Cơn cuồng tẩy trắng da và thực tế buồn sau khuôn mặt trắng bóc

17/01/2019 - 06:00

PNO - Một số quốc gia châu Phi, trong đó có Rwanda và Ghana, gần đây đã cấm việc sử dụng các sản phẩm tẩy trắng da vì chúng vô cùng nguy hiểm.

Con cuong tay trang da va thuc te buon sau khuon mat trang boc
Một chuyên gia làm đẹp người Kenya hướng dẫn cách sử dụng kem làm sáng da.

Dù vẫn có các sản phẩm thay thế khác an toàn hơn, nhiều sản phẩm làm trắng và làm sáng da trên thị trường châu Phi hiện nay chứa rất nhiều thành phần có hại như thủy ngân và các chất kích thích liều cao.

Những thành phần này có thể gây ra suy thận và nhiều bệnh khác, khiến việc tẩy trắng da trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng mà các chính phủ ở châu lục này phải đối phó.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 77% phụ nữ ở Nigeria sử dụng các sản phẩm làm sáng da, đây là tỉ lệ cao nhất trên thế giới.

Tuy vậy, cũng như nhiều vấn đề y tế khác, câu chuyện này ở Nigeria và châu Phi không chỉ là chuyện thuốc men, đó là vấn đề kinh tế và xã hội.

Cấm đoán chẳng thể tác động đáng kể đến tình trạng sử dụng các sản phẩm tẩy trắng da thiếu an toàn nếu như không cộng hưởng với các biện pháp khác. Không phải tự nhiên mà phụ nữ châu Phi đi tẩy trắng da theo phong trào.

Họ tìm cách làm cho làn da sáng lên vì có như vậy họ mới được nhìn nhận là hấp dẫn hơn, cũng như đem lại cho họ nhiều quyền lợi kinh tế hơn.

Năm ngoái, ông Matthew Knowles, cha của nữ danh ca Beyoncé Knowles-Carter, một trong những nghệ sĩ giải trí thành công nhất thế giới, đã nêu vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn trên sóng phát thanh.

Con cuong tay trang da va thuc te buon sau khuon mat trang boc
Nữ danh ca Beyoncé Knowles-Carter

Ông Matthew Knowles tin rằng con gái mình được chấp nhận dễ dàng hơn trong ngành công nghiệp giải trí vì da cô tương đối sáng. Ông cũng chỉ ra rằng, "rõ ràng trong một thập kỷ trở lại đây không có một ngôi sao nhạc pop nào có làn da tối màu hơn thế mà có thể nổi lên được".

Trong cuốn sách của mình, ông Knowles viết, chính mẹ ông cũng không chấp nhận cho con trai có bạn gái da đen thẫm.

Edward Ademolu, Tiến sĩ ĐH Manchester (Anh), định nghĩa chủ nghĩa màu da này là "một hệ thống phân chia giai cấp dựa trên làn da của các sắc tộc, trong đó các đặc quyền về xã hội, văn hóa, kinh tế thường dành cho những người có làn da sáng màu còn sự kỳ thị là dành cho những người có làn da tối màu".

Điều này là hiển hiện ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi, khi những phụ nữ da sáng được cho là xinh đẹp hơn và nhờ thế dễ dàng thành công hơn trong một số lĩnh vực, ví dụ trong ngành công nghiệp thời trang và điện ảnh.

Ngay cả trong giới kinh doanh, nhiều người Nigeria cũng đồng tình rằng phụ nữ da sáng hơn thường giữ được việc làm tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị.

Bằng chứng thì không thiếu. Trong một nghiên cứu tâm lý học, được biết đến với tên gọi "hiệu ứng hào quang", con người có xu hướng cho rằng một người có một phẩm chất tích cực nào đó thì cũng sẽ có cả những phẩm chất tích cực khác; do đó khi thấy một người ưa nhìn, ta mặc định rằng họ tốt tính.

Con cuong tay trang da va thuc te buon sau khuon mat trang boc
Ngôi sao Snapchat người Nigerian Bobrisky bán các loại kem làm sáng da.

Shingi Mtero, Giảng viên ĐH Rhodes (Nam Phi), mở một khóa học về tính chính trị của việc tẩy trắng da, và nói trong một cuộc phỏng vấn: "Ở châu Phi giai đoạn hậu thuộc địa, da sáng vẫn cao cấp. Da trắng là điều nhiều người châu Phi khao khát, và da càng sáng thì địa vị xã hội càng cao".

Mặc dù Mtero cho rằng nhiều phụ nữ châu Phi đang tẩy trắng da một cách tuyệt vọng và mù quáng, những cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến tốt hơn mà làn da sáng mang lại rõ ràng không ủng hộ luận điểm của giảng viên này. Quyết định tẩy trắng da của phụ nữ châu Phi là hoàn toàn tỉnh táo, nghiêm túc và tính toán cẩn thận.

Chính vì thế, chỉ đơn thuần cấm đoán các sản phẩm này là chưa đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề. Điều cần làm là đối thoại mở về màu da và quan điểm về cái đẹp, về cách truyền thông vấn đề này, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông về thời trang, trong đó phải nhìn nhận sự đa dạng trong vẻ đẹp con người, vượt ra khỏi lý tưởng của phương Tây, để có thể chấm dứt sự kỳ thị màu da.

Nếu không làm như vậy thì sẽ không giải quyết được vấn đề y tế nghiêm trọng hơn. Xã hội mà không thay đổi nhận thức thì ngành y cứ mãi chạy theo xử lý những hội chứng phát sinh chứ chẳng thể nào chữa được tận gốc bệnh tật.

Đại An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI