Chuyên đề Dạy kỹ năng sống cho trẻ: Con trẻ không an toàn, lỗi cha mẹ

11/07/2016 - 06:46

PNO - Hàng ngày, hàng giờ, tai nạn vẫn đang rình rập bủa xuống cuộc sống tươi vui của con trẻ. Sau mỗi câu chuyện, chúng ta trách móc xã hội, đổ lỗi cho giáo dục, kêu than vấn đề an sinh. Có mấy ai quay lại tự vấn mình.

Vụ chìm tàu trên sông Hàn khiến biết bao người bàng hoàng trước cái chết của hai em nhỏ. Rồi đến chuyện năm trẻ nhỏ bị chết đuối ở Bắc Giang. Hàng ngày, hàng giờ, tai nạn vẫn đang rình rập bủa xuống cuộc sống tươi vui của con trẻ. Sau mỗi câu chuyện, chúng ta trách móc xã hội, đổ lỗi cho giáo dục, kêu than về vấn đề an sinh. Có mấy ai quay lại tự vấn mình - các bậc làm cha mẹ, đang ở đâu trong sự an nguy của con mình…

Qua cuộc trò chuyện với BS Quản Hồng Đức, chuyên gia sức khỏe - an toàn, các bậc cha mẹ sẽ nhìn thấy mình trong câu chuyện bảo vệ con.

Chuyen de Day ky nang song cho tre: Con tre khong an toan, loi cha me
Ảnh mang tính minh họa

Phóng viên: Câu chuyện sông Hàn quá đau lòng. Khi biết tin, tôi đã tự hỏi “nếu là mình, liệu mình có đưa con lên chiếc tàu ấy?”. Còn anh, anh nhận xét như thế nào về chuyện này?

BS Quản Hồng Đức: Trong những lần đi giảng bài, điều tôi e ngại nhất là thông điệp của mình có thể gây hiểu nhầm cho các cha mẹ. Tôi e ngại họ đổ trách nhiệm tự bảo vệ mình lên con trẻ. Tai nạn ở sông Hàn, theo tôi, trước hết trách nhiệm thuộc về những người đã đưa con lên chiếc tàu ấy. Con tàu mong manh như một chiếc tàu cá nhỏ. Nếu trách người chủ tàu ấy một, thì tôi trách những ông bố bà mẹ đến mười, tai nạn của con trẻ đến từ sự vô ý của người lớn.

* Trách nhiệm làm cha mẹ sẽ được hiểu như thế nào, thưa anh?

- Trong các buổi nói chuyện, tôi thường nói về trách nhiệm làm cha mẹ. Trách nhiệm này được chia làm sáu nội dung. Hai nội dung đầu rất quan trọng là bảo vệ con và cho con sống khỏe, an toàn. Cha mẹ, muốn hoàn thành vai trò thứ hai phải làm tốt vai trò thứ nhất, sau đó mới dẫn đến việc làm tốt các vai trò tiếp theo. Đứa bé, trước hết phải sống, phải khỏe, phải được an toàn. Trách nhiệm của cha mẹ, không phải là trách nhiệm của trẻ. Cha mẹ phải có trách nhiệm giám sát con mình.

Cha mẹ - những người lớn, nếu làm không cẩn thận sẽ vô cùng tai hại. Chúng ta sẽ tạo ra những đứa bé tự ti. Một đứa bé gái, nếu cha mẹ ly hôn trong khoảng từ 7-10 tuổi, lớn lên cháu sẽ dễ có tâm lý sợ đàn ông, như thế đấy ạ. Hoặc chúng ta sẽ tạo ra một sản phẩm như “gà công nghiệp”. Đứa trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ thế giới xung quanh mình đầy rẫy sự bất an. Nếu người lớn không làm đúng, chúng ta sẽ để lại nhiều hậu quả. Vì thế, chúng ta buộc phải cân bằng giữa việc vui chơi, hoạt động của con và sự an toàn. Con tôi, tôi để cháu vui chơi rất vô tư và tôi giám sát, tôi lấy trách nhiệm làm cha ra để đảm bảo với con rằng môi trường này an toàn. Trong môi trường tự do vui chơi đó, đứa trẻ sẽ tự tin thể hiện mình.

Đừng mong chờ vào việc dạy con mình biết cách an toàn chỉ qua một vài bài giảng. Ngay cả người lớn cũng thường học được một số kỹ năng để ứng phó với hiểm nguy. Nhưng những điều đó, thực ra chỉ làm gia tăng cơ hội sống, nên tôi vẫn luôn giữ quan điểm của mình là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đừng bắt con trẻ gánh trên vai mình quá nhiều trách nhiệm, vừa học, vừa chơi, vừa sống, vừa biết cách tự bảo vệ mình an toàn. Dạy con an toàn, nghĩa là đang bắt con gánh lấy phần trách nhiệm làm cha mẹ đấy, ở đây, người đang chịu trách nhiệm cho sự an toàn chính là ba mẹ của trẻ.

* Nếu như con cái ở ngoài tầm mắt mình, cha mẹ phải giám sát con thế nào?

- Cha mẹ không giám sát được con thì buộc phải tìm biện pháp hỗ trợ, buộc phải tìm ra giải pháp nếu con mình đang trong lứa tuổi cần giám sát. Giám sát chứ không phải kiểm soát, để cân bằng sự phát triển nhân cách của đứa bé, tính cách của đứa bé.

Chúng ta ai cũng biết, một trong những việc hình thành nên tính cách, nhân cách của bé là sự hoạt động, mà sự hoạt động nào lại không ẩn chứa rủi ro… Cha mẹ buộc phải giám sát được con trẻ, không đồng nghĩa với việc chúng ta lúc nào cũng quanh quẩn bên con, nhưng chúng ta luôn đảm bảo rằng môi trường con chúng ta đang hoạt động tuyệt đối an toàn, nghĩa là chúng ta đã giám sát từ đầu.

* Vậy cha mẹ phải nhận diện môi trường rủi ro cho con bằng cách nào?

- Có rất nhiều cách để cha mẹ nhận diện môi trường rủi ro đối với con. Ít nhất là có ba cách mà ai cũng biết. Cách cơ bản nhất: dùng giác quan. Chúng ta chẳng cần phải được đào tạo về an toàn, nhưng chúng ta vẫn có thể dùng giác quan của mình để phán đoán sự việc xung quanh. Cách này ai cũng biết, nhưng đôi khi chúng ta vẫn bị thói quen đánh lừa. Với người VN, chúng ta quen nhìn thấy nguy hiểm, nên đôi khi chẳng còn thấy gì nữa.

Cách thứ hai, là chúng ta được huấn luyện, cái này chúng ta cần phải học, học để biết cách phát hiện rủi ro, hiểm họa, mỗi một nơi chúng ta đến đều tiềm ẩn những mối nguy, sẽ có những công cụ dùng để phát hiện mối nguy đó. Cách thứ ba là cách bị động hơn, nghĩa là chúng ta học từ những sự cố đã xảy ra xung quanh, chúng ta nhìn nó để rút kinh nghiệm.

Điều tôi muốn hướng đến là thông điệp cha mẹ đưa đến cho con cái, đấy là thông điệp “con đang sống trong một môi trường cực kỳ an toàn”, chứ hoàn toàn không phải là thông điệp “môi trường con đang sống đầy nguy hiểm”. Chúng ta luôn cần một sự cân bằng, nếu không sẽ đi từ cái sai này đến cái sai khác. Thả con ra ngoài cho tự do phát triển hoặc giữ con trong nhà cho an toàn, tất cả đều sai. Mấu chốt luôn luôn là con hoạt động trong an toàn. Cha mẹ cần nhớ như thế, luôn luôn như thế.

Chuyen de Day ky nang song cho tre: Con tre khong an toan, loi cha me

* Nhưng cuộc sống thật khó lường trước những bất trắc, các ông bố bà mẹ vẫn luôn cảnh báo nguy hiểm với con mình đấy thôi…

Khi chúng ta cảnh báo với con nguy hiểm, chúng ta đang cố gắng làm nhẹ đi trách nhiệm của mình. Sao chúng ta không nói với con “nơi này an toàn”, nhưng cha mẹ phải kiểm soát. Có rất nhiều thứ trên đời này chúng ta không cần phải sợ, mà chúng ta cần trang bị kiến thức. Những người lên con tàu tai nạn ở sông Hàn là những người không biết sợ. Vì không biết sợ nên người ta đã không tháo lui hợp lý. Nếu có kiến thức và lý trí, chúng ta đôi khi còn không đặt chân ra “bến tàu”, thì làm sao lên được những con tàu bé xíu thế kia, vì chắc chắn sẽ có rủi ro.

* Dạy con của chúng ta hiện tại đôi khi là theo lối mòn, anh có thấy thế không…

- Đúng. Truyền thống đôi khi là bộ lọc để loại bỏ tất cả những gì chúng ta nghe thấy, đọc được… mà không giữ lại trong đầu ta bất cứ gì. Nên chúng ta cần có thời gian để biết giữ và loại bỏ để phù hợp với thực tế hơn, với cuộc sống hiện đại. Còn một điều nữa, khi nhiều chuyện xảy ra quanh mình, chúng ta vẫn thờ ơ, cứ nghĩ rằng chuyện ở đâu đâu đó, không đến với mình. Vì thế, việc nghe một bài giảng, đọc một bài báo ít khi đọng lại gì, vì người ta thấy không phải chuyện của mình. Điều tôi muốn làm là đưa ra bức tranh tổng quát, sau đó đi dần vào những rủi ro nhỏ, để ai ai cũng thấy mình trong đó.

Tôi băn khoăn, khi chứng kiến vụ tai nạn đó, những người làm cha mẹ đã nghĩ gì. Cha mẹ đổ thừa cho giáo dục không dạy bơi trong trường, mà dạy bơi thật ra cũng như dạy nhảy dù khi gặp tai nạn máy bay. Như tôi đã nói, bơi chỉ làm tăng cơ hội sống sót chứ không phải giảm thiểu rủi ro, dù tất nhiên bơi là kỹ năng cần thiết, nhưng không phải cứ biết bơi là lên được tất cả con tàu. Cha mẹ luôn luôn phải là người kiểm soát được mọi thứ diễn ra quanh con mình. Điều quan trọng nhất là đừng để sự cố xảy ra. Cha mẹ lại hay đỗ lỗi trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, vậy trách nhiệm của cha mẹ ở đâu?

Đoàn Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI