Chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương: Tiếc!

14/01/2019 - 07:56

PNO - Không thể phủ nhận tâm huyết và sự đầu tư cho chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm chặng đường một thế kỷ của cải lương, nhưng đêm diễn khép lại vẫn để lại cho người xem một cảm giác tiếc nuối.

Một ngày tháng Chạp, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ, vào thời điểm ít người qua lại, tại khoảng không gian bao vây một sân khấu ngoài trời vừa được dựng lên hoành tráng cho buổi trình diễn hứa hẹn nhiều hấp lực từ sự đầu tư quy mô của nó; tất thảy đều xôn xao, nhộn nhịp.

Có nhắm mắt lại hoặc đứng ở vị trí xa trung tâm sân khấu ấy, người ta vẫn có thể nhận diện rõ ràng từng nghệ sĩ mình yêu mến, qua những giọng ca cải lương nhuốm màu thời gian, không lẫn lộn với bất cứ ai, dẫu tuổi tác và sức khỏe gần như đang khống chế khả năng bám trụ với nghề của họ.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Thế hệ nghệ sĩ vàng tề tựu trong chương trình

Làm sao có thể lẫn lộn chất giọng thanh thoát, chân phương, trữ tình mùi mẫn, nam tính và không bi lụy của NSƯT Minh Vương; chất kim pha thổ từng được ví von là giọng ca chuông ngân của NSND Lệ Thủy; hay lối luyến láy đầy bản lĩnh của NSƯT Thanh Tuấn…

Không cần đến truyền thông, người dân quanh khu vực vẫn dễ dàng nhận ra đó là buổi tổng dợt cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức), diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, vào tối 13, 14/1.

Họ kháo nhau về một bữa tiệc nghệ thuật cải lương thịnh soạn với sự tham gia của gần 500 nghệ sĩ, diễn viên và nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương, từ các nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Tuấn… các diễn viên nhí là thế hệ thứ 6 của gia tộc cải lương Minh Tơ: Hồng Quyên, Tú Quyên, Thảo Trâm, Kim Thư…

Ngay từ đầu, chương trình đã được xác định là rất đáng để mong chờ, sau ngần ấy năm tháng thăng trầm đằng đẵng, tương đương với tuổi đời của bộ môn nghệ thuật quá nhiều biến cố này.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Khán giả không  thấy rõ mặt nghệ sĩ vẫn nhận ra những gương mặt thuộc thế hệ vàng cải lương

Lịch sử chưa trọn vẹn

Sự háo hức đó đã biến thành niềm xúc động và bất cứ ai có mặt tại đường đi bộ Nguyễn Huệ trong buổi lễ tôn vinh sân khấu cải lương vào đêm 13/1 vừa rồi cũng thấy lòng mình dâng lên một nỗi niềm khó tả, khi giọng ca những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương cất lên bài ca Vọng trăng xưa - tiết mục mở màn được đánh giá là chuyển tải phần lớn trọng trách của nó trong việc mang cải lương chạm đến trái tim khán giả, ngay từ giây phút đầu tiên.

Khi ánh sáng sân khấu còn chưa sáng hẳn, khán giả đã nhận ra giọng thổ khàn khàn pha trộn chút âm điệu miền Trung với miền Nam đầy cảm xúc của NSND Ngọc Giàu; chất giọng pha kim, làn hơi trong vắt và cao vút của NSƯT Thanh Kim Huệ, hòa quyện uyển chuyển với những luyến láy ngọt ngào của NSƯT Hồng Nga và NSƯT Lê Thiện.

Tất cả đều hát live trong một chương trình truyền hình trực tiếp không chấp nhận sơ suất về kỹ thuật. Điều này chứng tỏ sự nghiêm túc, niềm trân quý công việc và lòng tự trọng của những người làm nghề. Tuy vậy, điểm sáng hiếm hoi đó chỉ giải quyết phần nào những mong đợi của khán giả về một chương trình xứng tầm với bề dày lịch sử của bộ môn nghệ thuật mà họ yêu mến.

Dù sự thiếu vắng các tác phẩm kinh điển, của những soạn giả nổi tiếng như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Hà Triều - Hoa Phượng… đã để lại ít nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả, tinh thần quật cường của những nghệ sĩ và sân khấu cải lương xuyên suốt chương trình đã làm sáng rỡ lòng tự hào của người Việt với bộ môn nghệ thuật Việt. 

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương với bài ca cổ gắn liền tên tuổi của cả hai - Bánh bông lan. Ảnh: Minh Thanh

Những năm 1920 - 1930 là thời kỳ phát triển rực rỡ của cải lương, với sự ra đời của nhiều gánh hát. Nổi tiếng nhất là gánh Phước Cương và Trần Đắc với dàn kịch gồm ba loại: các tuồng tích của Trung Quốc, loại xã hội và loại phóng tác (như Tơ vương đến thác, Giá trị và danh dự). Buổi đầu, kịch bản cải lương lấy cốt truyện của các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên... các vở tuồng hát bội hoặc phỏng theo truyện phim và kịch bản Pháp, như Bằng hữu binh nhung (Frères d’arme), Sắc giết người (Atlantide), Giá trị và danh dự (Le Cid)...

Đáng tiếc là, điều khán giả muốn biết - một chặng đường lịch sử của cải lương từ thuở sơ khai cho đến ngày nó tròn 100 năm biến động, không được thể hiện một cách cụ thể và rõ rệt qua các tuồng tích đặc trưng cho từng giai đoạn định hình và phát triển riêng biệt, mà chỉ tóm lược trong một văn bản không đầy đủ và đọc suông trên khấu như những gạch đầu dòng kém hoàn chỉnh.

Cải lương Việt Nam với niềm tự hào “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” chỉ được nói đến một cách mờ nhạt. Khán giả Hiền Lâm (Q.Gò Vấp) bức xúc: “Phần giới thiệu cải lương xưa với âm nhạc, động tác vũ đạo, hóa trang... mang nhiều chất liệu của hát bội làm nhiều khán giả hơi hoang mang khi xác định cột mốc hình thành cải lương. Theo hiểu biết của tôi, nếu nói đến cải lương giai đoạn đầu, phải là ca ra bộ”.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Trích đoạn Chiến binh của nhà hát Trần Hữu Trang

Những cống hiến bị bỏ quên

Thiếu sót lớn nhất là việc Đoàn Việt kịch Năm Châu chỉ được nhắc lớt phớt qua cái tên và NSND Năm Châu - người có công lớn nhất trong việc định hình phong cách cải lương “Thật và đẹp” - chỉ được biết đến với tư cách là soạn giả của 50 tuồng cải lương quen thuộc. Những đóng góp mang tính tiên phong trong dòng chảy phát triển sân khấu cải lương của NSND Năm Châu và Đoàn Việt kịch bị bỏ qua một cách vô tình và thực sự khó chấp nhận.

Trong một chương trình vinh danh cải lương mang tính quy mô như thế, khán giả vẫn không thể biết được người khai sáng trào lưu cải lương “thật và đẹp”, qua những nghiên cứu sâu rộng của NSND Năm Châu về Tây học, thấm nhuần phương pháp diễn xuất của trường phái Stanislavski; cũng không thể nhớ ra ai là người chuyển thể cải lương từ các tích tuồng và sách truyện của Anh, của Pháp; ai xây dựng kịch bản cải lương, đẩy mâu thuẫn cao trào tâm lý nhân vật theo bố cục của kịch cổ điển châu Âu thời bấy giờ.

NSND Năm Châu cho rằng, dù kịch nghệ Việt Nam du nhập từ các dòng kịch nghệ Trung Quốc, Pháp, Anh… nhưng tất cả các điệu hát, lối hát, khi về đến Việt Nam, đều được Việt Nam hóa. Ví như người Trung Hoa, khi ca những đoạn ngân dài, hơi cao thì dùng tiếng “á à a..a..a…”, người Việt ca ngân dài và hơi cao thì “ơ ớ ờ ơ..ơ..ơ…”, bài ca nào mà “ơ” không êm tai thì bài ca đó uổng tử, chết non trên sân khấu Việt. Chẳng hạn bài Xái Phỉ dùng trong tuồng, để điều binh khiển tướng thì “ơ“ nghe không được, bài ca đó hết được xài.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Vở diễn Lấp sông Gianh và ký ức kinh hoàng về vụ nổ, sát hại nghệ sĩ vào ngày 19/12/1955 tại rạp Nguyễn Văn Hảo

NSND Phùng Há được cho là có công lớn trong việc đặt nền móng cho nghệ thuật hát cải lương, thể loại tuồng dã sử, trong những thập niên 1950-1960 của thế kỷ XX. Công lao rõ rệt nhất của bà là việc mời nhiều nghệ sĩ bậc thầy từ Trung Quốc sang giảng dạy kỹ thuật hát, vũ đạo theo đúng hí khúc Trung Quốc cho bà và các đào kép trong đoàn Phụng Hảo. Từ kinh kịch, vũ đạo Trung Quốc, NSND Phùng Há đã tìm cách tiết chế âm nhạc, sáng tạo động tác, vũ đạo cho phù hợp với sân khấu cải lương Việt Nam. Sau này, bà lại đem những kỹ thuật sân khấu này truyền dạy cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ.

Những chi tiết này cũng không được nhắc đến trong phần vinh danh các nghệ sĩ có công xây dựng và kiến thiết cải lương qua từng giai đoạn, dù ai cũng biết những cống hiến quý báu của NSND Năm Châu hay NSND Phùng Há xứng đáng được trân trọng nhiều hơn là việc được nhắc đến qua loa và quá nhiều thiếu sót.

Ý tưởng đưa các sân khấu xã hội hóa ra đường đi bộ để các sân khấu có điều kiện tiếp cận với khán giả và tự giới thiệu mình là một trong những điểm mới. Tiếc rằng, việc đưa ý tưởng vào thực tế lại thiếu sự năng động và sáng tạo. Việc chọn các trích đoạn có sẵn, là “điểm son” của các sân khấu, là một trong những yếu tố khiến tổng thể mạch chương trình thiếu sự đa dạng về phong cách và mạch dẫn dễ mang tính chắp nối, khó đáp ứng được tiêu chí mà chương trình muốn hướng đến.

Chặng đường mới, day dứt mới

Có lẽ đã lâu lắm rồi, sân khấu cải lương mới lại có sự dõi bước và đồng hành của những nhà quản lý từ UBND TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM... Những nghệ sĩ lão thành được mời đến để lắng nghe và góp ý cho ý tưởng kịch bản. Có lúc, sau buổi chạy chương trình, dù đã quá nửa đêm, nghệ sĩ đã ra về, những người có trách nhiệm vẫn ngồi lại, cùng nhau phản biện, góp ý, để có thể thống nhất chỉnh sửa cho đêm ra mắt hoàn hảo và chỉn chu nhất trong khả năng có thể.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Những nghệ sĩ, diễn viên đoạt giải Trần Hữu Trang và Chuông Vàng vọng cổ thể hiện một sáng tác mới của nhạc sĩ Đức Trí.

Không thể phủ nhận tâm huyết và sự đầu tư cho chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm chặng đường một thế kỷ của cải lương, nhưng đêm diễn khép lại vẫn để lại cho người xem một cảm giác tiếc nuối.

Diện mạo của sân khấu cải lương trong chặng đường 100 năm phát triển vẫn còn khá mờ nhạt. Ánh sáng đẹp, sân khấu quay giúp các màn biểu diễn liền lạc; tiếc rằng kịch bản thiếu điểm nhấn, màu sắc, nhất là phần biểu diễn của các đơn vị xã hội hóa. Vì chọn những tiết mục có sẵn nên các trích đoạn gần như chỉ một màu tuồng sử. Tổng thể cho thấy một chương trình thiếu tư duy dàn dựng hạn chế thời gian đầu tư. Tổ chế tác kịch bản lại chỉ đưa ra những ý chính sẽ nhắc đến trong chương trình, nên dù có nhiều lần lấy ý kiến của các nghệ sĩ lão thành, mọi thứ vẫn cứ rất mơ hồ. Cho đến lúc “gạo đã thành cơm” thì mọi góp ý, chỉnh sửa cũng không thể thay đổi được bao nhiêu.

Khán giả Minh Tâm (Q.10) tỏ ra tiếc rẻ sau khi nghe lại bài ca cổ Bánh bông lan - bài ca gắn liền với tên tuổi NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, minh chứng cho sức hút và sự tồn tại bền bỉ của tân cổ giao duyên. Anh tâm sự: “Có lẽ cảm xúc của một khán giả như tôi sẽ đầy đặn hơn nếu được nghe thêm một sáng tác của soạn giả - NSND Viễn Châu. Tôi yêu thích ông không chỉ vì hàng trăm sáng tác của ông, gắn liền với tên tuổi hầu hết nghệ sĩ cải lương miền Nam, mà vì trước khi trở thành soạn giả nổi tiếng, NSND Viễn Châu còn là người có công lớn trong việc khai sinh thể loại tân cổ giao duyên, cách đây hơn 50 năm. Lồng ghép tân nhạc vào các bài bản cổ nhạc, danh cầm Bảy Bá đã mang lại một sắc thái mới cho vọng cổ, để vọng cổ có chỗ đứng sáng ngời trong lòng những khán giả yêu mến nó”.

Chuong trinh ky niem 100 nam san khau cai luong: Tiec!
Một tiết mục của nhóm xã hội hoá Thắp sáng niềm tin

Nhìn những nghệ sĩ lão thành say sưa tập luyện và có mặt từ rất sớm trong các buổi chạy chương trình, ít ai ngờ trong số họ có người vừa xuất viện chưa lâu, có người vẫn đang phải điều trị nhiều căn bệnh của tuổi tác. Những nghệ sĩ đã qua tuổi thất thập, bước chân đã chậm chạp, dù phải chờ cả buổi để ráp nối, chỉnh sửa tiết mục… vẫn cứ cần mẫn bằng tất cả tình yêu và sự đam mê với khát vọng được góp một phần công sức, tài năng của mình cho ngày trọng đại của sân khấu cải lương, đủ hiểu họ xem trọng việc được tri ân Tổ nghiệp, tri ân khán giả như thế nào. Với họ, đây là cơ hội quý giá để được trở lại thời xuân xanh, với một phần đời gắn bó cùng lời ca tiếng đờn và khát khao được cống hiến tài năng cho sân khấu, cho công chúng.

Đêm diễn khép lại không thỏa lòng mong đợi, nhưng những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt trong sáng và giọng ca hồn nhiên, trong trẻo của những mầm non của sân khấu cải lương gieo vào lòng khán giả những cảm giác thật lạ lẫm. Mười năm nữa, cải lương sẽ ra sao? Đã đủ sức vượt khó để tiếp tục một chặng đường mới? 

Thảo Vân - Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI