Công nghệ số “Nhập” vào đời sống

26/01/2023 - 11:37

PNO - Các công nghệ kỹ thuật số đã phát triển nhanh hơn bất kỳ sự đổi mới nào trong lịch sử nhân loại, tiếp cận khoảng 50% dân số thế giới chỉ trong 2 thập niên gần đây và làm thay đổi cuộc sống con người trên nhiều phương diện.

Khung cảnh bên trong một bảo tàng  nghệ thuật kỹ thuật số tại Tokyo, Nhật Bản. Bảo tàng dự kiến sẽ tái mở cửa vào năm 2023 - ẢNH: TEAMLAB BORDERLESS
Khung cảnh bên trong một bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số tại Tokyo, Nhật Bản. Bảo tàng dự kiến sẽ tái mở cửa vào năm 2023 - ẢNH: TEAMLAB BORDERLESS

Công nghệ thay đổi sản xuất và tiêu dùng

Trong suốt lịch sử, các cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi lực lượng lao động, tạo ra những hình thức, mô hình công việc mới và dẫn đến những thay đổi xã hội rộng lớn. Làn sóng hiện nay tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thân thiện môi trường. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, việc chuyển sang nền kinh tế xanh hơn có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2030 thông qua việc áp dụng các tiêu chí bền vững trong lĩnh vực năng lượng, sử dụng xe điện và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà hiện tại và tương lai.

Các nhà sản xuất đang sử dụng dữ liệu và phân tích do AI hỗ trợ để giảm các rủi ro ngoài dự kiến, nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng sản phẩm và sự an toàn của nhân viên. Việc áp dụng AI nên được coi là bước phát triển tích cực, từ đó cho phép con người tập trung vào các hoạt động tạo ra nhiều giá trị hơn. Theo công ty công nghệ IBM, 85% công ty bán lẻ và 79% công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng đặt mục tiêu dùng tự động hóa thông minh để lập kế hoạch chuỗi cung ứng vào năm 2021. Điển hình, thương hiệu giày dép, quần áo và thiết bị Nike đã ứng dụng một hệ thống nơi khách hàng có thể tạo ra các thiết kế giày dép của riêng họ và nhận chúng tại cửa hàng hoặc yêu cầu giao đến tận nhà. Hệ thống tự động mới này dùng công nghệ thực tế tăng cường, theo dõi vật thể, mô hình hóa đối tượng cũng như kích hoạt bằng giọng nói để chuyển đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu và sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ số và AI trong khám chữa bệnh giúp nhân viên y tế đưa ra quyết định  tốt hơn - ẢNH: GETTY IMAGES
Ứng dụng công nghệ số và AI trong khám chữa bệnh giúp nhân viên y tế đưa ra quyết định tốt hơn - ẢNH: GETTY IMAGES

Chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Trí tuệ nhân tạo ngày càng tinh vi hơn khi thực hiện những công việc của con người, nhưng hiệu quả hơn, nhanh hơn và với chi phí thấp hơn. Tiềm năng của cả AI và robot trong chăm sóc sức khỏe là rất lớn. Một trong những lợi ích lớn nhất là giúp mọi người khỏe mạnh để không cần đến bác sĩ hoặc ít nhất là không quá thường xuyên. Việc sử dụng AI và internet vạn vật cho y tế (IoMT) trong các ứng dụng sức khỏe đã và đang khuyến khích các hành vi lành mạnh hơn và giúp mỗi cá nhân chủ động quản lý lối sống khỏe mạnh. AI cũng giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hiểu rõ hơn về các mô hình và nhu cầu hằng ngày của bệnh nhân, qua đó cung cấp phản hồi, hướng dẫn và hỗ trợ tốt hơn.

AI hiện được sử dụng để phát hiện một số căn bệnh nguy hiểm với tỉ lệ chính xác cao hơn, chẳng hạn như ung thư, ngay từ giai đoạn đầu. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỉ lệ chụp quang tuyến vú cho kết quả sai dẫn đến việc một nửa số phụ nữ khỏe mạnh nhận được thông báo rằng họ bị ung thư. AI cho phép xem xét và dịch ảnh chụp quang tuyến vú nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%, giảm nhu cầu sinh thiết không cần thiết. Sự phổ biến của thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe và các thiết bị y tế khác kết hợp với AI cũng đang được áp dụng để giám sát bệnh tim ở giai đoạn đầu, cho phép điều trị dễ dàng hơn. 

Không chỉ vậy, AI còn giúp tạo sự liên kết giữa kho dữ liệu sức khỏe khổng lồ với các quyết định phù hợp và kịp thời, đưa ra các phân tích, dự đoán có thể hỗ trợ hành động và quyết định lâm sàng, cũng như giảm tải nhiệm vụ hành chính.

Nâng cao sự sáng tạo

Ở một phương diện khác, nghệ thuật kỹ thuật số đang dần mở rộng ranh giới sáng tạo và phá vỡ các phương cách tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Các nghệ sĩ chế tạo robot tự động để cộng tác, cung cấp dữ liệu cho các thuật toán và huấn luyện máy học để tạo ra các tác phẩm trực quan mới lạ. Họ làm việc với các phần mềm bắt chước trí óc con người để tạo ra một dòng tác phẩm nghệ thuật độc đáo và vô tận. Thành quả của quá trình này xuất hiện trên bìa album nhạc pop, tô điểm cho các bức tường của phòng trưng bày nghệ thuật, gợi trí tò mò trong một đoạn video quảng cáo. Thậm chí các hệ thống AI có thể học cách soạn nhạc theo phong cách của Mozart, Bach, Beethoven… hoặc tạo ra các bức tranh như thể đó là tác phẩm độc nhất của Caravaggio. Các trợ lý AI cũng có thể giúp tái tạo những kiệt tác lịch sử nghệ thuật đã thất lạc từ lâu bằng cách phân tích các tác phẩm và tìm hiểu phong cách độc đáo của bất kỳ nghệ sĩ nào từng sống. Khả năng tiếp cận những kho lưu trữ nguồn mở và bộ dữ liệu đào tạo sẵn cho phép các nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm trong thời gian ngắn. 

Một trong những cuộc đấu giá nghệ thuật AI đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 tại San Francisco (Mỹ), nơi các nghệ sĩ AI như Memo Akten và Mike Tyka trưng bày những hình ảnh được tạo bởi thuật toán Deep Dream của Google. Đến năm 2018, một hình ảnh do AI tạo ra đã được bán tại nhà đấu giá Christie's. Cuộc đấu giá Bức chân dung của Edmond Belamy là phiên bán tác phẩm nghệ thuật AI đầu tiên được phổ biến rộng rãi, dù trước đó nhiều nhà khoa học dữ liệu và nghệ sĩ đã sáng tạo và bán tác phẩm nghệ thuật AI của mình.
Nhìn chung, công nghệ số có thể nâng cao đáng kể chất lượng và quy mô hoạt động của ngành sản xuất. Chúng cũng hứa hẹn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người thông qua những ứng dụng, thiết bị chăm sóc sức khỏe và sản phẩm sáng tạo. 

Tấn Vỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI