Đã đến lúc Việt Nam coi COVID-19 như bệnh lưu hành!?

15/04/2022 - 06:47

PNO - Số ca mắc và tử vong liên tục giảm trong những ngày gần đây, các chuyên gia đánh giá như thế nào về việc xem COVID-19 như một bệnh lưu hành để bình thường hóa dịch bệnh, khôi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội?

“Hoàn toàn phù hợp về mặt khoa học”

Ngày 14/4, gần 200 học sinh lớp Sáu của Trường THCS Nguyễn Quốc Toàn (tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành những trẻ đầu tiên trong nhóm 5 - 11 tuổi tại Việt Nam tiêm phòng vắc xin COVID-19. Đây là một trong những nỗ lực bao phủ vắc xin của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, dần đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường mới.

Người dân Hà Hội đang trở lại nhịp sống bình thường khi dịch đã qua giai đoạn căng thẳng - ẢNH: BẢO KHANG
Người dân Hà Hội đang trở lại nhịp sống bình thường khi dịch đã qua giai đoạn căng thẳng - Ảnh: Bảo Khang

Trước đó, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở nhóm 12 - 18 tuổi và người trưởng thành đã thành công, giúp Việt Nam nằm trong nhóm sáu quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Những tuần gần đây, số ca mắc và tử vong do COVID-19 cũng liên tục giảm mạnh. Từ thời điểm đỉnh dịch với trên 150.000 ca nhiễm/ngày, con số này đang giảm xuống dưới 30.000 ca/ngày. Số ca bệnh nặng cũng giảm mạnh, thời cao điểm là trên 6.000 ca xuống còn hơn 1.000 ca. 

Trước những con số khả quan về tình hình COVID-19, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS - TS) Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá, về mặt khoa học, Việt Nam đã hoàn toàn có thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành. Về định nghĩa “bệnh lưu hành”, theo Bộ Y tế là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch, đáp ứng một số tiêu chí gồm: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh, bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định, tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được…

“Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của Việt Nam đang chiếm 0,4% nhưng đó là cộng dồn số ca tử vong tính từ đầu mùa dịch. Nếu tính ở thời điểm hiện tại, con số này còn rất thấp. Bên cạnh tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tiêm chủng, nhập viện… của COVID-19 cũng ngang với các bệnh đang lưu hành khác”, PGS - TS Nguyễn Huy Nga phân tích. 

Dù vậy, ông cũng lưu ý, còn có nhiều yếu tố về mặt hành chính cũng như tâm lý xã hội để quyết định có thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa. “Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cảnh báo về tình hình COVID-19, một số nơi đang có số ca mắc cao như Hồng Kông, Trung Quốc… Do đó, COVID-19 chưa thể xem đây là bệnh dịch lưu hành trên thế giới.

Còn trong nước, nếu chuyển COVID-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B thì chúng ta đã chuẩn bị để đáp ứng chưa? Các bệnh viện đã sẵn sàng nhận bệnh nhân chưa? Bảo hiểm y tế có đồng ý chi trả cho bệnh nhân COVID-19 hay không?”, vị chuyên gia đặt vấn đề. Ông cho rằng, với chính sách hiện nay, người dân đang được hỗ trợ khi mắc COVID-19 nên khi thay đổi cách ứng phó, cũng cần phải tính tới cả yếu tố về mặt tâm lý xã hội.

Cẩn trọng và đợi thêm thời gian

Mặc dù đánh giá cao hiệu quả chống dịch COVID-19 tại Việt Nam song tới thời điểm hiện tại, PGS - TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM, vẫn cho rằng, cần thận trọng khi xem xét COVID-19 là bệnh lưu hành.

Ông nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, COVID-19 có đỉnh dịch nhưng có thể đỉnh dịch đó không bền vững, khi đỉnh dịch không bền vững có thể quay trở lại. Chúng ta vẫn có thể xem là bệnh thông thường nếu tỷ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên, chưa thể tự tin 100% về vấn đề này. Theo tôi, nên đợi khoảng 4 - 5 tháng tới, chắc chắn khi có đợt dịch tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá lại xem tỷ lệ tử vong có thực sự giảm không. Bên cạnh đó, ngoài tiêm phủ vắc xin cho các lứa tuổi, tỷ lệ mắc cao sẽ sinh ra miễn dịch tự nhiên, thì có thể coi đây là dịch bệnh bình thường”. 

Vị trưởng khoa phân tích, bệnh dịch nhóm A có hai đặc tính, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. WHO cũng cảnh báo, nhiều quốc gia hiện vẫn có cả hai tiêu chí này. Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới có ảnh hưởng tới sự phát triển của dịch bệnh trong nước, bởi khi dịch bệnh lây lan sẽ có khả năng tạo ra biến chủng mới.

“Chúng ta không chắc chắn là biến chủng mới có lành hơn biến chủng cũ hay không? Lúc đó Việt Nam vẫn có nguy cơ. Nếu để dịch bệnh vẫn trong nhóm A thì phòng, chống dịch trở lại không có vấn đề gì, nhưng nếu đã loại ra khỏi nhóm A thì nếu có biến cố, quay trở lại sẽ rất khó”, ông nói.

Theo PGS - TS Đỗ Văn Dũng, hiện tại, dù là dịch bệnh nhóm A nhưng Việt Nam cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch như không yêu cầu F0, F1 cách ly tập trung, vẫn chi trả, điều trị miễn phí cho người bệnh. Đây là các yếu tố có lợi, không tạo ra khó khăn cho người dân.

“Ngoài ra, nếu Việt Nam vẫn khai báo dịch bệnh thuộc nhóm A thì ở một khía cạnh nào đó sẽ giữ uy tín phòng, chống dịch tốt hơn, nhất là với vấn đề phát triển du lịch. Bởi khi ta công bố vẫn cách ly F0 tại nhà, du khách sẽ an tâm hơn khi đến Việt Nam. Người từ một số quốc gia có nguy cơ cao nhập cảnh vào, ta có quyền yêu cầu họ xét nghiệm… Nhưng nếu coi là một loại bệnh bình thường thì sẽ rất khó xử trí”, ông nói thêm.

Ông cũng chia sẻ, ngoài diễn biến trong nước, kịch bản chống dịch của Việt Nam cũng nên đáp ứng sự hài hòa với các nước trên thế giới. Trong điều kiện thế giới bình thường hóa với COVID-19 thì Việt Nam cũng không thể giữ kịch bản chống dịch cũ để đảm bảo hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội. 

Xây dựng song song hai kịch bản chống dịch

Nhận định đang kiểm soát tốt COVID-19, giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, Việt Nam đang xây dựng hai kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 song song để có thể triển khai thời gian tới. Theo đó, kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng, giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và mắc bệnh giúp số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Trong điều kiện này, Việt Nam có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. 

Tuy nhiên, theo cục trưởng, đến nay hiểu biết về vi-rút SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc-xin, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Do đó, kịch bản thứ hai được đồng thời xây dựng để dự phòng. Đó là khi xuất hiện diễn biến mới với biến chủng mang tính nghiêm trọng, Việt Nam có thể chủ động đáp ứng ngay, triển khai các biện pháp phòng dịch cấp bách. 

Huyền Anh



 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI