Con dâu miền Nam 'sốc văn hóa' nhà chồng miền Bắc

09/01/2020 - 05:23

PNO - Tôi chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội sống, trong sự ngăn cản của bạn bè: “Tính mày phóng khoáng, xuề xòa, ra đó sống không nổi đâu”.

Mới đây, trên một diễn đàn về hôn nhân, một phụ nữ đã gửi những dòng tâm sự đầy bức xúc: “Em là con gái miền Nam, một lần ra Hà Nội công tác, em đã yêu một anh, sau đó hai năm chúng em kết hôn. Sống ở nhà chồng em cứ nơm nớp, không dám mở miệng vì sợ vạ miệng.

Vào bữa ăn, em lễ phép “con mời cả nhà ăn cơm”, thì má chồng mắng sấp mặt, vì phải mời từng người. Nhà chồng em có mười hai người, mời từng người em thấy mình giống như một con vẹt. Em mua đồ ăn vặt về cho cả nhà thì nói em tiêu xài hoang phí. Nhưng thèm quá em ra ngoài ăn thì bị mẹ chồng bắt gặp và mắng em sống vô độ.

Em thật sự rất căng thẳng, vì gia đình em vốn rất thoải mái. Em nói với chồng, anh cho rằng chuyện này bình thường và kêu em tập cho quen. Nhưng thật sự em không thể quen được vì cách cư xử của hai gia đình quá khác biệt. Em đang rất ngột ngạt và căng thẳng. Em phải làm sao đây?”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tâm sự này nhận được hơn hai trăm tư vấn của các “quân sư”, thậm chí đã có xung đột giữa hai luồng ý kiến trái chiều: một bên bênh vực nàng dâu và cho rằng chuyện mời cơm của nàng dâu như vậy là quá lịch sự rồi. Số còn lại bảo nàng dâu nhập gia phải tùy tục. Họ cho rằng lỗi do cô không chịu tìm hiểu kỹ để nhận ra khác biệt trong văn hóa ứng xử.

Một tài khoản còn gay gắt: “Khi ăn cơm mời gộp bố mẹ cùng lúc còn không được, huống gì mời cả nhà như vậy. Xới cơm thì phải gạt cơm phía trên ra, lấy cơm phía dưới cho ông bà, bố mẹ trước rồi mới đảo đều nồi cơm (đừng đảo cháy) xới cho những người còn lại, từ lớn đến bé… Bạn nên học lại những lễ nghi cơ bản thì sẽ thấy đơn giản hơn nhiều”. 

Một chị khác phản đối: “Thời buổi này người ta ghét nhất cái kiểu chào hỏi sáo rỗng. Thế trên bàn ăn có mười người thì phải mời hết từng người một à? Bản thân bạn đã không chịu thay đổi cho phù hợp xu thế, lại còn ép người khác theo cách sống của mình là sao?”. 

Câu chuyện này làm tôi nhớ… chính mình. Hơn mười năm trước, tôi cũng lấy chồng xứ Bắc. Thuyền theo lái, gái theo chồng, tôi chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội sống, trong sự ngăn cản của bạn bè: “Tính mày phóng khoáng, xuề xòa, ra đó sống không nổi đâu”. Tôi tin mình suy nghĩ chín chắn và chịu thương chịu khó, thì sẽ không khó để hòa hợp với nhà chồng. 

Nhưng dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, tôi vẫn bỡ ngỡ và không thoải mái khi ông bà nội chồng và cha mẹ chồng cứ “một chị, hai chị”, làm tôi thấy xa cách và bơ vơ ngay trong chính gia đình anh. Sốc văn hóa là điều khủng khiếp nhất.

Ngày nào, tôi cũng phải chào bố mẹ chồng, ông bà nội chồng không dưới hai mươi lần. Sáng mở mắt đã chào, trên mâm cơm chào, đụng mặt ở nhà bếp, thậm chí cả nhà vệ sinh cũng phải chào… Chỉ cần câu chào không đầy đủ “Con chào bố/mẹ ạ. Cháu chào ông/bà ạ”, tôi cũng bị nhắc ngay là không nền nếp, lễ phép.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm dâu nhà có người lớn và đông người, nên năm giờ sáng tôi đã thức dậy để chuẩn bị điểm tâm cho cả nhà, dọn bếp núc sạch sẽ tinh tươm rồi mới được đi làm. Chiều tan sở tôi phải về ngay, bởi con dâu được mặc định là người phải gánh chuyện chu toàn bữa cơm gia đình. Trong khi ở nhà tôi, ai về trước người đó sẽ lo cơm nước, không nấu kịp thì ra ngoài ăn tiệm.

Nhưng điều ám ảnh tôi nhất vẫn là bữa cơm. Ngồi vào mâm tôi phải “ôn” bài chào mời đủ chín người trong đại gia đình. Mời xong một vòng, tôi tự dưng chẳng muốn ăn nữa. Xong bữa, tôi phải rót nước, lấy tăm, khăn… đưa tận tay người lớn, nếu không muốn bị đánh giá là thiếu lễ phép.

Tôi biết nhập gia phải tùy tục, nhưng thật sự điều này quá khác biệt với nếp sống, sinh hoạt ở nhà tôi. Hơn nữa, mỗi lần vợ chồng tôi gây gổ, mẹ chồng luôn bắt tôi phải xin lỗi chồng, bất kể tôi đúng sai, vì bà cho rằng “vợ là phải phục tùng chồng”.  

Tôi cảm thấy đơn độc trong cái gọi là gia đình. Chồng tôi lại cho đây là chuyện bình thường, nên tôi cũng không trông mong sự thông cảm từ anh. Biết rằng vấn đề là khác biệt văn hóa vùng miền, bản thân tôi cũng không thể thích nghi được lối sống đó, nên sau khi thuyết phục anh ra riêng không được, tôi một mình trở vào Nam. Sống xa nhau, có thời gian nhìn lại mọi chuyện, tôi nhận ra rằng mỗi cuộc hôn nhân là một cuộc hội nhập.

Tôi và gia đình chồng đã không thể hòa nhập, không cho cơ hội để hiểu nhau – nhất là vấn đề khác biệt văn hóa, thì khó mà có cái nhìn thiện cảm về nhau được. Chẳng hạn tôi vốn yêu thương động vật, nên khi thấy nhà chồng vui vẻ ăn thịt chó, tôi tự dưng rùng mình và không hiểu sao họ lại… ác thế. Hay bữa cơm ở quê tôi, chuyện mỗi người tự bới tô cơm ra một góc ngồi ăn là bình thường, thì trong mắt nhà chồng, đây là sự xô bồ không thể chấp nhận. 

Một trong những yếu tố quyết định hạnh phúc là phải tìm hiểu đối phương thật kỹ trước khi tiến đến hôn nhân. Gia đình đối phương thế nào, nếp sống, sinh hoạt, thói quen, ứng xử của họ ra sao. Mỗi cuộc hôn nhân là một cuộc hội nhập giữa những con người xa lạ, và nó kéo dài có khi hết đời. Trong đó, yếu tố hòa hợp về văn hóa là quan trọng nhất.

Hiểu được văn hóa, người ta sẽ nhìn nhận những khác biệt đó bằng tất cả sự cảm thông, thấu hiểu, để mỗi khi đối diện với một hành xử trái ngược của người chồng hay người vợ, chúng ta sẽ không phải sốc, bỡ ngỡ, hay bất bình, mà sẽ biết thông cảm, thấu hiểu, và lúc đó mới có thể mở lòng ra để yêu thương họ… 

Khánh Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • cat 11-01-2020 15:49:26

    Những người khác trong gia đình cũng chào, mời người lớn tuổi hơn, đâu phải riêng bạn. Nhìn mọi người làm mà bắt chước. Nhà tôi cũng khá đông, trong những bữa giỗ chạp, lại càng đông. Thực ra chỉ cần nói: Con mời bố - mẹ xơi cơm, em mời các anh các chị xơi cơm, cô mời các cháu dùng cơm.... mời theo nhóm, đâu cần gọi từng người. Chào mời là chuyện nhỏ, mà bạn đã thấy khó, thì những việc khác nữa, hòa hợp sao được?

  • That tha 10-01-2020 23:06:39

    Bài viết rất đúng thực tế của rất nhiều cô dâu khác biệt văn hoá. Nước mắt chan cơm! Đã vậy, dù ở văn hoá nào thì mẹ chồng cũng hay sống khách sáo, hình thức, không chịu hoà nhập với thời đại mà bắt con dâu phải sống theo ý mình, sống theo cách cỗ hủ của mình, độc tài... khiến cho con trai mình ỷ lại và gia trưởng. Nhiều vụ li hôn cũng từ đây. Chỉ cần họ biết nghĩ con gái nhà người ta cũng là cục vàng như con họ, nhưng về nhà mình nai lưng ra hầu (trừ giờ ở công ty) mà còn chẳng được yêu thương. Giờ là thế kỷ bao nhiêu rồi nhỉ?

  • Hagi 09-01-2020 09:58:18

    Đã từng bị như thế, ăn uống phải chào hỏi, lễ nghi quá độ và rồi mình đã lựa chọn ra đi vì ngoài được người ấy yêu thương mình thì còn phải có tình yêu thương thấu hiểu từ gia đình người ấy mới mong hòa hợp, mới mong có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

  • 09-01-2020 09:20:34

    Ôi, bỏ vào Nam, hai vợ chồng, mỗi người mỗi nơi, là 1 giải pháp sai lầm rồi bạn gái ơi. Vợ chồng là phải sống cùng nhau và cùng giải quyết mâu thuẫn chứ. Tách ra như vậy, tôi bảo đảm việc 2 bạn ly dị không sớm thì muộn.

  • Hằng 09-01-2020 09:19:47

    Tôi người bắc, vào nam sống. Rất nhiều điều thoải mái ở cách sống của người miền nam làm tôi thấy thú vị. Nhưng riêng việc "mỗi người tự bới tô cơm ra một góc ngồi ăn" thì tôi thấy không thích. Đã là gia đình thì cần có sự gần gũi, cần có khoảng thời gian sinh hoạt chung để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn. Ít nhất 1 ngày nên có 1 bữa ăn cả gia đình ngồi ăn chung để cha mẹ hỏi chuyện các con hôm nay đi học, đi làm có gì vui, để cùng kể cho nhau nghe về chuyện cô dì chú bác... và cũng để dạy cho con trẻ các cách ứng xử khi ra ngoài xã hôi, ví dụ khi đi ăn với người ngoài, cần nhìn lượng thức ăn mà gắp, không được thoải mái ăn cho đã miệng mình mà ăn hết phần người khác. Khi nhai khép miệng kẻo nước bọt bắn ra ngoài mất vệ sinh...
    Miền bắc quá khuôn phép, miền nam quá thoải mái, nếu gia đình nào có thể dung hoà được văn hoá giữa 2 miền là tốt nhất.

  • Nguyễn anh tuấn 09-01-2020 08:59:33


    Một vấn đề nan giải cho các cô dâu miền nam về miền Bắc là lễ nghĩa đặt lên hàng đầu, nếu không chịu thích nghi chỉ có chia tay.

  • pt 09-01-2020 08:46:41

    Tào lao làm gì tới mức đó trước nhà tôi cũng đông cũng phải mời nhưng đứa bé nhất cũng chỉ nói con mời bố mẹ em mời anh chị là xong

  • Minh Tân 09-01-2020 08:32:06

    Ly dị cho khỏe.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI