Dân ngại lắp pin mặt trời do không bán được điện

22/06/2023 - 06:41

PNO - Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để sản xuất điện dùng cho sinh hoạt và bán điện dư cho ngành điện là giải pháp hữu ích cho các gia đình và cả ngành điện. Thế nhưng, việc không bán được điện khiến nhiều người phải cân nhắc lại việc đầu tư.

Ngại đầu tư do không hiệu quả về kinh tế

Anh Đào Văn Nam (TPHCM) cho biết, mỗi tháng mùa hè, gia đình 10 nhân khẩu của anh ở quê (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) phải chi trả từ 2,2-2,5 triệu đồng tiền điện. Gần đây, do thường xuyên bị cắt điện, gia đình anh tính đến chuyện lắp pin năng lượng mặt trời (NLMT). 
Khi người nhà gọi điện thoại để bàn bạc, anh đã đồng tình. Nhưng sau khi tìm hiểu, anh thấy phải cân nhắc do không đạt hiệu quả về mặt kinh tế. Theo anh Nam, các hộ lắp pin NLMT trước năm 2021 có thể ký hợp đồng, đấu nối với lưới điện chung và bán lại lượng điện dư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ban ngày, mua điện từ lưới điện quốc gia vào ban đêm nên hằng tháng cũng có thêm thu nhập từ bán điện. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, EVN không còn ký hợp đồng mua điện từ các hộ.

Công nhân Công ty Kingtek thi công lắp đặt điện mặt trời - ảnh: Facebook Công ty Kingtek
Công nhân Công ty Kingtek thi công lắp đặt điện mặt trời - ảnh: Facebook Công ty Kingtek

Anh Nam tính toán, để có đủ điện cho nhu cầu tiêu thụ của gia đình anh, phải mất ít nhất 130 triệu đồng đầu tư hệ thống pin. Điện thu được chủ yếu vào ban ngày nhưng việc tiêu thụ điện lại chủ yếu vào ban đêm, khi các thành viên trong gia đình đi làm về. Do không bán được lượng điện thừa ban ngày nên gia đình sẽ phải đầu tư thêm từ 20-40 triệu đồng để lắp hệ thống pin lưu trữ điện để có điện dùng vào ban đêm. 

“Các công ty NLMT tư vấn rằng, có thể thu hồi vốn sau 7-8 năm đầu tư nhưng hiện nay, chưa có đánh giá chính xác về độ bền của hệ thống pin NLMT. Thêm vào đó, một số người đã phải thay bộ pin lưu điện sau 6-7 năm dùng. Do đó, tôi nghĩ, đầu tư 150-170 triệu đồng lắp hệ thống điện NLMT lúc này là không hiệu quả bằng việc mua 1 máy phát điện khoảng 25-30 triệu đồng để dự phòng cho những lúc mất điện” - anh Nam nói.

Anh Nguyễn Văn Tiền - quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trú tại phường Tân Thuận, quận 7, TPHCM - kể, năm 2019, anh lắp hệ thống pin NLMT cả ở TPHCM lẫn tỉnh Bắc Ninh và đều có hợp đồng đấu nối với EVN. Anh cũng chi thêm hơn 20 triệu đồng để lắp hệ thống pin trữ điện cho gia đình ở quê. Dù vậy, nguồn điện lưu trữ chỉ đủ để chạy những thiết bị cần thiết chứ khó dùng được thoải mái. 

Anh Tiền so sánh, hệ thống điện NLMT ở quê chỉ đáp ứng được 70 - 80% nhu cầu điện của gia đình do ánh sáng mặt trời ở miền Bắc yếu trong các tháng mùa đông, mùa xuân. Hệ thống điện NLMT ở TPHCM đạt hiệu suất cao hơn. “Trong trường hợp không đấu nối được với lưới điện quốc gia mà phải đầu tư lắp pin trữ điện thì tôi nghĩ đầu tư cho NLMT là không hiệu quả” - anh Tiền nhận xét.

Đại diện Công ty G.L.Solar (TPHCM) cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, số hợp đồng lắp đặt pin NLMT giảm nhiều, kể cả ở các tỉnh có nắng nhiều trong năm. Nguyên nhân chính là do EVN ngưng ký hợp đồng mua nguồn điện này. Điều này là trái với xu hướng chung của thế giới. Rất nhiều nước có chính sách khuyến khích người dân đầu tư lắp đặt hệ thống điện NLMT áp mái nhưng Việt Nam thì khuyến khích nửa vời, kiểu “đem con bỏ chợ”.

Mục tiêu thúc đẩy sử dụng điện mặt trời bị méo mó

Một cán bộ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do Quyết định 13/2020 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực từ ngày 21/12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương. Do đó, ngành điện đã ngừng mua điện mặt trời của người dân. Trong khi đó, người dân lắp hệ thống pin mặt trời chủ yếu là để bán điện, nên số hộ lắp đặt hệ thống pin mặt trời có xu hướng giảm.

Tiến sĩ Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh - cho biết thêm, lúc đầu, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch khuyến khích phát triển điện mặt trời theo cơ chế bù trừ đã được một số nước áp dụng. Việc lắp đặt hệ thống pin NLMT trước hết là để dùng điện mặt trời phục vụ cho nhu cầu của gia đình, phần còn lại sẽ được bù trừ vào phần điện mà người dân đã sử dụng của ngành điện; chỉ khi đã bù trừ hết vào phần điện của ngành điện lực mà vẫn còn dư ra thì mới bán lại cho lưới điện EVN. Thiết kế bù trừ này khá phức tạp. 

Khi áp dụng ở Việt Nam, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời không thành công như ở các nước khác là do các nhà hoạch định chính sách đã đơn giản hóa thiết kế bù trừ, khiến các tính toán bị sai. Người dân lắp pin NLMT nhưng vừa dùng điện mặt trời, vừa dùng nguồn điện của ngành điện lực, phần điện mặt trời dư ra thì đem bán nên họ thấy cơ hội kinh doanh điện rất lớn và đua nhau lắp pin mặt trời để kinh doanh. Từ đó, mục tiêu thúc đẩy sử dụng điện mặt trời bị méo mó, loạn về quy trình đấu lắp, giá cả. Để kiềm chế, EVN xem họ là hộ kinh doanh điện, yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, yêu cầu có giấy phép bán điện, khai báo thuế.

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500 phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời trên mái nhà tự sản tự tiêu. 

Quyết định này đã giải quyết được những điều gây khó khăn cho người dân trong quá trình lắp hệ thống pin mặt trời áp mái, giúp xác nhận rõ nguồn điện mặt trời này chỉ để tự sử dụng, không phải để bán điện cho ngành điện lực nên sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Nhưng, quyết định này cũng khiến cho động lực lắp đặt hệ thống điện mặt trời của người dân không còn như trước nữa. 

Quang Bình - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI