Cô Trị giám thị

09/09/2017 - 10:26

PNO - 25 năm qua, nghề giám thị giúp cô hiểu học trò và nhận ra rằng phải dạy tốt, phải có chuyên môn giỏi thì học trò mới nể, mới nghe, lúc ấy việc dạy dỗ các em sẽ dễ dàng hơn.

Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có hơn 25 năm làm công tác giám thị, cô Trương Thị Trị - Tổng giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) đã để lại trong bao thế hệ học trò những dấu ấn khó phai.

Co Tri giam thi
Cô Trương Thị Trị (đứng, bên phải) trao tặng “quà quê” cho các cựu đồng nghiệp Trường THPT Bùi Thị Xuân trên đất Mỹ

Vì sự thương yêu của cô với học sinh là chân thật 

Những ngày này, sau chuyến du lịch hè 40 ngày ở Mỹ trở về, cô Trị lại tất bật với những công việc của trường, của lớp vào đầu năm học mới. Đây là chuyến du lịch thứ hai của cô sang đất Mỹ. Cả hai chuyến đi đáng nhớ ấy đều do những học trò cũ… mấy chục năm trước của cô đài thọ.

Cô kể, lần trước, vào năm 2014, cô qua Mỹ đúng một tháng và chỉ ở bang California, gặp học trò của một số khóa. Còn lần này cô đi qua 7 bang, trong đó có cả Washington  DC, New York, Florida, gặp nhiều thế hệ học trò. Hành lý cô Trị mang theo sang Mỹ là những món quà quê như kẹo dừa, bánh phồng tôm… và đặc biệt là tập kỷ yếu 60 năm Trường THPT Bùi Thị Xuân để gửi tặng các cựu đồng nghiệp cùng các học trò trên đất Mỹ, trong đó có nhiều người sau mấy chục năm chưa gặp lại. Một học trò đã lái xe suốt 19 tiếng xuyên nhiều bang để được gặp cô.

Ngại nói về mình, nhưng cô Trị được học trò cũ khắc họa mộc mạc trong những dòng hồi ức về trường xưa như thế này: “Miền nhớ của tớ về Bùi Thị Xuân là nơi có phòng truyền thống, có cà phê sân trường, có Tháp Đồng hồ, có bóng mát quanh khu lồng chim… Góc nhớ trong tớ còn là những hôm trễ học phải nghĩ ra cả tỷ lý do để không bị ghi tên vào sổ, là những hôm lỡ tô son đậm mà gặp cô Trị là phải trốn…”.

Cựu học trò khác viết: “Em cảm ơn cô Trị giám thị vì lúc nào cũng quan tâm, chăm sóc, tận tâm với tụi em. Nhiều lúc cô nghiêm khắc, em đã tức và có lời lẽ không hay, nhưng để rồi sau mọi thứ mới nhận ra cô chỉ vì muốn tốt cho tụi em, em thương cô rất nhiều”.

Cô Trị kể, vào năm 2012, có một học trò ở Mỹ về, ghé thăm, nhưng cô không nhớ đã dạy hay làm chủ nhiệm em. Mới đây, khi gặp lại trên đất Mỹ, cô hỏi thì em cho biết chỉ học cô ở lớp học thêm và được cô miễn phí vì khó khăn.  

“Mình đi dạy học đâu nghĩ sau này sẽ được cái này cái khác, nhưng chắc có duyên với học trò nên được thế hệ học sinh (HS) quý mến. Ở Việt Nam, những cuộc gặp gỡ hàn huyên của tôi với học trò cũ cũng rất vui, ấm áp. Còn qua Mỹ, học trò đã sắp xếp đưa tôi đi tham quan, mua sắm, ăn uống các món Âu, Á nổi tiếng nhất. Đến bang nào tôi cũng được các em đón tiếp nồng hậu.

Trong các cuộc tiếp xúc, các em có nói thương tôi vì tôi dạy học và dạy dỗ các em bằng sự thương yêu chân thật chứ không hình thức, dù tôi rất nghiêm khắc. Là “dân vật lý”, ăn nói rổn rảng, tính tình ngay thẳng, nên hồi còn làm chủ nhiệm có học trò đã xin chuyển lớp vì giận tôi. Mới đây gặp lại, em này tóc đã hoa râm, thú nhận, vì lúc đó em nghĩ tôi không thương em. Nhưng sau đó thì em hiểu không phải vậy, nên càng quý tôi hơn”. 

Tiếp tục phụng sự khi nhà trường và học trò còn cần

Năm 1979, tốt nghiệp ngành vật lý (chuyên ngành vật lý điện tử) Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, cô Trương Thị Trị về Trường THPT Bùi Thị Xuân làm giáo viên dạy vật lý. Năm 1992, ngã rẽ trong nghề xuất hiện khi nhà trường đề nghị cô vừa dạy học vừa kiêm công tác giám thị. Ban đầu cô không đồng ý, nhưng lãnh đạo nhà trường năn nỉ và thuyết phục rằng “cô có khả năng quản lý HS”, nên cô xuôi lòng.

Cô quan niệm: không nhận thì thôi, còn nhận thì phải làm tốt. Mà làm tốt thì tiếp tục làm. Thế nên cô trở thành giáo viên kiêm giám thị đến nay đã 25 năm. Nghề giám thị giúp cô hiểu học trò và nhận ra rằng phải dạy tốt, phải có chuyên môn giỏi thì học trò mới nể, mới nghe, lúc ấy việc dạy dỗ các em sẽ dễ dàng hơn.

Cô Trị quan niệm, sự nghiêm khắc sẽ giúp cho học trò hình thành nền nếp kỷ luật. Bởi thế người làm công tác giám thị vẫn phải là người trong ngành, có nghiệp vụ sư phạm thì mới hiểu chuyện để phối hợp, hỗ trợ và điều phối mối quan hệ giữa phụ huynh - HS và nhà trường - thầy cô giáo ngày càng tốt hơn.

“Coi vậy chứ không hề đơn giản, phải thật sự hiểu và thương yêu học trò mới có được những cách thức giúp nhà trường, phụ huynh và đặc biệt là giúp đỡ học trò ngày càng tiến bộ”, cô cho biết.

Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với HS, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” Konstantin Dmitrievich Ushinski - nhà giáo dục người Nga.

Với cô Trị, ai cũng có khuyết điểm. Nhưng với những học trò càng nghịch ngợm thì càng cần phải thấy điểm sáng ở các em chính là óc tìm tòi, khám phá. Cho nên khi giải quyết khuyết điểm của học trò cô không vội vã mà tìm hiểu ngọn ngành, giải thích cặn kẽ, để các em tự cảm nhận được lỗi mà sửa sai. Phải truyền được ngọn lửa ấm của niềm tin, của sự đúng đắn đến với cái đẹp đang tiềm ẩn trong tâm hồn các em.

Đáp ứng được những điều mong mỏi ấy cho học trò chính là thành công của người làm công tác giám thị. Từ đó, thầy và trò sẽ hiểu nhau mà thương nhau. Đã có trường hợp HS quá cá tính, không nghe lời nên phụ huynh phải “cầu cứu” cô Trị. Sau khi tìm hiểu, cô Trị biết “cốt lõi” của vấn đề là cha mẹ đã áp đặt con phải thích nghề y trong khi HS hoàn toàn không thích nghề này. Cô mời phụ huynh lên trao đổi. Thế là vấn đề được giải tỏa.

Một HS khác cũng không chịu học hành và cũng không chịu về nhà, nên phụ huynh nhờ cô Trị khuyên răn. Tìm hiểu, cô biết dù không về nhà nhưng em này cũng chỉ ở trường tham gia các hoạt động. Em không chịu học bài ở nhà là vì mỗi khi em học bài hay bị mẹ “theo dõi”. Thế là cô Trị “ôm” luôn ca này để dạy dỗ tại trường. Vừa qua em đậu vào ĐH Tôn Đức Thắng.

Năm 2010, cô Trị nghỉ hưu nhưng được Ban giám hiệu nhà trường động viên tiếp tục ở lại cống hiến với chức danh Tổng giám thị cho đến nay, khi cô đã 62 tuổi. Cô vui trước sự tiến bộ của một HS chưa ngoan. Cô mừng khi hay tin một học trò đã thành đạt. “Công việc giám thị là một nghệ thuật, cần nhất là phải có cái tâm thật sự thương yêu học trò để hướng các em đến những điều tốt đẹp chứ không dùng quyền lực để áp đặt”, cô quan niệm.

Hỏi đến khi nào cô mới thật sự “chịu” nghỉ ngơi, cô cười: “Cả đời đi dạy ở ngôi trường này đã là quá đủ. Chỉ mong luôn có sức khỏe thì tôi luôn sẵn sàng làm “ngọn lửa nhỏ kết nối” khi nhà trường và học trò còn thương, còn cần đến mình”.

“Cô Trị có tiếng trong trường về sự khó tính. Tuy nghiêm khắc nhưng cô được học trò thương yêu. Riêng 5 năm qua chưa có một HS nào phải qua hội đồng kỷ luật. 100% HS tốt nghiệp THPT trong suốt 14 năm qua và ba năm liền đạt 100% trên điểm sàn ĐH… Kết quả đó là nhờ có sự đóng góp thầm lặng, bền bỉ và miệt mài của cô Trương Thị Trị và của đội ngũ thầy cô giáo”. 

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân

Từ Nhân - Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI