Công ty nợ lương, người lao động xiết hàng

18/03/2015 - 12:20

PNO - PN - Trong hai ngày qua, hàng chục lao động tại Công ty Tuấn Thịnh tập trung tại công ty yêu cầu trả nợ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cong ty no luong, nguoi lao dong xiet hang

Công nhân tập trung trước cổng Công ty Tuấn Thịnh, yêu cầu trả nợ.

Theo phản ánh của người lao động, từ tháng 8/2014, Công ty TNHH Tuấn Thịnh (đăng ký sản xuất kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nợ lương với tổng số tiền trên 425 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Sanh (57 tuổi, tổ 7, khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) bức xúc: “Vợ chồng tôi thay nhau ở công ty hai ngày nay rồi. Hai vợ chồng vào làm việc ở tổ nguội của công ty từ tháng 6/2014, tháng 7/2014 được nhận tháng lương đầu tiên. Làm công tính theo sản phẩm, vợ chồng tôi được công ty trả lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng từ tháng 8/2014 đến nay, công ty không thanh toán lương. Tính ra, tiền lương mà công ty nợ vợ chồng tôi trên 10 triệu đồng. Làm việc không lương, cuộc sống khó nay càng khó hơn. Nhà có hai vợ chồng, thêm một đứa con học đại học, thật không biết bấu víu vào đâu”.

Chị Mai Thị Pháp (tổ 4, khối 1, thị trấn Phú Phong) trình bày: “Tôi làm thủ kho của công ty từ năm 2012 đến nay. Làm ở bộ phận kho, hàng hóa của công ty tôi cũng nắm được, cơ bản không có hàng tồn đọng, tháng nào công ty cũng có đơn hàng xuất đi. Thế nhưng, không hiểu sao công ty lại nợ lương nhân công trong thời gian dài như vậy. Mức lương cơ bản của tôi là 3 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 8/2014 đến tháng 11/2014, công ty nợ tôi 12 triệu đồng. Tháng 12/2014, chỉ một vài lao động đi làm và được công ty thanh toán theo ngày nhưng chỉ trả một nửa so với tiền công.

Trong 4 ngày qua, công ty có một đơn hàng mới, người lao động được gọi đi làm lại với lời hứa hẹn xuất xong hàng sẽ trả lương. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý. Sau khi hoàn thành đơn hàng, 4 ngày qua chúng tôi giữ hàng, yêu cầu thanh toán mới cho xuất đi vì công ty thất hứa quá nhiều lần”.

“Ngày 16/3, Liên đoàn lao động huyện, Công an huyện Tây Sơn và lãnh đạo địa phương xuống trực tiếp tại công ty khi chúng tôi giữ công (container) hàng. Chúng tôi không đập phá, gây mất trật tự, chỉ giữ hàng và muốn công ty thanh toán tiền lương. Chừng nào công ty chưa trả tiền, chúng tôi cứ giữ công hàng này. Lãnh đạo công ty bỏ đi, ngân hàng cử người giữ công hàng vì công ty nợ tiền, ai sẽ trả tiền cho chúng tôi? Chúng tôi cử người thay nhau giữ hàng đến khi đòi được tiền mới thôi”, chị Trần Thị Thanh Nguyên (28 tuổi, TT Phú Phong, Tây Sơn) làm việc tại công ty hơn hai năm, cho hay.

Cong ty no luong, nguoi lao dong xiet hang

Chị Mai Thị Pháp và chị Nguyễn Thị Thìn (áo vàng) lo lắng không biết bao giờ mới được trả tiền.

Ông Đỗ Thanh Tú, Phó giám đốc Công ty TNHH Tuấn Thịnh, thừa nhận: việc công ty nợ lương của hàng chục công nhân là có thật. Nhưng do nhiều công nhân ngăn cản việc xuất hàng đi tiêu thụ nên công ty chưa có tiền trả lương. Nếu xuất được hàng, sắp tới công ty sẽ trả lương cho người lao động.

Theo đại diện UBND xã tây Xuân, ngày 25/11/2014, có 10 lao động của Công ty Tuấn Thịnh lên báo cáo với chính quyền xã Tây Xuân về việc công ty này nợ 3 đến 4 tháng tiền lương.

Ngày 26/11/2014, UBND xã Tây Xuân phối hợp với ban quản lý Cụm công nghiệp huyện Tây Sơn và Công an huyện Tây Sơn có buổi làm việc trực tiếp với Công ty Tuấn Thịnh. Công ty Tuấn Thịnh nợ lương 425 triệu đồng và cam kết cuối tháng 8 cho công nhân ứng 500.000đ/người; đến cuối tháng 1/2015, cam kết trả hết tiền lương cho công nhân.

Thế nhưng, đến nay, Công ty Tuấn Thịnh chỉ thực hiện cho ứng lương, và không thực hiện cam kết trả lương đúng hẹn. UBND xã làm báo cáo gởi lên UBND huyện để có phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Hai ngày qua, UBND xã cử cán bộ lên trực tiếp công ty vận động người lao động thực hiện đúng quy định, không gây mất an ninh trật tự.

Ông Đỗ Văn Sỹ - Phó chủ tịch huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện đang chỉ đạo ngành chức năng, UBND xã Tây Xuân phải đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và đề nghị Công ty Tuấn Thịnh ưu tiên trả tiền nợ lương của công nhân”.

THU DỊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI