Chống phân biệt đối xử bằng truyền thông đúng hướng

24/05/2024 - 21:32

PNO - 35 người làm báo các tỉnh phía Nam tham gia khóa học “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” (phụ nữ, người khuyết tật, LGBTI...) tại TPHCM.

“Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” là khóa học được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức ngày 24/5/2024 tại TPHCM.

Khóa học nhằm tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị phân biệt đối xử. Trong khuôn khổ khóa tập huấn này, có 3 nhóm được đề cập: phụ nữ, người khuyết tật và người LGBTI (cộng đồng bao gồm người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và người liên giới tính…).

Khai mạc khóa học Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương
Khai mạc khóa học "Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương"

Khóa học thu hút 35 người làm báo các tỉnh phía Nam tham gia. Các báo cáo viên là PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; nhà báo, thạc sĩ Đặng Thị Huệ - Nguyên Phó giám đốc Hệ phát thanh dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS. TS. Lê Lan Chi – Chủ nhiệm Khoa tư pháp hình sự Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhà báo, thạc sĩ Đặng Thị Huệ chia sẻ về hình ảnh, chân dung người LGBTI trên các phương tiện truyền thông hiện nay
Nhà báo, thạc sĩ Đặng Thị Huệ trình bày hình ảnh, chân dung người LGBTI trên các phương tiện truyền thông hiện nay

Bằng việc phân tích một số tin bài cụ thể và tổng hợp, các báo cáo viên giúp cho người làm báo nhận diện những câu từ, hình ảnh, góc khai thác có thể khắc sâu thêm sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Đó là những từ ngữ xoáy vào đặc điểm khuyết tật (cô gái 1 chân…); những từ ngữ có ngụ ý “phụ nữ bị bạo lực gia đình hoặc bạo lực giới là do lỗi của họ” hay dán nhãn, "đóng hộp" ngành nghề (phụ nữ không có năng khiếu thì đừng lái xe, phụ nữ gắn với cái bếp…), dùng những từ ngữ có tính chất miệt thị người LGBTI (cho là trào lưu, đu trend, bị lây bệnh đồng tính…).

Lỗi thường thấy là báo chí sử dụng từ “người bình thường” để phân biệt với người khuyết tật / LGBTI… thay vì sử dụng từ “người khác”, “người không khuyết tật”/“người dị tính”… Cũng có những bài báo ngay từ tựa đề đã “nhấn nhá” 2 chữ đồng tính dù vấn đề phản ánh chẳng liên quan và thường là phản ánh những sự vụ tiêu cực.

PGS. TS. Lê Lan Chi khai thác khía cạnh luật pháp về chống kỳ thị, phân biệt đối xử
PGS. TS. Lê Lan Chi chia sẻ các điều luật cơ bản về chống kỳ thị, phân biệt đối xử

Qua khóa học, người làm báo được củng cố kiến thức đối với một số quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử. Từ đó, người làm báo có cái nhìn nghiêm túc hơn, cẩn trọng hơn khi đưa tin bài, nâng cao trách nhiệm xã hội mà vẫn có những giải pháp để tăng sức hấp dẫn của tin bài.

PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng đúc kết nguyên tắc đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương: “Tiếp cận dựa trên quyền con người, tôn trọng sự đa dạng, loại bỏ định kiến, kỳ thị, đa chiều và khách quan trong đưa tin, tuân thủ nguyên tắc đạo đức.

Về lưu ý khi chụp, quay và đăng hình, tránh ép buộc hay thúc đẩy nhân vật tham gia vào bất kỳ hình ảnh nào mà họ không đồng ý, hoặc không cảm thấy thoải mái; tránh quay phim, chụp ảnh trong các tình huống nhạy cảm hoặc trong tư thế không mong muốn, hoặc trong các hoạt động riêng tư; tránh quay phim, chụp ảnh có thể gây tổn thương tinh thần cho người tham gia; tránh đưa rõ hình ảnh cận cảnh vào sự khiếm khuyết của một người.

PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng trao đổi với người làm báo những câu chuyện sinh động vềbình đẳng giới
PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng trao đổi với học viên về bình đẳng giới

Trước khi quay phim hoặc chụp ảnh, người làm báo cần xin phép trước đối tượng. Đảm bảo họ hiểu rõ mục đích của việc quay phim hoặc chụp ảnh và có quyền từ chối nếu họ muốn. Tôn trọng quyền riêng tư và bảo đảm sự an toàn cho mọi người tham gia. Hãy tôn trọng cảm xúc và tình cảm của họ. Đưa hình ảnh người khuyết tật giống như những người không khuyết tật. Không tập trung chụp ảnh, quay phim vào khuyết tật trên cơ thể của họ”.

PGS.TS Thúy Hằng cũng khẳng định những nguyên tắc này không chỉ dành riêng cho nghiệp vụ báo chí mà phù hợp để áp dụng cho các dạng truyền thông đại chúng nói chung, hay người dân đưa bài viết trên các diễn đàn, nền tảng mạng xã hội…

Phóng viên Song Trà, báo Thanh Niên đại diện nhóm học viên chia sẻ những đề xuất trong đưa tin bài về nhóm dễ bị tổn thương
Phóng viên Song Trà, báo Thanh Niên đại diện nhóm học viên chia sẻ những đề xuất khi đưa tin bài về nhóm dễ bị tổn thương

Được biết, các chuyên gia sẽ tiếp tục hoàn thiện cuốn sổ tay đưa tin về nhóm dễ bị phân biệt đối xử để hướng dẫn các nhà báo đưa tin và hoàn thành các tác phẩm báo chí có chất lượng cao về chủ đề này.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI