không được khai thác đào rừng, cùng đó người dân không được qua lại biên giới để phòng dịch COVID-19 nên năm nay thương lái không thể sang Lào mua đào đá về như trước.

Đào đá được tung ra thị trường ít, song lượng người mua vẫn không nhiều
Đào đá được tung ra thị trường ít, lượng người mua cũng không nhiều

“Mọi năm có đào Lào về nên rất nhiều, nhưng năm nay không có, chỉ có thể mua từ nương rẫy của người dân các xã vùng cao. Hơn nữa, năm nay là năm nhuận nên nhiều cây đã bung nở hết hoa, không thể chặt bán được” - anh Phượng nói.

Nguồn đào đá khan hiếm, song nhiều thương lái cho hay hiện giá bán không cao hơn so với những năm trước vì lý do dịch bệnh, thị trường hoa tết khá đìu hiu. Hiện giá mỗi cành đào đá được rao bán dọc đường dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng; nhiều cành lớn, rêu mốc có giá vài chục triệu đồng.

Ông Đặng Xuân Minh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho biết, Nghệ An không có đào rừng, trong rừng không có đào, chỉ có đào người dân trồng. Do đó, năm nay việc mua bán đào vẫn diễn ra bình thương, không cần xin giấy tờ chính quyền địa phương.

“Chúng tôi chỉ hướng dẫn người dân có đào trồng trong vườn, nương, rẫy nếu bán đào thì đến thông báo bằng miệng với chính quyền địa phương” - ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - nói.

Nhiều cây đào lâu năm được người trồng trồng thêm lan rừng trên thân...
Nhiều cây đào lâu năm được người trồng trồng thêm lan rừng trên thân...

 

Đào đá có nhiều mốc, hoa to và khỏe nên được nhiều người ưa chuộng
Đào đá có nhiều mốc, hoa to và khỏe nên được nhiều người ưa chuộng
Dù khan hiếm, song giá đào đá không tăng so với những năm trước do tác động của dịch bệnh
Dù khan hiếm, song giá đào đá không tăng so với những năm trước do tác động của dịch bệnh
Những cành đào lớn được bó buộc cẩn thận trước khi giao cho khách mang về xuôi chưng Tết
Những cành đào lớn được bó buộc cẩn thận trước khi giao cho khách mang về xuôi chưng Tết

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI