Chưa có bằng chứng kháng thể COVID-19 giúp bảo vệ dài hạn hoặc tạo miễn dịch cộng đồng

25/04/2020 - 13:00

PNO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng: “Việc nới lỏng hạn chế kiểm dịch không phải là lời tuyên bố kết thúc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào. Quá trình phong tỏa có thể giúp giảm tốc độ lây lan cho một quốc gia giữa đại dịch”.

 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID_19 trong cộng đồng ở Hà Nội. Ảnh: An Vũ
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng ở Hà Nội. Ảnh: An Vũ

Theo WHO, chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số toàn cầu - vào khoảng 2-3% - có kháng thể trong máu cho thấy họ từng nhiễm COVID-19.

Hôm thứ Sáu, 17/4, một nghiên cứu được thực hiện tại Santa Clara, bang California bởi Đại học Stanford (Mỹ) và phát hành dưới dạng bản in chưa có đánh giá quốc tế cho thấy rằng, số người đã bị nhiễm vi-rút cao gấp 50 đến 85 lần so với số liệu chính thức. Santa Clara có 1.094 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 tại thời điểm thực hiện nghiên cứu, nhưng xét nghiệm kháng thể cho thấy khoảng 48.000 đến 81.000 người nhiễm bệnh vào đầu tháng Tư, hầu hết trong số họ không phát triển các triệu chứng. Nhìn chung, trên toàn bộ dân số của hạt, chỉ 3% cộng đồng bị nhiễm và có kháng thể với vi-rút. Một nghiên cứu ở Hà Lan với 7.000 người hiến máu cũng cho thấy chỉ 3% có kháng thể.

Bác sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Mỹ đang dẫn đầu đội ngũ kỹ thuật của WHO về COVID-19, nhận định: “Chúng tôi thấy tỷ lệ người có kháng thể thấp hơn con số mong đợi”; hơn nữa, ngay cả khi các xét nghiệm cho thấy một người có kháng thể, điều đó không chứng minh rằng họ miễn dịch với COVID-19.

Có rất nhiều quốc gia đang đề xuất sử dụng các xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán nhanh để nắm bắt khả năng phát triển biện pháp miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, hiện không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng xét nghiệm huyết thanh học giúp xác định khả năng miễn dịch hoặc được bảo vệ khỏi tái nhiễm của mỗi cá nhân. WHO cũng xác nhận trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu, 17/4, rằng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh nhân COVID-19 sau hồi phục và người mang mầm bệnh không triệu chứng sở hữu kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu, có khả năng miễn dịch COVID-19 lâu dài.

Eric Vivier, giáo sư về miễn dịch học ở Marseilles (Pháp), giải thích: “Thông thường sau khi khỏi bệnh, cơ thể phát triển một phản ứng miễn dịch chống lại vi-rút để loại bỏ nó, đồng thời tránh bị lây nhiễm lại bởi cùng một loại vi-rút”. Nhưng đối với các vi-rút như SARS-CoV-2, phải mất khoảng ba tuần để cơ thể tạo ra một lượng kháng thể đủ và thậm chí sau đó chúng chỉ có thể duy trì bảo vệ trong vài tháng.

Tại Đức và Chilê, một số chuyên gia đã đưa ra ý tưởng về “hộ chiếu miễn trừ” cho phép người khỏi bệnh quay trở lại làm việc, nhưng với sự không chắc chắn về khả năng duy trì miễn dịch, đây dường như không phải là một giải pháp hữu ích tại thời điểm này. Bên cạnh đó, phương án còn có thể gây ra làn sóng “tự nguyện lây nhiễm” để sớm quay lại công việc. 

Ngọc Hạ (theo Forbes, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI