Chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B: Điều chỉnh quy định để tránh lãng phí trang thiết bị phòng, chống dịch

05/06/2023 - 06:29

PNO - COVID-19 tại Việt Nam đã có đủ điều kiện để chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Nhiều chuyên gia kiến nghị cần có các biện pháp tháo gỡ ngay với trang thiết bị phòng, chống dịch, đưa vào khám chữa bệnh thông thường để chống lãng phí.

Thời điểm thích hợp để chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B 

Đã hơn 3 năm kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam (23/1/2020). Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức phiên họp lần thứ 20. Khác với nhiều phiên họp trước đây, thay vì bàn những quyết sách để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang tiến tới việc công bố chấm dứt COVID-19 khi căn bệnh này đã được kiểm soát. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc; trong đó có hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (chiếm 92,1%). Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, cả nước có 85.493 ca mắc, giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022. Cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19. Bộ Y tế đánh giá, tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B, như sốt xuất huyết, tay chân miệng. 

Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đã đạt kết quả cao với tỉ lệ bao phủ rộng. Đến nay, hơn 266 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm cho người dân. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%. Tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.

 

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã đủ điều kiện chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang khi tham gia tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông) - ẢNH: H.A.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã đủ điều kiện chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang khi tham gia tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông) - ẢNH: H.A.

Đặt trong bối cảnh chung của thế giới, ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Đồng thời khuyến nghị các quốc gia chuyển từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - khẳng định: bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Công bố này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Trước đó, ông Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đã từng nêu ý kiến trên nghị trường Quốc hội: “Từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, tôi cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết COVID-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết”. Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cũng khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Vướng quy định sử dụng trang thiết bị chống dịch

Một trong những vấn đề được quan tâm khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 là xử lý như thế nào để không lãng phí các trang thiết bị y tế chống dịch. Thực tế, trong tình trạng chống dịch cấp bách, nhiều đơn vị tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân bằng hiện vật nhưng không có đơn giá, không xác định được giá trị. Một số trường hợp khác, giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản để xác lập sở hữu toàn dân, dẫn tới khó khăn trong việc chuyển đổi sử dụng trang thiết bị chống dịch về khám chữa bệnh thông thường. 

Ông Nguyễn Tri Thức cho hay, đây đang là hiện trạng chung của ngành y tế. “Trong lúc đại dịch căng thẳng, các nhà tài trợ mang thiết bị y tế đến hỗ trợ bệnh viện, từ máy siêu âm, máy thở. Tất cả hoàn toàn không có giấy tờ gì. Thậm chí trong lúc giãn cách, chúng tôi còn không kịp gặp gỡ họ”, ông Thức nói và đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng có hướng dẫn để triển khai thực hiện.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Hà Giang) phân tích, theo quy định, các tài sản này phải có hợp đồng tặng, cho tài sản. Trong trường hợp phòng, chống dịch bệnh vừa qua, hầu hết nhà tài trợ chỉ có biên bản xác nhận tài trợ mà không có ký hợp đồng tài trợ trực tiếp với đơn vị được phân bổ hàng tài trợ. Để tháo gỡ, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, tặng, biếu trong phòng, chống dịch COVID-19 để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Tri Thức cũng chỉ ra một công việc cần triển khai ngay, đó là xử lý các quỹ ủng hộ cho bệnh viện trong chống dịch. Ông cho hay: “Trong khi chống dịch, các doanh nghiệp hoặc người dân hỗ trợ tiền mặt vào tài khoản chung của bệnh viện. Đây được xem là một quỹ để hỗ trợ cho nhân viên y tế. Hiện nay, nhiều cơ sở vẫn còn tồn đọng quỹ này, chưa biết hướng giải quyết và cũng chưa có hướng dẫn xử lý”. Ông kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển số tiền đó vào quỹ phát triển sự nghiệp, không chi cho con người mà để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, tránh để lãng phí khi nguồn tiền này nằm bất động trong hơn 2 năm qua. 

Bộ Y tế cũng cho biết, trong hơn 3 năm qua đã có nhiều văn bản ban hành để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ. Vì vậy, khi chuyển nhóm bệnh COVID-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng cũng như các quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19... Do đó, bộ đề nghị các địa phương rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền. 

Công bố hết dịch COVID-19 như thế nào?

Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của dịch COVID-19 để thực hiện việc công bố hết dịch.

Về điều kiện công bố hết dịch COVID-19, cần đảm bảo 2 điều kiện: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật. 

Nghiên cứu việc tiêm vắc xin COVID-19 trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các khuyến cáo của WHO trong bối cảnh mới và đặc biệt không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình mới. Thủ tướng nhấn mạnh phải tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh… 

Bộ Y tế cần tiến hành tổng kết công tác phòng, chống dịch trong tháng Sáu để rút ra các bài học kinh nghiệm, chủ động nếu như dịch quay trở lại. Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu việc tiêm vắc xin COVID-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, WHO cũng đã khuyến nghị Việt Nam đưa tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia, tăng cường tiêm các mũi tăng cường, nhất là cho nhóm nguy cơ cao.

 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI