Cô dâu đại chiến 2: Cường điệu và duyên dáng

15/01/2014 - 02:52

PNO - PNO - Trong buổi chiếu ra mắt báo chí, Cô dâu đại chiến 2 nhận được không ít tràng pháo tay sau mỗi câu thoại "chí lý" về quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Co dau dai chien 2: Cuong dieu va duyen dang

Những lời thoại hóm hỉnh, duyên dáng và "đánh trúng" tâm lý người xem, cùng từng lớp bí mật bất ngờ được bóc tách cho đến cuối phim là hai điểm đáng khen nhất của bộ phim được kỳ vọng nhất mùa Tết năm nay.

Sau khi trừng trị anh chàng công tử Sở Khanh ở phần 1, hai cô dâu hụt Quyên (Lê Khánh) và Mai Châu (Vân Trang) trở nên đầy "nguy hiểm" với đàn ông. Cô đầu bếp mạnh mẽ Quyên trở thành thủ lĩnh hội Quả phụ áo đen, cùng nữ bác sĩ cá tính Mai Châu chuyên đi trừng trị những gã lừa tình. Họ kết nạp Huyền (Maya), cô giáo gợi cảm trong phòng tập thể dục nhưng là nỗi kinh hoàng của học sinh giữa lớp học và Vy (Yu Dương) - em gái Quyên, một thiên tài về công nghệ. Nhận lời cầu cứu của Ngọc (Lan Phương) - cô gái trẻ sắp kết hôn nhưng không tin tưởng anh chàng Việt (Bình Minh) "hoàn hảo" sắp cưới, họ tiến hành điều tra lẫn giăng bẫy Việt để rồi vướng vào bao rắc rối không thể ngờ...

Co dau dai chien 2: Cuong dieu va duyen dang

Các diễn viên hoàn thành tốt vai trò của mình trong phim. Lê Khánh vẫn là cây hài chủ lực, được ưu ái nhiều đất diễn và không làm mọi người thất vọng. Mỗi khi Quyên xuất hiện, trong từng câu thoại, từng hành động đều có thể khiến người xem cười nghiêng ngả, dù cô diễn tỉnh như không. Vân Trang với tiếng hét chói tai và biểu hiện lập dị vẫn tỏ ra là cô nàng khiến đàn ông nhức đầu. Maya thể hiện khá đạt khi cần gợi cảm lẫn lúc "khủng bố" người khác... Nhân vật của Yu Dương, Hoàng Bách, Minh Thuận, Đại Nghĩa đều thú vị, dù không nhiều đất diễn. Chỉ có sự xuất hiện của Khương Ngọc, Huỳnh Đông trong hoá thân một cặp đôi đồng tính với trang phục loè loẹt là không mấy cần thiết, khi phim Việt đã quá thừa mứa việc lạm dụng yếu tố đồng tính như thế để gây cười!

Vẫn cường điệu như phần một, phần nào còn khoa trương hơn trong diễn biến phim và tính cách, hoàn cảnh nhân vật, phim có đầy đủ kịch tính của một tác phẩm tình cảm - hài xen lẫn hành động. Tuy nhiên, vài phân cảnh hành động trong phim còn gượng gạo, như cách các thành viên "quả phụ" leo tường vào nhà Việt và đáp xuống với tư thế vụng về, hay đoạn "cơ đồ nghiêng ngả" dàn dựng với đạo cụ vũ khí khá giả.

Và vì quá chú trọng đến việc tạo ra những ngã rẽ liên tục trong kịch bản để che đậy rồi bất ngờ vạch trần bí mật của hai nhân vật chính, biên kịch và đạo diễn đã bỏ qua nhiều tính logic trong diễn biến tâm lý, biểu cảm của mỗi người.

Song với một bộ phim chất hài là chủ đạo, phần đông người xem sẽ bỏ qua, thậm chí quên đi các hạn chế nói trên, khi họ được cười thoải mái. Ở mặt này, so với Tèo Em, Cô dâu đại chiến 2 thành công hơn: đem đến tiếng cười sạch sẽ, thoại không dài và nhiều nhưng chất lượng.

Và với đoạn kết, bộ phim trở nên không đơn thuần chỉ là phim hài - tình cảm lãng mạn mà đầy trần trụi, sâu cay. Tính thực tế của kết thúc có thể khiến một số người giật mình vì sự tương đồng của bản thân, hoặc của vài người mình từng biết với nhân vật. Một trong nhiều bi kịch của đàn ông và phụ nữ hiện đại là kẻ không lấy gì tốt đẹp, hoàn hảo lại ưa đòi hỏi sự tốt đẹp, hoàn hảo của đối phương nhất. Victor Vũ có thể tiếp tục làm phim tâm lý, chính kịch không tồi trong tương lai, nếu anh muốn.

Còn hiện tại, Cô dâu đại chiến 2 quá thích hợp để giải trí và đầy triển vọng lặp lại thành tích phần đầu: dẫn đầu doanh thu phòng vé mùa phim Tết.

ÁI NGUYÊN 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI