Dân cần, quan không vội

04/05/2016 - 10:40

PNO - Nhiều cán bộ bây giờ rất sợ mất chức. Muốn “cột” trách nhiệm của họ, thì không chi bằng “tương kế, tựu kế”, dọa mất chức, các ông sợ liền.

Dan can, quan khong voi
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trả lời báo chí ngày 3/5, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế hé lộ thông tin: khi xuống kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ở Q.3 và Q.5 TP.HCM, cán bộ ở đó lúng túng, bỡ ngỡ không biết triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP như thế nào, thậm chí có người nói thật “không hiểu gì”.

Chưa hết, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, bốn tháng qua chưa hề đi cơ sở với anh em!

Quá lạ! TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương được Thủ tướng giao triển khai mô hình thí điểm thanh tra ATTP cấp xã, phường từ hơn bốn tháng qua. Từ Thủ tướng đến Bí thư Thành ủy TP.HCM đều đăng đàn, xem thực phẩm bẩn là nỗi nhức nhối, rồi quyết liệt đề ra biện pháp lẫn cơ chế kìm hãm, dẫn tới triệt tiêu các thứ độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhưng, nếu nói như ông Nguyễn Thanh Phong, thì đúng là ở TP.HCM, chuyện này lâu nay là “dân cần, quan không vội”.

Lúng túng, bỡ ngỡ, là sao? Hoặc là không triển khai, hoặc triển khai không tới nơi tới chốn, “đánh trống bỏ dùi”. Cơ chế phối hợp thanh tra gồm các ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn, công thương, y tế, chính quyền địa phương… Những ngành này do một người có trách nhiệm ở UBND cấp quận, huyện chỉ đạo. Chẳng ai có trách nhiệm, bẩn thì chẳng chết ai, nên không lơ là mới là chuyện lạ. Chủ trương xuống tới quận, huyện là… chết, trong khi thực phẩm bẩn là ở cơ sở, nên xem ra chủ trương từ trung ương đến xã, đường dài lắm, đi chưa chắc đã tới, tới chưa chắc đã vẹn toàn.

Nhưng vẹn toàn đâu có đủ, nếu như chủ trương chỉ là chủ trương. Vị lãnh đạo Chi cục ATVSTP TP.HCM bốn tháng không đi cơ sở, thì báo cáo của cấp dưới lên cho vị này, liệu có đáng tin cậy? Không mắt thấy tai nghe sao dám thò bút ký duyệt kết quả, khi thực tế cho thấy, nói mỏi miệng rồi, nhưng thực phẩm bẩn vẫn nhơn nhơn ra đó. Rõ ràng là quan liêu.

Ông Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng tại Hà Nội làm rất quyết liệt, còn ở TP.HCM ông nói thẳng là “chưa quan tâm lắm”. Trách nhiệm cụ thể ở đây là lãnh đạo các quận, huyện được nêu tên. Ông bí thư, chủ tịch ở đó sẽ nói gì về nhận định này? Rồi còn quận, huyện nào mà cán bộ có trách nhiệm trong việc này ngơ ngác với chủ trương không? Với kiểu làm ăn như thế, sau này lấy gì báo cáo mô hình thí điểm, hay được chăng hay chớ?

Thủ tướng nói ở đâu xảy ra thực phẩm bẩn, lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng, cụ thể hóa trách nhiệm ra sao, là chuyện của địa phương. Ngành công an TP.HCM khi được yêu cầu sau ba tháng phải giảm tỷ lệ tội phạm, đã rùng rùng ra quân, và kết quả bước đầu khiến người dân yên tâm dần.

Vậy còn thực phẩm bẩn? Cả một hệ thống chính trị dày đặc ở cơ sở, ai, nhà nào làm gì, đều biết, nhưng cái lò mổ heo chết ở ngay đó, bao nhiêu năm không ai biết, chẳng bị xử phạt. Không lơ là, không tiếp tay, thì là gì? Riêng ngành thú y, đành rằng lực lượng mỏng, thực phẩm bẩn muôn hình vạn trạng, nhưng chủ trương là huy động tổng lực, làm thí điểm, không lẽ bất lực?

Nhiều cán bộ bây giờ rất sợ mất chức. Muốn “cột” trách nhiệm của họ, thì không chi bằng “tương kế, tựu kế”, dọa mất chức, các ông sợ liền. Lúc đó, thử coi xử thực phẩm bẩn, quan có cần và vội hơn dân không?

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI