Dân ca ví giặm vang khắp trường học Nghệ Tĩnh

04/04/2023 - 07:24

PNO - Không chỉ đưa dân ca ví giặm vào bài giảng, nhiều trường ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh còn thành lập câu lạc bộ dân ca để tạo sân chơi cho những học sinh có năng khiếu, đam mê những làn điệu ví, giặm của quê hương.

 

Cô Nguyễn Thị Lan  nhiệt tình chỉ dạy thêm cho những học sinh có năng khiếu để các em truyền lại cho các bạn trong lớp
Cô Nguyễn Thị Lan nhiệt tình chỉ dạy thêm cho những học sinh có năng khiếu để các em truyền lại cho các bạn trong lớp

Sân chơi cho học trò mê dân ca

Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi, Hà Thị Thanh Liêm - học sinh lớp 9A, Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cùng nhóm bạn thân ra ghế đá chơi, thảo luận về bài dân ca ví giặm mới tập. Đây là nhóm bạn có chung sở thích, đam mê, thường tranh thủ lúc rảnh để thảo luận, tập luyện với nhau. 

Liêm là 1 trong 40 thành viên Câu lạc bộ (CLB) Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của Trường THCS Kim Liên. Mỗi tháng, CLB này sinh hoạt, tập luyện 1-2 buổi. “Một ngày vui đang tới, trang sách mới đang chờ. Là khoan dô khoan…”. Liêm ngân nga đoạn ví giặm Nghệ Tĩnh rồi bảo, càng tập luyện, em càng thích thú với dân ca. Những làn điệu dân ca của quê hương mềm mại, thiết tha, câu từ  nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Văn Luân - học sinh lớp 6C trường này - nói: “Mẹ em cũng hay hát dân ca ví giặm nên thỉnh thoảng tập cho em hát đôi bài. Em thấy thích nên tham gia CLB của trường. Theo em, hát ví giặm cũng không quá khó”.

Cô Nguyễn Thị Lan - giáo viên dạy môn âm nhạc, Trường THCS Kim Liên - cho hay, việc dạy dân ca ví giặm được giáo viên ghép vào tiết âm nhạc, chủ đề giai điệu quê hương: “Không chỉ trực tiếp tập luyện, tôi còn gửi các tài liệu, link các bài hát trên YouTube vào các nhóm lớp trên Zalo để các em tự nghe ở nhà hoặc trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ. Việc này giúp các em hiểu thêm về di sản văn hóa của quê hương và thấm dần, yêu thích dân ca ví giặm một cách tự nhiên nhất”.

Cô Lan cũng là người phụ trách CLB Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của trường. Cô chọn ở mỗi lớp vài học sinh có năng khiếu, đam mê dân ca đưa vào CLB. Sau những bài cơ bản, dễ hát, dễ thuộc nhất, cô bắt đầu tập luyện riêng cho từng em để các em phổ biến lại cho cả lớp trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Cô nói: “Tôi thấy vui khi nhiều em thích thú với làn điệu dân ca quê mình. Các em cũng rất hào hứng biểu diễn ở trường, xã mỗi khi có dịp. Dù chỉ dạy lồng ghép vào tiết âm nhạc hoặc trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa nhưng đã có trên 60% học sinh của trường hát được vài câu ví giặm”.

Là nghệ nhân dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, cô Bích Thủy - giáo viên Trường tiểu học Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho hay, học sinh tiểu học chỉ học dân ca ví giặm 1-2 tiết/năm trong chương trình chính khóa. Do đó, cô thường chọn những điệu ví nhẹ nhàng để tập cho học sinh. “Học sinh tiểu học được nghe và tập ví giặm trong các hoạt động ngoại khóa. Tôi thường viết lời mới phù hợp với lứa tuổi học sinh dựa trên các làn điệu ví giặm để tập cho các em” - cô Thủy nói.

Một buổi sinh hoạt, tập hát dân ca ví giặm của Câu lạc bộ Dân ca  ví giặm  Nghệ Tĩnh,  Trường THCS  Kim Liên
Một buổi sinh hoạt, tập hát dân ca ví giặm của Câu lạc bộ Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Trường THCS Kim Liên

Cùng nhau bảo tồn di sản 

Để gìn giữ và phát huy các giá trị của dân ca ví giặm, thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động như sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, xuất bản, vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các CLB dân ca, tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn và thí điểm đưa dân ca vào trường học.

Từng là giáo viên bộ môn tiếng Anh của Trường THPT Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và là nghệ nhân hát ví giặm Nghệ Tĩnh, chị Đặng Thị Anh Phương cho rằng, những câu ví, giặm chính là hồn quê hương, hồn dân tộc, nên cô luôn mong các làn điệu dân ca này sẽ lan tỏa ra cộng đồng quốc tế.

Năm học 2015-2016, chị mạnh dạn hát các bài dân ca ví giặm bằng tiếng Anh do chính mình sáng tác cho học sinh nghe vào các buổi học, 15 phút sinh hoạt đầu giờ hoặc các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, chị và học sinh còn chuyển lời các bài thơ trong sách giáo khoa tiếng Anh thành bài hát theo điệu ví, giặm.

Theo chị Anh Phương, việc dạy học sinh hát ví giặm bằng tiếng Anh tạo hứng thú cho học sinh, giúp bộ môn tiếng Anh không bị khô khan. Hơn nữa, khi hát ví giặm bằng tiếng Anh, người ngoại quốc có thể hát và hiểu được ý nghĩa của bài hát. Chị nói: “Dù đã nghỉ dạy, nhưng sắp tới, nếu ổn định lại công việc, tôi sẽ tiếp tục quay lại sinh hoạt cùng CLB dân ca ví giặm của địa phương. Hiện CLB dân ca ví giặm ở xã tôi cũng có rất nhiều em nhỏ tham gia”.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - cho biết, việc phát triển CLB dân ca ở các trường học có ý nghĩa rất lớn, được ví như là những bảo tàng bền vững nhằm bảo tồn di sản dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, không dễ để đưa dân ca đến với thế hệ trẻ. Hằng năm, trung tâm cũng phối hợp với các CLB dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn âm nhạc của các trường để từ đó dạy lại cho học sinh. 

Bà Hồng Lựu nêu kinh nghiệm: “Dạy dân ca ví giặm là phải theo kiểu truyền thống, tức là truyền khẩu, chứ truyền qua mạng thì sẽ rơi rớt nhiều. Tôi đã từng dạy online nhưng thấy không hiệu quả mấy”. Hiện Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cũng mở các lớp năng khiếu dạy dân ca ví giặm cho học sinh ở các huyện, nhưng số học sinh theo học không nhiều bởi các lớp này đòi hỏi không chỉ năng khiếu mà còn cả đam mê.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An - các trường trong tỉnh bắt đầu đưa dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh vào giảng dạy từ năm 2018, nhưng số tiết chưa nhiều, chủ yếu dạy trong các chương trình ngoại khóa hoặc thành lập các CLB. Hiện có khoảng trên 300 CLB dân ca ở các trường, tập trung nhiều nhất ở các huyện Đô Lương, Yên Thành. 

Cũng theo bà Thanh Thủy, trong bối cảnh học sinh chịu nhiều áp lực học hành, các CLB dân ca không chỉ giúp bảo tồn di sản dân ca ví giặm mà còn là nơi để học sinh giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, bà thẳng thắn: “Trường nào có giáo viên dạy nhạc giỏi, đam mê, có cơ sở vật chất đảm bảo thì nên duy trì và phát triển CLB, còn không thì thôi, không nên chạy đua theo phong trào”.

Ông Hoàng Minh Phương - Trưởng phòng Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - cho biết, nhằm bảo tồn di sản dân ca ví giặm, phòng đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú, hỗ trợ các CLB khi mới thành lập… để sở trình UBND tỉnh xem xét. Phòng cũng tổ chức các lớp năng khiếu nhằm bồi dưỡng và tìm kiếm tài năng, tổ chức các cuộc thi hát dân ca cho đối tượng học sinh. 

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành kế hoạch tổ chức hội thi hát dân ca trong trường học lần thứ V, năm 2023. Theo kế hoạch, hội thi sẽ được tổ chức ở cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh từ tháng 3 - 5/2023. Hội thi nhằm duy trì phong trào hát dân ca trong các nhà trường, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, qua đó gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các thể loại dân ca.

 Bài và ảnh: Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI