Chủ tịch UBND TPHCM đưa 6 giải pháp kích cầu du lịch miền Tây thời hậu COVID-19

04/07/2020 - 16:55

PNO - "Trước mắt sẽ làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại, và tính đến khả năng tiếp thị khách quốc tế những tháng cuối năm" - đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 4/7.

Theo đại diện Sở Du lịch TPHCM, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều kế hoạch hợp tác chưa triển khai được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) lữ hành đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ TPHCM đi đến ĐBSCL. Một số tháng không bị tác động bởi dịch như tháng 1 và 5, đã có 50.000 du khách đăng ký mua tour từ 5 DN lữ hành TPHCM về ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành cũng kéo dài hơn.

Khách tham qua trải nghiệm du lịch tại một khu du lịch sinh thái tại TP Cần Thơ. Ảnh: Quốc Thái
Khách tham quan trải nghiệm du lịch tại một khu du lịch sinh thái ở TP. Cần Thơ - Ảnh: Quốc Thái

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, chương trình liên kết kích cầu du lịch cần chú trọng đến gói sản phẩm để giữ chân du khách. Du khách ở lại lâu sẽ chi tiêu nhiều hơn, doanh thu du lịch vì vậy sẽ tăng lên. 

Theo ông Phong, doanh thu của khách nội địa chiếm 60% doanh thu du lịch của TPHCM. Việc liên kết du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL nếu đẩy mạnh hơn nữa việc hoán đổi dòng khách du lịch, 10% dân số của TPHCM (1 triệu người) và 10% dân số của ĐBSCL (tương đương 2 triệu người) sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của DN du lịch.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM tiềm kiếm cơ hội mở rộng du lịch tại các tỉnh thành miền Tây. Ảnh: Quốc Thái
Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM tìm kiếm cơ hội mở rộng du lịch tại các tỉnh thành miền Tây - Ảnh: Quốc Thái

Ông Phong cho rằng, trong 6 tháng cuối năm cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại. Để làm được điều này, 6 giải pháp trọng được ông đưa ra. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Bằng cách hỗ trợ, kết nối chặt chẽ hơn giữa các DN lữ hành, hàng không và chính quyền để chương trình kích cầu đạt hiệu quả.

Thứ hai, tập trung xây dựng thương hiệu du lịch TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL, phấn đấu đến quí 4/2020 bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng. Trong đó, mỗi địa phương là một đại sứ du lịch để đưa du lịch trở thành cầu nối quan trọng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đưa văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Thứ ba, chuẩn bị lộ trình xuất tiến các thị trường quốc tế, kết hợp các đơn vị phân tích quốc tế, nắm bắt tâm lý du khách để kịp thời cho lộ trình mở cửa thị trường quốc tế. Đối với các quốc gia kiểm soát tốt dịch cần có chính sách quảng bá du lịch TPHCM và ĐBSCL là điểm đến an toàn, trong đó TPHCM là đầu mối nhận khách đến, đưa khách về các tỉnh thành liên kết.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động kết nối từ phía chính quyền nhầm tạo cầu nối và tạo thuận lợi cho DN địa phương.

Thứ năm, vai trò của DN du lịch là then chốt trong liên kết, các DN cần chú trọng xúc tiến mạnh hơn đặc biệt đối với các DN du lịch ‘đầu tàu’.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh công nghệ thông tin trong liên kết vùng để tránh chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi làm du lịch.

Theo kế hoạch công bố tại hội nghị từ nay đến cuối năm, TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh kích cầu khách nội địa thông qua 3 chương trình du lịch có tên: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình. Trong đó tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành tham gia kích cầu với giá tour hấp dẫn; các cơ sở kinh doanh, khu vui chơi, điểm tham quan xây dựng chính sách kích cầu kép vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí tham quan. Hiện có 10 trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL gửi danh sách các điểm du lịch tham gia kích cầu về thành phố với mức giảm từ 10-100%.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI