Chính quyền Hồng Kông sẽ hủy bỏ dự luật dẫn độ

04/09/2019 - 16:05

PNO - Theo nguồn tin từ Tờ SCMP, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam sẽ chính thức rút lại dự luật gây chia rẽ sau 13 tuần bất ổn.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, tờ South China Morning Post thứ Tư 4/9 cho biết rằng bà Lam đang chuẩn bị loại bỏ dự luật cho phép dẫn độ bị cáo sang Trung Quốc đại lục xét xử. Tờ báo nói thêm rằng các nhà lập pháp thân chính phủ đã được triệu tập để gặp Lam lúc 16g giờ địa phương.

Hãng Reuters cho biết họ cũng đã xác nhận thông tin trên từ một nguồn báo cáo của chính phủ.

Việc rút lại dự luật là yêu cầu chính của những người biểu tình. Phong trào phản đối dự luật ngày càng bạo lực khi  người biểu tình nhiều lần đụng độ với cảnh sát, buộc các cơ quan lập pháp ngừng hoạt động, sân bay thành phố đóng cửa, bao vây trụ sở cảnh sát và biến các khu bán lẻ, giải trí ở Hồng Kông thành khu vực bất ổn.

Chinh quyen Hong Kong se huy bo du luat dan do
Bà Carrie Lam sẽ sớm hủy bỏ dự luật dẫn độ trong động thái nhằm giảm căng thẳng.

Tờ SCMP nói rằng động thái này nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bà Lam đã có lập trường mềm dịu hơn sau cuộc họp kín gần đây với các nhân vật địa phương nổi tiếng, chú ý đến quan điểm của họ về cách trấn an người dân.

Sau khi tin tức lan truyền, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng 3,73%. Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu cho thấy động thái này vẫn chưa đủ để xoa dịu người biểu tình.

Nhà lập pháp theo khuynh hướng dân chủ, Claudia Mo nói với TIME: “Động thái này đến quá muộn. Bà ấy tự nhận mình đã tạo ra sự ‘tàn phá’ cho thành phố và thiệt hại vẫn còn đó. Tôi nghĩ rằng những người biểu tình sẽ tiếp tục hành trình đòi dân chủ và nhân quyền của họ”.

Samson Yuen, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lingnan (Hồng Kông), nhận xét: “Việc rút lại dự luật có thể giảm một vài cuộc bạo lực trên đường phố, nhưng nó không thể chấm dứt việc người dân xuống đường tuần hành. Trong trung hạn, các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục, chủ yếu là do mối quan tâm của người biểu tình đã thay đổi, rộng hơn”.

Sự phản đối quyết liệt đối với dự luật nhanh chóng biến thành một cuộc nổi loạn chống lại chính quyền thân Bắc Kinh. Phản ứng ban đầu của bà Lam là đình chỉ, thay vì rút lại dự luật, biện pháp này càng khiến những người biểu tình mong muốn tự do chính trị hoàn toàn, với nhiều quyền tự quyết hoặc thậm chí là độc lập.

Những người chỉ trích dự luật sợ rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng nó để bắt giữ những cá nhân bất đồng chính kiến ​​và thủ tiêu đối thủ chính trị ở khu vực, nơi có 7,2 triệu dân, khác biệt rất nhiều về ngôn ngữ và văn hóa với Trung Quốc đại lục sau 156 năm thuộc địa.

Tấn Vĩ (Theo Time, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI