Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng trường đại học: “Chuyện nực cười”

21/05/2020 - 11:56

PNO - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng được kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trên địa bàn tỉnh nhà. Nhiều người đặt ra câu hỏi, việc kiêm nhiệm hai nhiệm vụ của ông Nguyễn Văn Thắng có đúng theo Luật Giáo dục đại học (ĐH) về tiêu chuẩn bổ nhiệm, kiêm nhiệm hiệu trưởng? Nhất là khi vị này chưa từng có kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy tại trường ĐH.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng trước đây ông Nguyễn Văn Thắng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phụ trách giáo dục cũng được coi là có kinh nghiệm quản lý trong giáo dục - đào tạo.

Trường đại học Hạ Long
Trường đại học Hạ Long

Liên quan đến vấn đề trên, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho biết, tiêu chuẩn để bổ nhiệm hiệu trưởng được quy định rất rõ tại Điều 20 Luật Giáo dục ĐH, phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH là điều rất quan trọng. Kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH và quản lý nhà nước về giáo dục là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

“Kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH là phải hiểu biết và thực hành tác nghiệp quản lý trong giáo dục ĐH gồm quản lý tuyển sinh, chương trình đào tạo phải tuân thủ theo các quy chế, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tài chính, quản lý sinh viên, quản lý dạy học và đánh giá, quản lý chất lượng… Nếu chưa có kinh nghiệm quản lý ĐH thì hoàn toàn là thách thức lớn với người chưa hiểu về văn hóa của giáo dục ĐH”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết.

Cũng theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, mỗi tổ chức có một thói quen, văn hóa, chuẩn mực nhất định và để quản lý một cơ sở giáo dục ĐH mang tính tác nghiệp đòi hỏi người quản lý phải hiểu biết sâu về con người và môi trường giáo dục ĐH mà ở đó hoạt động tác nghiệp quản lý diễn ra hằng ngày.

Điều 20 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 

Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật; đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

“Nếu chưa có kinh nghiệm quản lý thì hoàn toàn trái với Điều 20 Luật Giáo dục ĐH. Đó là chưa kể công việc của một chủ tịch UBND rất bận rộn, có nên kiêm nghiệm chức danh hiệu trưởng trường ĐH? Hiệu trưởng có những nhiệm vụ rất nặng nề vừa đòi hỏi phải là nhà giáo dục, nhà quản lý nhà trường một cách chuyên nghiệp”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho rằng hiệu trưởng trường ĐH phải như CEO. Hiệu trưởng trường ĐH nên có kinh nghiệm sống và làm việc trong môi trường học thuật thì mới hiểu được văn hóa của một nhà trường. Hiệu trưởng cũng cần có năng lực quản trị nhà trường ĐH. Nếu có uy tín học thuật như các nghiên cứu khoa học thì tốt hơn. Quản lý là một nghề không phải cứ giáo sư giỏi sẽ là một hiệu trưởng tốt.

Còn theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban nghiệp vụ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: “Phó chủ tịch ký thay công nhận Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long quả là chuyện nực cười”. Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, hiệu trưởng phải là người điều hành trực tiếp toàn bộ hoạt động của nhà trường chứ không phải người chỉ đạo đường lối. Bởi, chỉ đạo đường lối là nhiệm vụ của Hội đồng trường. Hơn nữa, nếu ông Nguyễn Văn Thắng chuyên trách công việc làm Hiệu trưởng thì chắc chắn khó có thời gian làm tốt công việc quản lý nhà nước ở vị trí Chủ tịch tỉnh.

“Luật Giáo dục ĐH mới quy định Hội đồng trường có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm hiệu trưởng. Phó chủ tịch tỉnh chỉ ký thay công nhận việc đó khác gì ông Nguyễn Văn Thắng tự công nhận chính mình kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng. Quả là chuyện nực cười. Hiện nay, Trường ĐH Hạ Long được phân quyền quản lý về UBND tỉnh và phân quyền tự chủ nên nếu thấy chưa hợp lý thì chỉ Hội đồng Trường ĐH Hạ Long mới có thể miễn nhiệm chức vụ này.

Nếu đã làm quản lý nhà nước, tôi nghĩ ông Nguyễn Văn Thắng phải nắm rất rõ quy định về luật. Khi được đề xuất kiêm nhiệm hiệu trưởng mà thấy không hợp lý thì ông Thắng có thể từ chối thì hay hơn”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI