Đại biểu Quốc hội không chuyên nghiệp thì hoạt động sẽ không thực chất

26/05/2020 - 11:55

PNO - Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với Đại biểu quốc hội (ĐBQH) như phải có bản lĩnh chính trị, hiểu biết toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm công tác tại địa phương, có khả năng nghiên cứu, phát biểu thảo luận, tranh luận trước Quốc hội.

ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định, ĐBQH là hạt nhân hoạt động của Quốc hội
ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định, ĐBQH là hạt nhân hoạt động của Quốc hội

ĐBQH còn cần có năng lực giám sát, chất vấn, biểu đạt ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân trước diễn đàn Quốc hội; có tác phong quần chúng gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân...

Điểm mới nữa là tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH.

Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kiến nghị giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, giảm số lượng ĐBQH của các cơ quan như công an, quân đội để tăng số lượng các đại biểu chuyên trách. 

Tuy nhiên, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại cho rằng, để tăng cường hiệu quả của hoạt động Quốc hội thì việc quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp của ĐBQH chứ không phải là số lượng ĐBQH chuyên trách:

“Cho dù có 100% đại biểu chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của Quốc hội cũng không đảm bảo được thực chất, thực quyền”. 

ĐBQH tỉnh Cà Mau khẳng định, ĐBQH là “hạt nhân” hoạt động của Quốc hội. Quốc hội đang hoạt động chuyển đổi từ hình thức sang hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, mà trước tiên là năng lực pháp lý và các điều kiện để đảm bảo hoạt động cho ĐBQH. Trong đó đáng chú ý nhất là năng lực lập pháp của ĐBQH, quyền trình dự án luật, quyền trình sáng kiến luật.

“Nếu như không được bảo đảm thì quyền khởi xướng chính sách sẽ thiên về phía Chính phủ mà thôi. Lúc đó Quốc hội sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo là cơ quan duy nhất nắm giữ quyền lập hiến, lập pháp”.

Trước nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường ĐBQH là chuyên gia, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ quan điểm trái ngược.

“ĐBQH là chính trị gia, phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của thể chế kinh tế - xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia, am hiểu sâu về một lĩnh vực cụ thể thì không đúng với nguyên lý vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất là Quốc hội”, ông Vân phân tích.

Ngoài ra, theo ông Vân, cần quy định tiêu chuẩn Tổng thư ký Quốc hội. “Tổng thư ký Quốc hội không phải là nhân vật chính trị mà là nhân vật hành chính, làm sao Tổng thư ký Quốc hội phải là người am tường trình tự, thủ tục hoạt động Quốc hội để tư vấn cho Chủ tịch Quốc hội điều hành hoạt động quốc hội thực chất, thực quyền hơn”, ông Vân nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI