Cưỡng hôn - đích danh là quấy rối!

27/06/2015 - 09:50

PNO - PN - Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao bàn luận, “ném đá” không ngớt về trào lưu Kiss Cam - “cưỡng hôn” người lạ.

edf40wrjww2tblPage:Content

RỐI LOẠN LO ÂU VÌ… HÔN

Dù tai nạn đã xảy ra hơn ba tháng, nhưng H.L., 24 tuổi, quê ở Quy Nhơn, Bình Định vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc chuyện bỗng nhiên bị người lạ ôm hôn vào môi giữa phố phường tấp nập, trước mặt người yêu. L. kể, đêm 8/3/2015, không chỉ mình L. mà rất nhiều bạn gái trẻ đi dạo ở công viên Quách Thị Trang, Q.1, TP.HCM cũng bị hai gã đàn ông mặc đồ jean nhào đến hôn, nhiều cô đã khóc thét lên kêu “cướp, cướp”. Còn L. thì quỵ chân giữa đường, không nhấc bước nổi.

Sau sự cố, cô sinh viên năm thứ ba ĐH Kinh tế này bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. L. nghỉ học suốt bốn tuần bởi cô sợ bước ra đường lại bị ai đó nhào vô ôm hôn. Rơm rớm nước mắt, L. kể: “Đêm đó về ký túc xá, em ói ra mật vàng, mật xanh. Bạn trai của em lo lắng, điện thoại hỏi thăm, em không dám nghe điện thoại vì xấu hổ. Sáng hôm sau, em đón xe về Quy Nhơn. May mắn, sau đó bố em biết chuyện đã khuyên nhủ, giúp em tự tin quay lại lớp học…”.

Câu chuyện của L. khiến chúng tôi nhớ đến Thụy M., 21 tuổi, nhân viên bán quần áo tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM). M. từng phải nhập viện chữa chứng rối loạn lo âu, sau khi cố vùng vẫy thoát khỏi vòng tay của một thanh niên lạ trong đêm Noel 2014 ngay tại nơi em bán hàng. Thụy M. vốn bản tính nhút nhát, lại chưa có người yêu nên việc bị một người lạ nhào vào ôm chặt là một điều “kinh dị”. M. kể: “Điều đầu tiên em nghĩ, kẻ đó định hãm hiếp mình, nhưng ngay tức thì, nhóm bạn của anh ta nhào vào shop vỗ tay hoan hô ầm ĩ, xin lỗi rồi kéo nhau ra. Biết đó là trò chơi của họ, nhưng sao em ấm ức quá”. Sau một tuần M. rơi vào trạng thái gặp người lạ lại hốt hoảng, kinh hoàng, gia đình phải đưa M. vào BV Nguyễn Tri Phương khám và điều trị.

Hà Trung Kiên, sinh viên năm nhất ĐH FPT nói: “Theo em biết, trào lưu First Kiss xuất hiện lần đầu tiên ở Nga, ban đầu khá dễ thương, các bạn trẻ có thể xin phép để hôn nhau khi vừa gặp lần đầu. Trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, chúng em cũng có chơi trò này, nhưng phải có sự đồng thuận từ hai phía. Mới đây em nghe First Kiss biến tướng và xuất hiện trở lại với tên gọi Kiss Cam, hôn không cần xin phép. Em thấy như vậy không còn hay nữa rồi!”.

Cuong hon - dich danh la quay roi!

Nhiều bạn trẻ bị cưỡng hôn ngay tại trung tâm quận 1, TP.HCM (Ảnh cắt từ clip)

Cuong hon - dich danh la quay roi!

QUẤY RỐI CÔNG KHAI

Chuyên viên tâm lý Phạm Xuân Hưởng cho biết: “Tôi không cho rằng First Kiss đáng bị lên án vì dưới góc độ đạo đức và nhân văn thì First Kiss có thể mang lại những giá trị tích cực cho cuộc sống, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Nụ hôn chính là cách biểu lộ tình cảm thiêng liêng dành cho người mình yêu thương, nhưng ở nước ta, hành động này được thể hiện ở chỗ kín đáo, riêng tư. Khi First Kiss biến tướng thành Kiss Cam thì đó không chỉ là hành vi thiếu văn hóa, phản cảm mà còn có dấu hiệu phạm pháp khi xâm hại đến thân thể người khác”.

Luật gia Phan Thanh Minh - CLB Nữ trí thức Q.3, TP.HCM khẳng định: “Kiss Cam là hành vi quấy rối tình dục công khai. Đây là sự lạm dụng và xúc phạm nhân phẩm người khác, cần có sự chế tài”. Mới đây, khi góp ý kiến xây dựng Bộ luật Hình sự, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất cần đưa nội dung quấy rối tình dục vào Luật Hình sự để có hành lang pháp lý bảo vệ các nạn nhân. Bởi đây chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội, khiến người bị quấy rối khủng hoảng, thậm chí sang chấn tâm lý… Thực tế, đã có người vì bị quấy rối tìm đến cái chết.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Phó khoa Tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, việc giới trẻ Việt Nam “mở cửa, mở lòng” đón nhận và hưởng ứng các trào lưu văn hóa nước ngoài như ôm nhau, ném gối, First Kiss… đều xuất phát từ một nhu cầu có thật: mong muốn được trải nghiệm nét văn hóa mới. Ông cho rằng đây là một nhu cầu bình thường trong xã hội phát triển, hội nhập như ở Việt Nam chúng ta và đó là nhu cầu tự nhiên, khó ngăn cản, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin này. Tuy nhiên, PGS-TS Sơn cũng lưu ý các bạn trẻ: “Việc theo trào lưu đòi hỏi người hưởng ứng phải có “phông” văn hóa thật vững, nếu không muốn bị cuốn vào vòng xoáy của trào lưu, không làm chủ hành vi của chính mình. Nên nhớ tại Việt Nam, việc tự ý ôm hôn người khác giữa chốn đông người, dù luật chưa cấm, nhưng tập quán, thói quen người Việt chưa cho phép, hành vi này dễ dẫn đến sự thương tổn cho người bị hôn. Và khi đó, hành vi tưởng chừng một trò vui này sẽ biến thành tội ác".

 HẠNH CHI

Những nạn nhân của việc “cưỡng hôn” không nên im lặng, hay quá kinh sợ, giấu diếm mà cần mạnh mẽ lên án, vạch trần hành vi tấn công của đối phương, phải biết kêu cứu và lập tức thoát chạy. Bởi khi có phản ứng chống trả này, người thực hiện hành vi ấy sẽ biết xấu hổ mà dừng lại, còn kẻ quấy rối thật sự sẽ bớt lạm dụng. Tiếng kêu cứu của nạn nhân trong mọi trường hợp đều cần thiết.

Luật gia Phan Thanh Minh (CLB Nữ trí thức Q.3)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI