Đặc sản thanh trà xứ Huế chết hàng loạt

09/12/2020 - 10:48

PNO - Đi dọc tuyến đường bê tông dẫn vào P.Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn những vườn thanh trà nổi tiếng bên dòng sông Bồ nay chỉ còn trơ cành, ai cũng xót xa. Thanh trà - loài cây trồng mang lại nguồn lợi kinh tế cho hàng ngàn hộ dân - vừa bị thiên tai tàn phá nặng nề.

Thanh trà chết đứng, người trồng lao đao

Tranh thủ những ngày nắng ráo, hàng trăm hộ trồng thanh trà ở P.Hương Vân khẩn trương dọn vườn, đồng thời cứu những cây thanh trà bị hư hại do bão, lũ. Bà Châu Thị Sậy - 65 tuổi, ở tổ Long Khê, P.Hương Vân - cho biết gia đình bà trồng hai sào thanh trà, bị mưa lũ dài ngày làm hư hoàn toàn, rễ bị thối, thân cây khô, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. “Mọi năm cũng có ngập lụt, nhưng chỉ trong 1-2 ngày nên không sao. Năm nay, vườn bị ngập nước gần cả tháng nên cây chết hàng loạt. Thanh trà bị chết là những cây trồng khoảng bốn năm trở lại đây, ở nơi thấp trũng” - bà Sậy buồn bã.

Bà Châu Thị Sậy tiếc ngẩn ngơ vì vườn thanh trà sai trái giờ chỉ còn là những thân cây khô, chỉ để làm củi
Bà Châu Thị Sậy tiếc ngẩn ngơ vì vườn thanh trà sai trái giờ chỉ còn là những thân cây khô, chỉ để làm củi

Thanh trà là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế, được trồng trên đất phù sa bồi ven các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi... Tuy nhiên, các đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua đã làm chết hàng trăm héc-ta thanh trà đang độ cho thu hoạch, khiến người dân điêu đứng. Đặc biệt, ở các vùng Tọt, Bàu Cạn, Bàu Cấm, Bầu Mon, Đồng Tằm thuộc làng Lại Bằng, P.Hương Vân, thanh trà chết hơn 90% diện tích. 

Đứng bên gốc thanh trà khô, ông Hồ Bé - ở tổ dân phố Lại Bằng 1, P.Hương Vân - kể trong đợt lũ vừa rồi, cả nhà ông cùng chèo ghe ra cứu thanh trà nhưng bất lực. Khu vực này ngập sâu hơn 3m, những cây thanh trà 4-5 tuổi đều chết sạch. Theo ông Bé, chưa có đợt lũ nào lại lớn và kéo dài như đợt lũ vừa qua: nước lũ dâng cao tận ngọn cây. Ông Bé phân tích, gần 1 héc-ta thanh trà của ông, nếu không bị lũ gây hư hại, sẽ thu lãi ròng hơn 250 triệu đồng/năm. Trong đợt lũ lụt này, vườn ông hư 250 gốc, trong đó chủ yếu là cây trồng được gần bốn năm.

“Tiếc đứt ruột chú ơi! Công chăm sóc ròng rã cả chục năm qua của cả gia đình, giờ tiêu tan hết. Trước đây, khi chưa có thủy điện Hương Điền, cũng có lúc nước lụt dâng cao hơn 2m, nước lên nhanh nhưng xuống nhanh. Từ ngày thủy điện Hương Điền xả nước về hạ du sông Bồ, nước lụt ngâm cả tháng, người còn không chịu nổi huống chi cây thanh trà” - ông Bé ngậm ngùi.

Chung cảnh ngộ, ông Châu Ca - ở tổ dân phố Lại Bằng 1 - nói nếu năm nay không xảy ra lũ dữ thì gia đình ông có thể bán được hơn 100 triệu đồng từ bốn sào thanh trà bốn tuổi, đang cho trái bói. Nhưng nước lụt đã nhấn chìm tất cả, không còn cây nào sống sót. Thời gian tới, ông Ca chỉ biết gieo hạt để trồng bầu và mướp trên mảnh vườn trơ gốc thanh trà để có cái mà ăn. “Cả gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng, mong giữ gìn giống cây đặc sản nổi tiếng của Huế. Toàn bộ gia đình tui lâu ni sống được cũng nhờ thanh trà, chừ chỉ biết than trời” - ông Ca ấm ức.

Cây giống khan hiếm, đội giá gấp đôi

Thanh trà chết, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng người dân trồng thanh trà tại Thừa Thiên - Huế chẳng biết kêu ai để được hỗ trợ giống, phân, thuốc. Hiện tại, cây thanh trà giống vô cùng khan hiếm. 

Bà con cho biết, trước lũ, mỗi cây giống có chiều cao từ 40-60cm được các vườn ươm tại TP.Huế bán với giá 35.000 đồng/cây; sau lũ, giá vọt lên từ 50.000-70.000 đồng/cây nhưng rất khó tìm ra giống để mua. Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND P.Hương Vân - thông tin đợt bão lụt vừa qua đã khiến 138 héc-ta cây thanh trà của người dân bị chết, đa phần là cây đã trồng được khoảng từ 3-5 năm. 

Ông Hồ Bé tiếc nuối khi nhìn vườn thanh trà chết mòn sau lũ
Ông Hồ Bé tiếc nuối khi nhìn vườn thanh trà chết mòn sau lũ

Tại xã Phong Thu, H.Phong Điền, cũng có hơn 100 héc-ta thanh trà khoảng 3 - 4 tuổi bị chết. Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế, hỗ trợ người trồng thanh trà tỉnh Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả bão lụt, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng thanh trà là cây đặc sản được duy trì lâu đời ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chất lượng rất ổn định, là sản vật nổi tiếng khắp cả nước. Vì vậy, cần khôi phục lại những vườn thanh trà đã bị thiệt hại.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là phải phân loại được mức độ thiệt hại của từng vườn cụ thể, từ đó có những biện pháp kỹ thuật phù hợp để khắc phục. Đối với những diện tích không thể phục hồi, phải trồng lại, bà con nên chọn giống chất lượng để thay thế. Còn những nơi quá trũng, thường xuyên bị ngập lụt thì không nên trồng lại thanh trà mà chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn” - ông Doanh nói.

Ông Hồ Vang - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin đợt bão, lụt từ tháng Mười đến nay làm 540 héc-ta cây có múi bị thiệt hại với mức độ khác nhau. Trong đó chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2-4 năm và tập trung tại xã Phong Thu (H.Phong Điền) và P.Hương Vân (thị xã Hương Trà). Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, phát triển cây ăn quả là một nội dung trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, sở đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh phê duyệt.

Sau lũ, sở đã cử cán bộ kỹ thuật về giúp bà con nông dân cứu vườn cây, khôi phục việc sản xuất. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người trồng có thể kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan. 

Ông Vang nói: “Trước đây, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phối hợp với sở và các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để rà soát một cách kỹ càng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tư vấn chỗ nào nên trồng cây gì. Lẽ ra, việc này đã được triển khai, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bão, lụt nên nhiều khả năng phải chuyển qua năm 2021”. 

Thuận Hóa 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI