Chuyên gia bày cách ngăn học sinh sử dụng ma túy

29/04/2021 - 11:49

PNO - Tại Hải Dương, công an vừa phát hiện 4 học sinh tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút.

Tẩm ma túy vào thuốc lào 

Ông Trần Văn Nghìn - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết đã nắm được vụ việc 4 học sinh tại địa bàn bị bắt quả tang khi đang dùng ma túy, trong đó có cả học sinh THCS.

Hiện, Công an TP. Hải Dương đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý 4 nam sinh trên vì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Trước đó, tại quán nước vỉa hè nằm ở khu vực cổng sau bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương), đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP. Hải Dương phát hiện 4 học sinh 15- 16 tuổi, tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút.

Cảnh sát thu giữ một bộ dụng cụ sử dụng ma túy gồm một lọ thủy tinh hình trụ đường kính 1cm, cao 5cm, nắp màu trắng và một điếu cày bằng tre.

Tang vật công an thu giữ từ 4 học sinh
Tang vật công an thu giữ từ 4 học sinh

Tại cơ quan công an, nhóm nam sinh khai mua loại ma túy này ở khu vực chợ Thanh Bình (TP. Hải Dương) của một người đàn ông không quen biết với giá 150.000 đồng/lọ về sử dụng.

Công an xác định, loại ma túy mà nhóm nam sinh trên sử dụng có dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau.

"Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc và thường xuyên ở các nhà trường, trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp. Thế nhưng lại xảy ra sự việc phức tạp này.

Hiện nay, ở các cổng trường bán rất nhiều đồ lạ, thậm chí gây nguy hại cao cho học sinh.

Do vậy, chúng tôi mong nhà trường, cán bộ xã phường và gia đình phối hợp, nhắc nhở học sinh bởi một mình nhà trường không thể quản lý nổi", ông Nghìn nói thêm.

Cũng theo Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Dương, suy từ gia đình của mỗi chúng ta, chỉ lơ là mất cảnh giác, con em đã gặp nhiều nguy cơ.

Vì thế ngoài trường học, các gia đình phải có trách nhiệm quan tâm, để ý nhắc nhở học sinh nhiều hơn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Phòng chống ma túy tại trường học như thế nào?

Sự việc một lần nữa chúng ta có dịp nhìn lại công tác phòng chống ma túy học đường hiện nay thế nào, cần làm gì để việc này thực sự có hiệu quả?

Trao đổi với báo Phụ Nữ TPHCM, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT cũng xây dựng tài liệu tuyên truyền phòng chống ma túy học đường cho học sinh từ cấp tiểu học.

Nhưng vấn đề là tài liệu là một chuyện, còn tài liệu đến được với học sinh và chuyển thành hành động hay không lại là chuyện khác. Trong bối cảnh chúng ta tập trung vào chương trình SGK nhiều quá thì những việc này không được chú trọng, chỉ làm hình thức.

Nếu nhìn nhận thực tế một cách công bằng sẽ thấy, cùng một lúc chúng ta không thể làm được mọi thứ cũng không thể dạy mọi thứ cho học sinh. Từ việc giáo dục trải nghiệm, giáo dục sức khỏe tâm thần, giáo dục văn hóa học đường, giáo dục phòng chống bạo lực, giáo dục phòng chống ma túy…

Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Nam, giáo dục nên điều tra thực tế và phát hiện nguy cơ về các vấn đề của học sinh, sinh viên ở các vùng miền khác nhau. Mỗi vùng miền học sinh sẽ đối diện với nguy cơ các nhau nên chương trình giáo dục này không bắt buộc cào bằng trên toàn quốc. Tức là giáo dục có chọn lọc, phù hợp với đối tượng. Cụ thể, như học sinh ở vùng biên giới thì giáo dục về phòng, chống ma túy, buôn người; học sinh ở vùng còn tồn tại nạn tảo hôn thì ưu tiên giáo dục về chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản.

"Tôi muốn nói là chúng ta phải có chiến lược mang tính chất cá nhân hóa cho từng địa phương hướng đến từng đối tượng chứ không phải một chương trình nói thì to lớn nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết trên những tờ giấy vô hồn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI