Có con từ một phôi duy nhất sau 10 năm hiếm muộn

13/09/2022 - 08:00

PNO - Chuyển một phôi thai duy nhất tại IVF Tâm Anh, chị N.T.T Trà có thai, sinh con khỏe mạnh ở tuổi gần 40 sau 7 lần thực hiện IUI, IVF ở nhiều nơi và thất bại.

Anh Đặng Tấn Bảo, chồng chị, đặt tên con gái là Đặng Tâm Anh, để tri ân các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TPHCM đã giúp vợ mang thai và sinh con khỏe mạnh sau bao năm tưởng như không còn hy vọng. Anh chị còn 7 phôi chất lượng tốt đang trữ đông tại bệnh viện. “Sau khi em bé cứng cáp hơn, chúng tôi sẽ sớm quay lại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TPHCM (Trung tâm IVFTA-HCM) để tiếp tục tìm con thứ 2”, anh chia sẻ về kế hoạch tiếp theo của hai vợ chồng ngay khi đón em bé đầu lòng.

Gia đình chị Trà đón con gái đầu lòng sau 7 năm chữa hiếm muộn - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gia đình chị Trà đón con gái đầu lòng sau 7 năm chữa hiếm muộn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

10 năm, 4 lần chuyển phôi thất bại và ước mơ có con

Trước khi điều trị tại IVF Tâm Anh, chị Trà đã điều trị ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, 3 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng không thành.

Đầu năm 2021, chị quyết định đến cơ sở của BVĐK Tâm Anh tại TPHCM để “thử vận may” không ngờ ngay sau lần chuyển phôi  đầu tiên tại đây, anh chị đã hái quả ngọt.

Theo bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVFTA-HCM, chị Trà được xác định là ca khó bởi lịch sử điều trị nhiều năm, thất bại chuyển phôi nhiều lần, tuổi không còn trẻ. Tuy nhiên, đây lại là trường hợp IVF thành công và sinh con khỏe mạnh với phác đồ khá đơn giản, tiết kiệm mà hiệu quả. Phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, kết hợp kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM) và bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) cho bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang đã được thiết kế riêng cho chị Trà vừa vặn với sức khỏe, thể trạng của chị, đồng thời đảm bảo an toàn tránh nguy cơ quá kích buồng trứng, đặc biệt giảm khá nhiều chi phí điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một loại rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến xảy ra trên khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, và là nguyên nhân thường gặp nhất của vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.

Bác sĩ Giang Huỳnh Như đang chọc hút trứng cho bệnh nhân hiếm muộn - Ảnh: Phúc Thịnh
Bác sĩ Giang Huỳnh Như đang chọc hút trứng cho bệnh nhân hiếm muộn - Ảnh: Phúc Thịnh

Ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang như chị Trà, buồng trứng có nhiều nang nhỏ nhưng nang noãn không phát triển, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.

Bất thường trong rụng trứng khiến bệnh nhân có thể gặp hội chứng quá kích, gây tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim, suy thận, thậm chí thuyên tắc mạch và suy hô hấp trong quá trình kích thích buồng trứng. Để loại bỏ nguy cơ quá kích buồng trứng cho chị Trà, ngay sau 1-2 đơn thuốc đầu tiên, nhận thấy nang phát triển quá nhiều, bác sĩ Giang Huỳnh Như đã nuôi trứng non lên trưởng thành và áp dụng kỹ thuật ICSI cho trứng kết hợp với tinh trùng.

Sau khi chọc hút được 23 trứng, tạo thành 11 phôi ngày 3, bác sĩ tư vấn cho chị Trà tiếp tục nuôi phôi nang, kết quả chị có 5 phôi ngày 5 và 3 phôi ngày 6. Ngày 17/12/2021, bác sĩ Giang Huỳnh Như quyết định chỉ chuyển một phôi tốt ngày 5 cho chị Trà và thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Kỷ niệm 10 năm ngày cưới là ngày chị Trà được trải nghiệm cảm giác mang bầu, ốm nghén.

Cửa sinh - cửa tử và cơ may của người phụ nữ hiếm muộn

Cuối tháng 8/2022, chị Trà chuyển dạ.

Thai kỳ an toàn, mẹ và thai nhi khỏe mạnh, tình trạng sản khoa hoàn toàn có thể đáp ứng nguyện vọng đẻ thường của vợ chồng anh chị. Quá trình chuyển dạ diễn tiến thuận lợi, lại không đau đớn vì thai phụ được gây tê giảm đau.

Đến giai đoạn rặn sổ thai, sau 45 phút rặn tích cực, chị Trà không thể sinh dù đầu em bé đã xuống thấp. Đánh giá tình hình sức rặn của mẹ không đủ, để tránh bé bị ngạt, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM quyết định dùng kỹ thuật giúp sinh bằng Forceps. Bé gái chào đời khỏe mạnh, khóc to, sinh hiệu ổn định, được chuyển đến chăm sóc tại Trung tâm Sơ sinh.

Vì sản phụ lớn tuổi, có nguy cơ băng huyết sau sinh, nên đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh tại phòng sinh tích cực dự phòng băng huyết sau sinh bằng các thuốc tăng gò, xoa đáy tử cung. Sức khỏe sản phụ ổn định, chị hồng hào tỉnh táo, có thể ôm ấp bé, cho bé da kề da ngay sau sinh, tử cung gò khá hơn. Không ngoài dự tính, hai giờ sau sinh, chị Trà bất ngờ tụt huyết áp chỉ còn 75/50 mmHg. Đánh giá tình hình nguy hiểm bởi suốt cuộc sinh đã kiểm soát chảy máu rất kỹ lưỡng, khả năng tử cung co bóp kém, bị đờ từng đợt (lúc co lúc nhão) và có thể có ứ đọng máu trong lòng tử cung, bác sĩ Thanh Tâm ngay lập tức siêu âm kiểm tra ngay tại phòng sinh. Kết quả, có khoảng 200ml máu cục ứ trong tử cung sản phụ.

Tử cung bị đờ không thể co hồi sau sinh, dẫn đến băng huyết sau sinh, nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Nếu chậm trễ, phải cắt tử cung, đối với sản phụ mới sinh con lần đầu, đây là thiệt thòi vô cùng lớn.

Bác sĩ lập tức soát lòng tử cung, lấy máu cục, rồi thực hiện thủ thuật thắt động mạch cổ tử cung 2 bên để giảm tưới máu vào tử cung, đặt bóng chèn mạch máu trong lòng tử cung để cầm máu. Đồng thời, khẩn cấp truyền máu cho sản phụ (ngân hàng máu tại BVĐK Tâm Anh luôn sẵn sàng, cung cấp tại chỗ). Sau khi vừa được truyền xong đơn vị máu đầu tiên, huyết áp chị Trà đã hồi phục về bình thường. Chị qua cơn nguy kịch sau 3 giờ cấp cứu, tử cung cầm máu hoàn toàn và được bảo tồn thành công. Sức khỏe của chị hồi phục nhanh, bé hồng hào bú sữa mẹ tốt, thời gian hai mẹ con nằm viện bằng với các trường hợp sinh không băng huyết.

10 năm sau ngày cưới, ngôi nhà của vợ chồng chị Trà ấm áp trọn vẹn với tiếng trẻ con ọ ẹ, tiếng nói cười hạnh phúc của ông bà nội ngoại.

Vai trò của công nghệ trong điều trị hiếm muộn

IVFTA được đặt trong hệ thống BVĐK Tâm Anh, nơi có những đơn vị rất mạnh như khoa Nam học, Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Sơ sinh, khoa Nhi… Đây gần như là nơi duy nhất giúp người bệnh được chăm sóc kỹ càng trong một vòng chu sinh từ khi đang mong con, điều trị vô sinh hiếm muộn nam - nữ, hỗ trợ sinh sản, cho đến khi sinh, dưỡng nhi và cuối cùng là bế con khỏe mạnh về nhà.

“Ngoài đội ngũ nhân lực trình độ cao, được đào tạo lâu năm, kinh nghiệm dày dặn, IVF Tâm Anh còn đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất. Những máy móc hiện đại nhất trên thế giới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, chúng tôi đều có. Vai trò của công nghệ đã góp phần lớn trong thành công, tăng tỷ lệ phôi làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống khỏe mạnh, giảm tỷ lệ sẩy thai trong thụ tinh ống nghiệm, đồng thời giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết.

Tháng 9/2022, IVF Tâm Anh trở thành hệ thống trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại Việt Nam đạt 100% chứng chỉ RTAC. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng được giám định độc lập, khách quan. Chứng nhận RTAC khẳng định ngành hiếm muộn Việt Nam đã đạt được đẳng cấp quốc tế, sánh vai cùng các đơn vị hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới.

Hệ thống Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Tâm Anh nhận chứng nhận RTAC ngày 2/9/2022 - Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Hệ thống Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Tâm Anh nhận chứng nhận RTAC ngày 2/9/2022 - Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Hơn 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam đã có cơ hội được sử dụng những dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, với chi phí hợp lý và hiệu quả tối ưu.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn “Vô sinh không vô vọng”, với sự tham gia của ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm IVFTA-HCM cùng đội ngũ cộng sự giỏi trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp chi tiết.

Tuệ Diễm

Nguồn: BVĐK Tâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI