Cơ chế, chính sách đặc thù chưa giúp TPHCM bứt phá

06/07/2022 - 13:22

PNO - Cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X sáng 6/7, UBND TPHCM đã có báo cáo quan trọng về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt Nghị quyết 54).

Các đại biểu lắng nghe UBND TPHCM báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sáng 6/7. Ảnh: Quốc Ngọc
Các đại biểu lắng nghe UBND TPHCM báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sáng 6/7 - Ảnh: Quốc Ngọc

Theo đó, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành cùng một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Trong hai năm đầu 2018-2019 từ khi Nghị quyết 54 có hiệu lực, TPHCM đã triển khai thực hiện rất quyết liệt nhưng chủ yếu chỉ là công tác chuẩn bị. Thành phố kỳ vọng các chính sách sẽ được phát huy trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hình kinh tế - xã hội của đất nước, và thành phố là một trong  những địa phương chịu tác động mạnh nhất.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dù thành phố đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất này.

Thực hiện Nghị quyết 54 nhưng cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi. Thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở thành phố. Do đó, thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Việc bán tài sản công chưa thực hiện được, trong đó có nguyên nhân các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương chưa chủ động phối hợp thực hiện. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (trong đó có phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) phụ thuộc vào việc kê khai, lập phương án xử lý của các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trường hợp các đơn vị trên có cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng thì mới đề xuất phương án chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và báo cáo Bộ Tài chính để xem xét, phê duyệt.

Việc triển khai thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương án phê duyệt của Bộ Tài chính do các cơ quan, đơn vị, quản lý nhà, đất thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương đã được Bộ Tài chính phê duyệt, thành phố đã chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép được tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các đơn vị thuộc Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng kiến nghị của UBND TPHCM là chưa phù hợp quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Thành phố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thành phố cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Do đó, thành phố chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa…

UBND TPHCM cho rằng, thành phố đã phát huy sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, chính sách, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đảm bảo tạo niềm tin trong nhân dân.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong tổ chức triển khai, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời phản ánh với Trung ương những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, thành phố đã tranh thủ tối đa sự đồng tình, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, kiên trì đeo bám tiến độ xử lý các đề xuất của thành phố. Nhưng để triển khai thành công cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cần có các quy định pháp luật cụ thể của các cơ quan Trung ương.

Để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước và phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế, UBND TPHCM thấy rằng cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

Ngoài các kiến nghị áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù đã phát huy tốt trong thời gian qua như chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; cơ chế ủy quyền; chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức... UBND thành phố kiến nghị nên tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước trong nghị quyết mới.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI