Đại gia Tiền phối hợp với Trung Quốc đầu tư đường sắt cao tốc: Vấn đề ở khâu quản lý

06/10/2016 - 14:52

PNO - ''Các cơ quan quản lý của Việt Nam như Bộ GTVT, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ TN-MT có nhiều chuyên gia. Nếu cần thì thuê chuyên gia từ nước ngoài để cùng nhau đánh giá. Tôi nghĩ điều này cũng không quá đáng sợ.''

Quan trọng là vấn đề tài chính

Tiếp tục bàn luận về việc tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding (HUI) vừa đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM - Khánh Hòa.

Dai gia Tien phoi hop voi Trung Quoc dau tu duong sat cao toc: Van de o khau quan ly
Ông Vũ Văn Tiền (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco)

Trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên chủ nhiệm khoa cầu đường, ĐH GTVT nhận định, đây là một đề xuất đáng để xem xét. Theo ông, 4 công trình mà phía tập đoàn Geleximco đưa ra, trong đó có 2 đoạn đường cao tốc đều là những công trình trọng điểm, đang được đưa vào kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.

Chính vì thế, trong bối cảnh nguồn tài chính khó khăn như hiện nay thì một doanh nghiệp có ý định đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn, chúng ta nên khuyến khích.

''Đây mới là dự kiến Geleximco trình lên xin ý kiến của Bộ GTVT. Thực tế mà nói đây là những công trình nằm trong quy hoạch của Bộ GTVT, thậm chí là cấp bách. Không chỉ riêng Bộ GTVT mà cả Bộ Tài chính hay chính phủ đều khó khăn trong việc huy động số vốn lớn.

Vì thế nếu có ai đề xuất thì tôi nghĩ chúng ta nên hoan nghênh. Những công trình giao thông hiện nay, Việt Nam cũng chỉ yêu cầu chủ đầu tư có từ 18-20% vốn. Việc nói đến Trung Quốc mà chúng ta sốt ruột hay e ngại thì cũng không nên. Nếu chúng ta thẩm định mà phía nhà thầu Trung Quốc vượt qua thì đương nhiên họ có thể đầu tư.'', PGS.TS Toản phân tích.

Theo TS. Toản, khác với hình thức vay vốn ODA kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc bất lợi, việc chúng ta đồng ý cho phía doanh nghiệp Trung Quốc cùng Geleximco đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc, thì bên nắm quyền quyết định về công nghệ là phía Việt Nam.

''Nhà đầu tư chỉ có quyền đề xuất dự án còn các yêu cầu hoàn toàn là do Bộ GTVT và phía Việt Nam quyết định. Trong trường hợp này, Geleximco và doanh nghiệp Trung Quốc phải làm đầy đủ thủ tục, trong đó có thủ tục về công nghệ, về tài chính.

Theo tôi quan trọng nhất là về tài chính còn vấn đề công nghệ thì cũng đơn giản hơn. Tiếng là nhà thầu Trung Quốc nhưng việc họ mua công nghệ của Nhật, Pháp hay Hàn Quốc là do chúng ta tự yêu cầu. Cái này nằm ở phía Việt Nam. Khi tiến hành đầu tư theo hình thức BOT mà chúng ta quản lý chặt chẽ thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn'', PGS.TS Toản lưu ý.

Cần một kế hoạch cụ thể

Bàn luận về công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt, PGS.TS Nguyễn Quang Toản tỏ ra khá lạc quan. Ông cho rằng, đường sắt Trung Quốc cũng đã có một lịch sử khá lâu đời phát triển.

Đặc biệt, đường sắt tốc độ cao khoảng 200 km/h thì Trung Quốc cũng thuộc dạng mẫu mực, cả về quản lý cả về công nghệ trên thế giới. Với đường sắt cao tốc thì họ cũng có những kinh nghiệm nhất định từ các dự án trong nước và một số kế hoạch đầu tư tại nước ngoài.

''Công nghệ đường sắt Trung Quốc thì hiện nay cũng có người chê, có người khen. Có người sợ Trung Quốc sau khi đầu tư sẽ thay đổi công nghệ. Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta không nên lo lắng quá. Như tôi đã nói, dùng công nghệ nào là do phía Việt Nam quyết định, phía Geleximco hay doanh nghiệp Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay cũng tương đối chặt chẽ. Nhất là thời gian qua chúng ta cũng có thêm các kinh nghiệm từ một số dự án Trung Quốc đầu tư không thành công. Vì thế tôi cho rằng những sự cố tương tự cũng ít xảy ra hơn trước'', TS Toản chia sẻ.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc xem xét lời đề nghị của tập đoàn Geleximco và đối tác Trung Quốc, Bộ cũng cần phải đưa ra các kế hoạch chi tiết, cụ thể để thu hút thêm các nhà đầu tư, tạo cơ hội để lựa chọn được những nhà thầu tốt nhất.

''Bộ GTVT nhiệm vụ của họ là xây dựng mục tiêu của dự án và quyết toán kinh phí có thể chịu được. Dựa vào đó, Bộ cũng cần lên kế hoạch để kêu gọi thêm các nhà đầu tư.

Ở đây không chỉ riêng Geleximco mà càng nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư vốn càng tốt. Từ những hồ sơ gửi đến, Bộ GTVT mới cân đối lại khả năng của các doanh nghiệp với yêu cầu đặt ra. Doanh nghiệp nào đáp ứng tốt nhất yêu cầu đó với giá rẻ nhất thì chúng ta lựa chọn.'', PGS.TS Toản lưu ý thêm.

Theo TS. Toản, để tránh tình trạng thay đổi công nghệ và những rắc rối có thể gặp phải như một số công trình giao thông Trung Quốc đầu tư hiện nay, phía Việt Nam cần cử các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm và am hiểu về đường sắt để đánh giá, đưa ra những nhận định khách quan, minh bạch nhất.

''Các cơ quan quản lý của Việt Nam như Bộ GTVT, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ TN-MT có nhiều chuyên gia. Nếu cần thì thuê chuyên gia từ nước ngoài để cùng nhau đánh giá. Tôi nghĩ điều này cũng không quá đáng sợ.'', PGS.TS Toản thẳng thắn.

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI