Cô đào hát trở lại

12/07/2023 - 07:38

PNO - Sau 25 năm, vở cải lương nổi tiếng Cô đào hát (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, phóng tác từ truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chuyển thể và đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ) sẽ trở lại với diện mạo mới trên sân khấu Đại Việt.

Kịch bản cũ, kỳ vọng mới

Năm 1998, vở cải lương Cô đào hát do Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ dàn dựng gây tiếng vang lớn tại liên hoan sân khấu Mùa thu nhân dịp chào mừng 300 năm Sài Gòn - TPHCM. Vở diễn chỉ có 4 nhân vật và đều trở thành vai diễn để đời của các nghệ sĩ: NSƯT Vũ Linh (vai thông ngôn Liêm), NSƯT Phương Hồng Thủy (cô đào Cầm Thanh), nghệ sĩ Linh Tâm (Dũng - chồng Cầm Thanh) và Ngân Tuấn (kép Vân Hạc).

Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân và nghệ sĩ Võ Minh Lâm tái hợp trong vở Cô đào hát với 2 vai diễn kinh điển của Nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thủy và cố Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh ngày trước
Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân và nghệ sĩ Võ Minh Lâm tái hợp trong vở Cô đào hát với 2 vai diễn kinh điển của Nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thủy và cố Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh ngày trước

Soạn giả Hoàng Song Việt - “ông bầu” của sân khấu Đại Việt - cho biết ông rất thích kịch bản giàu chất văn học như Cô đào hát, từng xem và yêu thích cả bản dựng kịch nói lẫn cải lương từ nhiều năm trước. Năm 2019, thành lập sân khấu Đại Việt, soạn giả Hoàng Song Việt cũng ấp ủ ý định đưa Cô đào hát trở lại. Lần này, ông “chọn mặt gửi vàng” cho 4 nghệ sĩ được ông đánh giá cao và phù hợp các vai diễn hiện nay: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm và nghệ sĩ Minh Trường. Ông cũng mời NSƯT Hoa Hạ dàn dựng lại chính tác phẩm là dấu son trong sự nghiệp đạo diễn của chị.

Bên cạnh việc tin tưởng và cổ vũ lớp trẻ, soạn giả Hoàng Song Việt cũng muốn tìm lại những giá trị đang dần rơi rụng của sân khấu cải lương, điển hình như vai trò của dàn nhạc. Theo ông Hoàng Song Việt, nếu diễn viên là thịt xương, là nhân dạng của nhân vật thì âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc trong vở diễn chính là linh hồn, là mạch cảm xúc thăng hoa nhất cho người diễn lẫn khán giả.  

Vì thế, lần đầu trên sân khấu Đại Việt, nhiều cái tên hàng đầu trong làng nhạc cụ dân tộc hiện nay cùng hội tụ: NSƯT Văn Môn (guitar), NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Duy Kim (đờn tranh), Nhứt Dũng (bộ gõ), Thanh Long (đờn kìm), Trần Sơn (tiêu - sáo), Thanh Hoàng (đờn cò - gáo), Phú Quý (đờn bầu). “Ở Cô đào hát, tôi muốn có 1 dàn nhạc đủ khả năng tấu nhạc nền thay nhạc Tây bằng chính nhạc cụ dân tộc. Đây là điểm nhấn đặc biệt của bản dựng lần này” - ông Hoàng Song Việt cho biết.

Tìm lại mối quan hệ tri kỷ giữa nghệ sĩ và khán giả

Đây là lần thứ tư, đạo diễn Hoa Hạ hợp tác với sân khấu Đại Việt, sau vở Nàng Xê Đa Truyền thuyết chàng Sa Mộc, Đêm trước ngày hoàng đạo. NSƯT Hoa Hạ cho biết, cũng như các vở trước, lần này cũng hướng đến khai thác tối đa năng lực nghệ sĩ, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ trẻ khẳng định dấu ấn cá nhân. Chính đạo diễn Hoa Hạ cũng phải tự làm mới mình. Chị cho biết, vở diễn vẫn đang ở các bước chuẩn bị nhưng chắc chắn Cô đào hát của năm 2023 sẽ “rất mới”, “sẽ sang trọng hơn, đi vô chiều sâu tâm lý các nhân vật nhiều hơn”.

Cố Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh và Nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thủy trong vở cải lương  Cô đào hát ẢNH: INTERNET
Cố Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh và Nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thủy trong vở cải lương Cô đào hát. Ảnh: Internet

Đặc biệt, ở bản dựng mới, đạo diễn Hoa Hạ nhấn mạnh: “Cái danh giá của người đàn bà đức hạnh ở đây - cô đào Cầm Thanh - chính là sự trân trọng và hy sinh cho khán giả tri âm tri kỷ của mình”. Từ thực tế, những năm qua, khán giả tri kỷ của sân khấu cải lương ngày một vắng dần thì tự bản thân nghệ sĩ cũng phải suy nghĩ tại sao khán giả không đến rạp như xưa. Nghệ sĩ hôm nay đã gắn kết với khán giả tri âm của mình như thế nào? Làm cách nào để họ trở lại?…

“Trong tuồng, cô đào hát của những năm xa xưa đó đã vô cùng trân trọng khán giả qua việc nỗ lực trong từng vai diễn ngày một hay hơn, thậm chí có thể hy sinh bản thân, không màng danh tiếng để cứu một khán giả nghệ thuật chân chính. Đó là đức hạnh của một cô đào hát, cũng là điều mà chúng tôi rất trăn trở và muốn nhắn nhủ cho tất cả những người làm nghề. Sân khấu cải lương luôn rất cần những khán giả tri âm mà nghệ sĩ phải hết sức trân trọng, giữ gìn. Mối quan hệ tri âm tri kỷ giữa nghệ sĩ và khán giả chính là mấu chốt cho sự sống còn của sân khấu cải lương. Chúng ta phải tìm lại bằng chính tài năng và đức hạnh người nghệ sĩ” - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ.

Vở Cô đào hát sẽ công diễn tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) vào tối 25/8 với nhiều kỳ vọng về một tác phẩm chất lượng mang phong cách sân khấu Đại Việt. Bên cạnh đó, khi cải lương tuồng cổ vẫn áp đảo sàn diễn thời gian qua (riêng trong tháng Bảy có đến 5 vở tuồng cổ tích nước ngoài ra mắt) thì sự xuất hiện của một vở diễn tâm lý xã hội như Cô đào hát thực sự là làn gió tươi mát và đáng trân trọng. Như chính cái tên Cô đào hát, trở lại trong thời điểm hiện nay, vở diễn cũng là thông điệp về nỗ lực giữ gìn sân khấu truyền thống chuẩn mực và đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI