Cơm cháy bà ngoại

26/04/2020 - 07:03

PNO - Mỗi lần tôi làm món “cơm cháy bà ngoại”, thì tụi trẻ con trong nhà đều reo lên: “Thích quá!”. Tụi nó cũng giống mẹ chúng, mê món “cơm cháy của bà ngoại”

Đó một trong những món “đặc sản” của mẹ mình, món ăn gắn liền với tuổi thơ khốn khó. 


Sài Gòn có nhiều quán cơm niêu bán món này nhưng ăn vài quán đều thấy cơm cháy cứng quá. Cả nhà tôi đều thích cơm cháy hơi vàng thôi, vừa đủ để nhai nghe giòn rụm, thơm mùi gạo mới mà ăn vẫn mềm dính răng. Mẹ tôi gọi là cơm cháy "bạng dạng” (đọc hơi chệch của từ bạng nhạng), một thứ tiếng Huế rất đỗi thân thương mà lâu không nghe thì thấy nhớ. 

1.
Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ xíu, mẹ nấu cơm trong lò gang, trên bếp củi. Nhà tôi nghèo, lại đông anh em, nên rất tốn cơm, bữa nào cũng phải nấu một nồi rất to. Cả đời mẹ nấu cơm chưa từng khê sống, dù nấu cơm trên bếp lửa và phải làm nhiều việc cùng lúc.

Cơm mẹ nấu lớp ở trên thì chín đều còn lớp dưới đáy nồi không bao giờ cháy quá lửa. Về sau, khi đổi qua nấu bếp gas, mẹ tôi lại có một “chiêu” nấu cơm cháy độc đáo: chờ cơm sôi cạn nước, thì lót vào dưới nồi cơm một cái nắp nồi bằng gang cũ mèm, rồi cứ nấu như bình thường. Kết quả là cơm chín đều ngon, mà cơm cháy vẫn “bạng dạng” như mong muốn.


Mẹ tôi vốn là con gái của một gia đình gia giáo ở Huế, nên rất kỹ tính trong việc dạy con, nhất là trên bàn ăn, từ tư thế ngồi, cách cầm chén đũa đến cách gắp thức ăn thế nào cho đúng, anh chị em tôi đều được mẹ dạy rất nghiêm khắc. Một thói quen của gia đình tôi là khi nào có đủ mặt các thành viên trong nhà mới bắt đầu bữa ăn.

Thói quen này một phần vì gia đình đông con, nên nếu không ăn cùng nhau thì người ăn sau có thể không còn cơm canh. Ăn cùng nhau là cách các thành viên biết “liệu cơm gắp mắm”, biết nhường nhịn nhau. Còn mẹ thì nói rằng ăn chung là thể hiện sự tôn trọng người lớn tuổi.

Vì trong bữa cơm, con cháu trong nhà bao giờ cũng phải mời người lớn trước khi ăn. Và khi ăn, con cháu cũng không thể cắm cúi vào chén cơm của mình mà phải biết để ý xem còn đồ ăn cho ba mẹ, ông bà mình không… Dù với lý do gì đi nữa, thì tôi cũng nghĩ ăn cơm chung là thói quen tốt, nên tôi đã luôn cố gắng duy trì thói quen đó trong gia đình nhỏ của mình sau này.

Tuy vậy, lúc nhỏ, tôi luôn cảm thấy mẹ mình sao mà khó tính, nguyên tắc quá. Mặc dù không dám phản đối ra mặt nhưng trong lòng tôi rất ấm ức, muốn làm điều gì đó càng “bất quy tắc” càng tốt. Thế nên, khi cơm cháy được là ngoại lệ trong quy tắc “ăn cơm chung” thì tôi hào hứng lắm. Cơm cháy ăn lúc nào cũng được, đa phần là trước bữa cơm, mẹ tôi lấy cơm cháy cho đàn con ăn trước.

Mẹ hay vắt cơm cháy thành từng nắm cỡ hai ba ngón tay, đưa cho tôi chấm muối mè hoặc nước thịt kho.  Sao mà hợp và ngon lành đến thế! Tôi cầm nắm cơm cháy, chạy một vòng hết lại vào xin, cứ thế mà ăn hết nắm này tới nắm khác. Ăn một hồi thì cơm cháy trở thành món ăn gắn với tuổi thơ, tới khi lớn thì hay nhớ hay thèm. 

2.
Tôi lấy chồng và lập nghiệp xa nhà, lâu lâu về Đà Lạt lại muốn mẹ vắt cơm cháy cho ăn. Trong không khí lành lạnh ở thành phố sương mù, hình như ăn miếng cơm cháy thấy thơm hơn, ngọt hơn. So với 30 năm trước, những ngón tay của mẹ vắt cơm cháy vẫn khéo léo quá chừng.

Tôi hay trêu mẹ: “Mạ rửa tay chưa mà vắt cơm khí thế vậy?”. Và mẹ sẽ đáp trả bằng một câu mà mình có thể đoán trước được: “Mạ mi ở dơ rứa mà nuôi được bảy đứa con lớn như ri. Mi ở cho sạch mà nuôi hai đứa con than lên than xuống”. Lúc đó, tôi thường cười, ôm mẹ và nói: “Chớ chi nữa, mạ là 
nhất rồi”.

Chiều nay, đi làm về chợt thấy nhớ giọng Huế xưa cũ của mẹ và nhớ cả món cơm cháy vắt nắm. Trong nồi còn nhiều cơm nguội, thế là tôi làm “cơm cháy bà ngoại” cho tụi nhỏ ăn với thịt heo quay, món mà tụi nhóc nhà tôi rất thích. Còn tôi thì thích ăn cơm cháy với cá cơm kho lá chè hơn.

Cá cơm hoặc cá nục chuối con nhỏ, kho ba lần lửa cho tới khi con cá săn lại, hơi ngả màu nâu, thấm vị ngọt thanh của nước mía, ăn thật “bá phát”. Lá chè làm giảm vị tanh của cá và làm cho thịt cá thơm hơn, nhờ vậy mà cá kho ăn nguội cũng ngon. 

Trở lại với món cơm cháy, tôi bó cơm nguội thành một nắm hình trụ dài, lăn thật chắc như làm cơm cuộn, rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó, tôi xếp cơm thành một lớp như cánh hoa trên chảo gang, nướng một mặt vàng rồi trở mặt kia. Cái chảo gang này đã cũ lắm rồi, tay cầm như chực bung ra bất cứ lúc nào nhưng nó lại là cái chảo duy nhất trong nhà làm được món cơm cháy ngon lành của ngoại.

Đôi khi nghĩ lại ngày trước, mình hay cằn nhằn mẹ rằng sao không vứt bớt những món đồ đã cũ, cho nhà thoáng mát rộng rãi, giờ thì thấy mình cũng bắt đầu giống mẹ, cứ mân mê mãi những món đồ “quá đát” không nỡ vứt đi. Có khi mình cũng đã bắt đầu có tuổi, bắt đầu suy nghĩ lẩm cẩm rồi cũng nên. 

Mùi thơm cơm cháy trên chảo cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi đúng lúc, nhắc tôi vội lấy đũa trở cơm. Trong lúc đó, hai đứa con tôi cứ chạy ra chạy vào hỏi: “Có cơm cháy chưa mẹ? Cho con một miếng, sao lâu vậy mẹ?”. Tụi nó cũng chẳng khác gì mẹ chúng khi nhỏ, háo hức chờ miếng cơm cháy nóng hổi được trao từ mẹ mình, để cầm tay vừa thổi vừa ăn.
3.
Có lần tôi trò chuyện với chị chủ chuỗi nhà hàng Nhật Morico, chị nói rằng: “Mẹ tôi có một gia vị nấu ăn độc đáo, làm cho mọi món ăn bà nấu tôi ăn đều thấy ngon, đó là gia vị yêu thương”. Tôi thật lòng tin có loại gia vị đó.

Một người mẹ thương con bao giờ cũng muốn tự tay mình nấu cho con những món ăn con thích. Một đứa con thương mẹ thì dù mẹ nấu hơi mặn một chút, hơi nhạt một chút nhưng vẫn ăn hết với lòng biết ơn. Khi vào bếp, tôi không còn nhớ gì đến những nỗi bực dọc, mệt mỏi từ công việc hay các mối quan hệ xã hội.

Với tôi lúc đó, chỉ có món ăn trên bếp cần sự chú tâm để sao cho vừa miệng người mình thương. Tôi tin mẹ mình cũng như vậy, thế nên mỗi lần cùng tôi vào bếp, mẹ luôn miệng nhắc phải chú ý cái này, chú ý cái kia, không được sao nhãng cái nồi trên bếp. 

Cơm cháy chưa đặt vào mâm mà đã vơi gần một nửa với hai đứa trẻ con tôi. Miếng cơm cháy tôi làm cũng thơm giòn lắm nhưng không hiểu sao tôi vẫn thèm món cơm cháy vắt tay ngày xưa, nhớ những ngày lăng xăng cùng mẹ bên góc bếp… 

Xuân Lộc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI