Có nên đi chụp mạch máu não để tầm soát đột quỵ?

20/12/2020 - 06:30

PNO - Người khỏe mạnh có nên đi chụp mạch máu não để tầm soát đột quỵ, làm thế nào để biết mình bị dị dạng mạch máu não?

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM - cho biết: Đột quỵ não có 2 dạng: nhóm xuất huyết não (vỡ dị dạng hay vỡ phình mạch máu não) và nhóm nghẽn mạch máu não. 

Trước đây, đột quỵ thường thấy nhiều ở bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên bệnh này đang dần trẻ hóa. Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ như người mắc đột quỵ bị tái phát, người có bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu, có bệnh lý về tim mạch; người thường hút thuốc lá, rượu bia nhiều...

Khi nào đi tầm soát đột quỵ?

Đột quỵ xảy ra sẽ có 3 dấu hiệu rõ nhất, bao gồm: mặt méo một bên; tay chân yếu, giơ lên thì rớt xuống. Chẳng hạn một người đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được; nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.

Tuy nhiên cũng có tình huống mà người bệnh chỉ thấy triệu chứng thoáng qua như: chóng mặt, tê yếu nửa người, miệng méo, khó nuốt, mất ý thức tạm thời, té xỉu sau đó tự hồi phục… Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại 2-3 lần sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường. Lúc này, người bệnh nên đi tầm soát đột quỵ.

Bệnh viện nào tầm soát tốt?

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vấn đề là người dân phải hiểu về đột quỵ, nguy cơ, những triệu chứng sớm để tầm soát. Hiện nay, chẩn đoán đột quỵ lý tưởng nhất là chụp mạch máu não bằng máy cộng hưởng từ (MRI), hình ảnh rõ ràng, không xâm lấn. Rất nhiều trường hợp đã được phát hiện kịp thời bằng cách này.

Chụp cộng hưởng từ sẽ cho kết quả chính xác và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe; bởi người được chụp không phải sử dụng thuốc cản từ.

Hiện nay, ở các bệnh viện có chuyên khoa đều được trang bị máy cộng hưởng từ, nhưng tốt nhất nên chọn bệnh viện có máy cộng hưởng từ với máy MRI 3 Tesla sẽ cho độ nhạy tối đa và độ chính xác cao, chất lượng sắc nét, có thể quan sát rõ bó sợi thần kinh, phát hiện được dị dạng mạch máu não, động kinh…

Ai nên tầm soát đột quỵ?

“Ai cũng có thể tầm soát đột quỵ bằng máy cộng hưởng từ, kể cả trẻ em, phụ nữ có thai. Người đi tầm soát có thể chụp MRI nhiều lần bởi chụp bằng máy này không cần phải sử dụng thuốc cản quang, không gây đau đớn. Máy chụp bằng sóng radio, không sử dụng tia X nên không gây nhiễm xạ cho người bệnh như trong chụp X-quang hay chụp CT.

Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng chụp cộng hưởng từ, bởi chi phí tầm soát khá cao.

Ở người khỏe mạnh, có thể chụp cộng hưởng từ tầm soát 4-5 năm/lần. Nếu kết quả bình thường, người tầm soát cũng không được phép chủ quan “xả láng” hút thuốc, uống rượu, nguy cơ đột quỵ còn gia tăng hơn. Ngược lại, hãy khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao... vì đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ”, bác sĩ Cường nói thêm.

Bên cạnh đó, người được chụp cần thông báo cho nhân viên kỹ thuật biết nếu đã đặt van tim nhân tạo, đặt stent mạch máu, máy khử rung, máy tạo nhịp nhân tạo, máy trợ thính... vì thường gây nhiễu hình ảnh cộng hưởng, kết quả sẽ không chính xác. Ngoài ra, từ trường cao của máy chụp có thể làm ảnh hưởng hoặc hư các thiết bị cấy ghép... rất nguy hiểm.

Nếu có ý định tầm soát đột quỵ, người dân nên đến các bệnh viện có chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI