Đang mùa mưa, người dân lại đua nhau bít cống

21/09/2020 - 07:18

PNO - Miệng thu nước của hố ga bị lấp, bịt kín hay trở thành bãi rác đã góp phần gây ngập triền miên vào mùa mưa.

Cơn mưa chiều 15/9 không lớn, nhưng chưa đầy nửa tiếng, con đường Bùi Thế Mỹ (quận Tân Bình) đã ngập đến mắc cá chân. Sợ đường bị ngập, ông Trần Lâm (sống ở tuyến đường này) phải đội mưa đi gỡ từng miệng cống bị lấp. Ông không biết đến khi nào mình mới thôi làm “chuyện bao đồng” này.

Nhiều con đường ở TP.HCM thường xuyên bị ngập khi mưa nhưng hàng loạt miệng cống thu nước lại bị người dân che bít do quá hôi
Nhiều con đường ở TPHCM thường xuyên bị ngập khi mưa nhưng hàng loạt miệng cống thu nước lại bị người dân che bít do quá hôi

Đủ kiểu bít miệng hố ga

Hơn 7 năm làm nghề xe ôm, có “trụ sở” ở chợ lề đường Bùi Thế Mỹ, ông Lâm cho biết, vài năm gần đây, ở tuyến đường này, mưa không lớn nhưng vẫn ngập. Sự xuất hiện của hàng loạt quán lề đường “ăn theo” chợ đã khiến đường ngập.

Ông Lâm lý giải thêm: “Quán nào cũng nằm sát bên hố ga, sợ mùi hôi ảnh hưởng đến buôn bán nên chủ quán thường bịt kín miệng thoát nước của hố ga lại”.

Trên đường Bùi Thế Mỹ có một trường học. Theo ông Lâm, vì thương các em nhỏ tan trường phải lội nước nên rất nhiều lần, ông phải đội mưa mò mẫm gỡ từng miệng hố ga để thoát nước.

Không riêng đường Bùi Thế Mỹ, phần lớn hố ga trên các tuyến đường ở TPHCM đều rơi vào tình trạng tương tự. Người dân đã, đang và ngày càng “bức tử” miệng thu nước của hố ga, cản trở nghiêm trọng đến nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa của các miệng hố này.

Cụ thể, người dân hoặc bít kín miệng thu nước của hố ga bằng đủ thứ chất liệu hoặc biến chúng thành điểm tập kết rác. Ông Thu - ở đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình - đã dùng một tấm nhựa dẻo bịt kín miệng hố ga nằm ngay trước cửa quán cà phê của mình. Bà Loan - nhà ở đường Thái Thị Nhạn, quận Tân Bình - thì dùng một tảng bê tông đặt vừa khít vào miệng thu nước của hố ga. 

Khi hỏi về hành vi bít miệng hố ga, hầu hết người dân trả lời: “Hôi quá”.

Bà Loan phàn nàn: “Hố ga nằm ngay trước cửa nhà, mưa nắng gì cũng đều bốc mùi hôi thối không chịu được. Không bịt lại, có ngày chết sớm”.

Cũng do lo ngại ảnh hưởng của mùi hôi, nhiều gia đình còn dùng tấm sắt hàn kín hoặc dùng xi măng xây bít miệng thoát nước hố ga.

Ở những khu vực gần chợ, tình trạng này càng diễn ra phổ biến. Đơn cử, các hố ga ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ phường Hiệp Tân (quận Tân Phú)… đều bị bịt kín khi chúng tôi đi khảo sát vào chiều 16/9.

Ngoài bị bịt miệng, các hố ga còn bị biến thành điểm tập kết rác của người dân. Nhiều năm qua, hố ga nằm đối diện Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình) đã trở thành hố rác của một số phụ huynh. Trong lúc chờ đón con, họ vô tư vứt bừa rác xuống miệng hố ga, gồm bịch ni-lông, chai nhựa hoặc thức ăn thừa.

Khó chịu với điều này, cách đây nửa năm, bà Tuyền - có nhà cách hố ga này vài bước chân - đã mua một thùng nhựa đặt ngay miệng hố ga để làm thùng rác công cộng cho các vị phụ huynh vô ý thức.

Bà Tuyền nói: “Cứ sáng, tôi mang thùng rác ra, tối lại mang vô. Tôi làm vậy vì nhiều lần chứng kiến các chị lao công phải dùng tay moi rác từ miệng hố ga lên, nhìn rất thương”. Thế nhưng, thùng rác này đã không có tác dụng vì các vị phụ huynh vẫn quen tay vứt thẳng rác xuống miệng hố.

Trên tuyến đường Cao Thắng thuộc quận 10 dài không quá 1km, rất nhiều hố ga bị chất đầy rác. Chỉ vào một hố ga cách chỗ đứng của mình dăm bước chân, bà Vân - chủ một quán nước mở tạm trên lề đường - cho hay: “Không chỉ người dân quanh đây mang rác ra bỏ ở miệng hố ga, người đi đường cũng mang rác đến vứt xuống đó”.

Theo bà Vân, người dân mang rác ra hố ga chủ yếu để ngăn mùi hôi trong khi chờ những người thu gom rác đến dọn, còn người đi đường thì tưởng đó là bãi rác công cộng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng này xảy ra ở mọi tuyến đường.

Ít ai bị xử phạt 

Miệng thu nước của hố ga bị lấp, bịt kín hay trở thành bãi rác đã góp phần gây ngập triền miên vào mùa mưa. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, các hố ga được bố trí theo khoảng cách nhất định, nên một miệng thu nước bị lấp bít cũng làm giảm khả năng thoát nước của toàn hệ thống khi trời mưa, gây ngập trên đường phố.

“Đây là hiện tượng ngập giả tạo do dưới cống thì không có nước, trong khi trên đường thì ngập nước” - ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, khẳng định.

Nói về mùi hôi xộc lên từ hố ga ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân, ông Điệp cho rằng, ngoài lý do nội tại, còn do thói quen sinh hoạt của người dân. Rất nhiều hàng quán, hộ gia đình thường xuyên đổ bỏ thức ăn thừa xuống miệng hố ga khiến mùi hôi càng nặng thêm nhiều lần. 

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, ngoài bị bịt, lấp, nhiều hố ga còn bị người dân lấn chiếm. Toàn thành phố hiện có 27 tuyến đường với 67 hố ga bị lấn chiếm, xây nhà lên trên. Một số trường hợp lấn chiếm đã được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử phạt, yêu cầu trả lại hiện trạng, nhưng số này quá ít ỏi. Phần lớn hố ga bị người dân lấn chiếm, xây nhà lên trên hiện vẫn chưa được trả lại hiện trạng.

Thêm vào đó, lưới sắt bảo vệ miệng thu nước ở nhiều hố ga, vốn dùng để ngăn rác cũng “biến mất”. 

Có nơi, người dân còn dùng xi măng bít luôn miệng cống - Ảnh: P.V.
Có nơi, người dân còn dùng xi măng bít luôn miệng cống - Ảnh: P.V.

Theo ông Vũ Văn Điệp, trung tâm không có chức năng xử phạt đối với các hành vi “bức tử” hố ga, do đó đã thường xuyên phối hợp với địa phương kiểm tra, đề nghị xử lý triệt để các hình thức cản trở nhiệm vụ của hố ga, hệ thống thoát nước.

Có nhiều nghị định liên quan được áp dụng để xử phạt, đặc biệt là Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. “Tuy nhiên, thời gian qua, số vụ xử phạt các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định và hành vi che, lấp các hố thu nước chưa nhiều” - ông Điệp thông tin. 

Khi được hỏi về việc áp dụng Nghị định 155 trong xử phạt hành chính, phần lớn các lãnh đạo địa phương cho biết: “Hễ phát hiện người dân có hành vi vứt rác, đổ chất thải ra nơi công cộng, đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động của hố ga là lập tức xử phạt. Tuy nhiên, việc “bắt tận tay” này rất khó, do đó chủ yếu là tuyên truyền, vận động”.

Đối với trường hợp hố ga nằm ngay trước nhà dân bị lấp, bịt kín miệng hố, địa phương chủ yếu vận động chủ nhà tháo gỡ, trả lại hiện trạng. 

Ông Trần Hà Quang Trung - Chủ tịch UBND phường 12, quận 10 - cho biết, nếu vận động mà người dân không chấp hành, song song với xử phạt hành chính, UBND phường kiên quyết cưỡng chế để trả lại hiện trạng cho hố ga. Phường này từng xử phạt một số trường hợp bít miệng hố ga.

Riêng với hành vi xả rác lên miệng hố ga, theo ông Trung, không dễ xử phạt vì không bắt được quả tang. 

Vứt rác vào cống, bị phạt tới 7 triệu đồng

Khoản d, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Phong Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI