Chuyên đề Dạy kỹ năng sống cho trẻ: Để trẻ bơi an toàn

06/07/2016 - 14:34

PNO - Tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra vào chiều 4/7 tại Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã cướp đi sinh mạng của năm em nhỏ một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo việc cần thiết dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội.

Tuy nhiên, làm công việc hướng dẫn viên bơi lội, khi tiếp xúc với nhiều học viên tôi hết sức băn khoăn. Bởi chính những lo lắng từ phía phụ huynh đã khiến việc học bơi của các em trở thành áp lực vô hình, hậu quả, trẻ càng sợ nước, sợ học bơi.

Giúp trẻ tự tin

Có em, ngày đầu tiên đến gặp tôi đã khóc nức nở: “Con ghét nước, con ghét học bơi. Nước làm con ho, có lúc ói luôn nhưng mẹ cứ bắt con đi học. Con không thích học”. Tôi chỉ tay về hướng các bạn nhỏ đang bơi: “Con thấy bạn không, bằng tuổi con nhưng bạn bơi rất giỏi. Con cũng sẽ giỏi như bạn đó, bây giờ con chưa làm được như bạn thì phải học. Mẹ muốn con học bơi là để sau này xuống nước con không còn bị ho và ói. Ở đây có thầy, ở trong kia có mẹ thì mình không còn gì phải sợ nữa!”. Vậy là em ấy bắt đầu tự tin bước những bước chân đầu tiên xuống nước.

Tôi đúc kết, để dạy một đứa trẻ sợ nước học bơi, việc đầu tiên là lắng nghe xem trẻ đang cần gì, muốn gì và làm bạn với các em. Có thể không phải việc thuyết phục để em ấy gật đầu đồng ý học bơi, mà là một câu chuyện vui, chuyện trên trời dưới đất gì đó để các em cả m thấ y thoải mái, yêu mến và tin tưởng ở mình.

Chuyen de Day ky nang song cho tre: De tre boi an toan
Khi cho trẻ đi học bơi, cha mẹ nên xác định mục đích là an toàn, rèn luyện sức khỏe lâu dài, nâng cao việc phát triển tối đa thể chất

Cũng có những bạn nhỏ không biết sợ là gì, nhưng phụ huynh thì lo lắng khi con mình ở dưới nước. Họ luôn luôn đề phòng mọi động tác của con, tạo ra sự căng thẳng cao độ và việc cáu gắt không đáng có với con trẻ là chuyện rất dễ xảy ra. Cha mẹ phải hiểu, đó là lúc ta cần nói chuyện nghiêm khắc với trẻ chứ không phả i khắt khe. Cần thiết cứ để cho con sặc nước một lần, đành rằng rất xót xa, nhưng đôi khi cần vậy để các bạn nhỏ biết nguy hiểm mà tránh.

Khi cho trẻ đi học bơi, cha mẹ nên xác định mục đích là an toàn, rèn luyện sức khỏe lâu dài, nâng cao việc phát triển tối đa thể chất. Không phải để đối phó với chương trình học bắt buộc nào đó hoặc để yên tâm con “đã biết bơi”. Người trực tiếp dạy trẻ cũng là yếu tố cầ n lưu ý, phải là người có phong cách của người thầy chuẩn mực, phương pháp sư phạm đúng đắn, đủ khả năng tổ chức lớp học an toàn và hiệu quả, có giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn.

Chúng ta cũng không nên đặt mục tiêu quá cao cho trẻ, phụ huynh luôn hợp tác tốt với người dạy là cứng rắn nhưng ân cần và kiên nhẫn. Khuyến khích trẻ, tích cực chỉ dẫn để đảm bảo con em học bơi thật thoải mái.

Phụ huynh nên tập cho trẻ làm quen với nước trước khi học bơi cũng là phương pháp giảm thiểu tình trạng sợ hãi như thường xuyên dẫn con đến hồ bơi, tập cho con tiếp xúc với nước, với độ sâu thích hợp. Tập cho con đi lại dưới nước, đi bằng hai bàn chân, đi bằng các ngón chân, và nhảy cóc dưới nước. Mặc áo phao, tập cho con tự nổi và tự vùng vẫy tay chân để lướt nhẹ trên mặt nước. Và dạy bằng những câu nói đơn giản, dễ hiểu, khi trẻ bắt đầu học bơi.

Không có ai an toàn dưới nước

Đó là điều đầu tiên phụ huynh phải ghi nhớ. Việc bơi lội, vui chơi dưới nước bao giờ cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của người cứu hộ, người biết bơi lặn giỏi.

Các ao, hồ, sông, rạch và biển, bao giờ cũng có dòng chảy, vùng xoáy nước. Nhiều vật lạ tiềm ẩn dưới nước như cọc nhọn, đá nhọn, trơn trượt do rêu bám, sạt lở đất đá, độ sâu đột ngột... Vì vậy, trẻ tuyệt đối không nên đi bơi ở những nơi chưa được tìm hiểu kỹ càng, chưa có những vật dụng sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ dưới nước.

Ở các hồ bơi, trẻ phải luôn lắng nghe sự chỉ dẫn của cứu hộ viên. Mặc trang phục bơi thích hợp, tối màu, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Không chạy giỡn trên thành hồ bơi, không nhảy phóng khi hồ bơi không trang bị bệ phóng, không dìm đầu, trồng người.

Các vật dụng hỗ trợ bơi lội khi đi bơi ở các hồ bơi như kính bơi, nón bơi phải được trang bị. Vì ở tất cả các hồ bơi luôn có dư lượ ng hóa chất nhất định nhằm đảm bảo diệt vi khuẩn có hại, ít nhiều có tác dụng phụ đến con người. Vì vậy đeo kính bơi để bảo vệ mắt, tránh bị viêm nhiễm, tổn thương giác mạc. Đeo nón bơi để tránh tóc tiếp xúc nhiều với hóa chất làm tóc khô, xơ, mất độ ẩm tự nhiên. Có thể thoa kem chống nắng loại chuyên dụng trong bơi lội để bảo vệ da, tránh tác hại của tia UV cao.

Trẻ cần khởi động kỹ trước khi bơi lội để đảm bảo cơ thể dẻo dai hơn, tránh được các trường hợp bị chuột rút khi ở dưới nước. Sau khi khởi động, nghỉ ngơi khoảng năm phút, hã y tắm rửa sạch sẽ trước khi xuống hồ bơi, nhằm đảm bảo vệ sinh chung và cho cơ thể làm quen với nhiệt độ nước, tránh tình trạng bị sốc nhiệt.

Cha mẹ và trẻ cần quan sát biển báo độ dư hóa chất của hồ bơi (độ dư pH từ 7.2 đến 7.8. Độ dư clo từ 0.4 đến 1 PPM), quan sát biển báo độ sâu mực nước hồ. Quan sát bằng cảm quan về việc vệ sinh nơi đó, độ trong của nước hồ bơi, màu của nước hồ.

Người bị tâm thần, bị vết thương hở, người bị các bệnh da liễu, hoa liễu, viêm tai giữa, người uống rượu bia, chất kích thích... tuyệt đối không tham gia bơi lội nơi công cộng. Người đi bơi khi nhận thấy những trường hợp này, cũng nên báo ngay đến người quản lý hồ bơi.

Phạm Minh Hiền (Hướng dẫn viên bơi lội ban đầu, cứu hộ trực hồ CLB bơi lội Đạt Đức, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI