Đã nới room, nhưng doanh nghiệp không thể vay vốn vì lãi suất quá cao

19/12/2022 - 07:04

PNO - Các ngân hàng được bổ sung hạn mức tín dụng, nguồn vốn đã dồi dào trở lại nhưng do lãi suất cho vay quá cao nên người có nhu cầu vay vốn e dè, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để sản xuất nhưng cũng không dám vay.

Lãi cao, người vay còn bị ép mua bảo hiểm 

Chỉ mấy tháng trước, người mua nhà phải chầu chực chờ vay nhưng ngân hàng không thể giải ngân do không còn hạn mức tín dụng (room). Tháng 12/2022, hàng loạt ngân hàng được duyệt bổ sung hạn mức cho vay nhưng lại kiếm không ra người vay. Đó là do lãi suất cho vay quá cao và người vay bị ép mua các dịch vụ ngoài ý muốn. 

Lãi vay mua nhà tại Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Phương Đông (OCB) hiện nay là 16%/năm, tăng 1%/năm so với tháng 11/2022. Người vay được giải ngân sớm nhưng điều kiện kèm theo là phải mua bảo hiểm nhân thọ hoặc phải mua tài khoản số đẹp, trị giá 4% khoản vay. 
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lãi suất cho vay hiện nay là 15,4%/năm, tăng 1,5% so với tháng 11/2022 và tăng 5,4% so với tháng 7/2022. Để được vay, khách phải tham gia bảo hiểm nhân thọ bằng 2% trên giá trị khoản vay. 

Để được vay mua nhà tại Ngân hàng Shinhan, khách phải trả lãi suất cố định năm đầu tiên là 10,9%/năm và trong 3 năm đầu là 11,5%, tăng thêm 2,6%/năm so với tháng trước và tăng 3,9%/năm so với đầu năm 2022. 

Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vốn lớn nhưng khó tiếp cận vốn vay  do lãi cao, điều kiện cho vay khó (ảnh chụp tại Công ty Biti’s) - ẢNH: THANH HOA
Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vốn lớn nhưng khó tiếp cận vốn vay do lãi cao, điều kiện cho vay khó (ảnh chụp tại Công ty Biti’s) - Ảnh: Thanh Hoa

Một số ngân hàng thuộc khối nhà nước cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà lên khá cao: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện có lãi suất cố định 3 năm là 11,2%/năm đối với gói chuẩn (đủ điều kiện về thổ cư, giá trị định giá, thu nhập) và 14,7%/năm đối với gói thường, tăng thêm 0,4 - 3,9%/năm; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có lãi suất 11,52%/năm, tăng 2,5%/năm.

Ông Hoàng Minh Nam - Giám đốc Công ty Môi giới Nam Tuyền (quận Bình Tân, TPHCM) - cho hay, trong 1 tháng qua, không có khách hàng nào nhờ công ty này hỗ trợ vay vốn mua nhà. Lãi suất cao nên khiến hầu hết người có nhu cầu vay chỉ tham khảo các gói vay chứ không vay dù giá bất động sản đang giảm mạnh.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn 

Kỹ sư Trương Quốc Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành - thông tin, hiện lãi suất cho doanh nghiệp (DN) vay sản xuất đã tăng lên là 9,5%/năm, cao hơn 2,5%/năm so với đầu năm 2022. Lãi suất vay ngoại tệ trong 6 tháng hiện là 5,5%/năm, tăng 2,3% so với đầu năm. Lãi suất tăng quá cao cùng với việc các chi phí sản xuất tăng khiến các thành viên hợp tác xã không dám vay do không có lợi nhuận, sợ không trả được lãi vay. 
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM - hiện các ngân hàng còn hạn mức tín dụng để cho DN vay nhưng họ xem xét kỹ dòng tiền DN thu về có ổn định hay không, mới quyết định giải ngân. Hiện dòng tiền trở về các DN chậm do các đối tác xuất khẩu thanh toán đơn hàng chậm, hàng tồn kho ở đại lý nhiều. 

Một số DN đủ điều kiện vay vốn lại không muốn vay do lãi suất đang tăng quá cao. Mọi năm, DN sẽ vay vốn để mua trữ nguyên liệu còn hiện nay, họ mang hết nguyên liệu tồn kho ra sản xuất. Ông Nguyễn Quốc Anh dự báo, khi thị trường khởi sắc trở lại, DN sẽ không còn nguyên liệu sản xuất, không đáp ứng được nhu cầu đối tác.

DN ngành du lịch thì đang cần vốn để đầu tư khai thác thị trường nhưng hiện không thể tiếp cận nguồn vốn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel - cho rằng, nhu cầu vốn của tập đoàn này rất lớn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, do thiếu vốn, lỗ tỉ giá nên Vietravel chỉ tổ chức tour tại 7 thị trường quốc tế, bằng 1/3, 1/4 mọi năm. 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký công điện khẩn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, không thể giải ngân gần 400.000 tỉ đồng vốn tín dụng còn lại trong 3 tuần của tháng Mười hai này. 

Ông nói: “Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần thiết kế cụ thể chính sách mới cho năm 2023, trong đó sắp xếp lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ DN; chính sách sau đợt dịch COVID-19 phải khác với trước đợt dịch. Du lịch và hàng không là 2 ngành mũi nhọn nên Chính phủ cần đưa 2 ngành này vào diện được vay ưu tiên, ưu đãi”. 

Phải cải tổ toàn diện thị trường vốn

Hiện tại, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng chia cho GDP ở mức 130%, là mức rất cao và nếu duy trì, sẽ rủi ro cho hệ thống. Tuy nhiên, đến nay, không có cách nào giúp các DN thoát khỏi sự phụ thuộc vốn vào các ngân hàng bởi thị trường cổ phiếu đang chênh vênh, trái phiếu bán chậm. Nếu phát triển được thị trường vốn từ trái phiếu, cổ phiếu một cách minh bạch, bền vững, ổn định, DN sẽ không “khát” vốn như hiện nay. 
Đáng tiếc là trong thời gian qua, thị trường vốn phát triển một cách ồ ạt, mạnh ai nấy làm nhưng thiếu căn cơ. Sau các vụ sai phạm bị phát hiện, xử lý vừa qua, niềm tin của nhà đầu tư với thị trường vốn bị lung lay. Do đó, quan trọng là phải cải tổ lại toàn diện thị trường vốn để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để hỗ trợ DN cân đối nguồn tiền. Đây là một trong những bước đầu cải tổ nhưng như vậy là chưa đủ. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI