Chiêu trò “móc túi” người có nhu cầu nhập cảnh mùa COVID-19

11/03/2021 - 06:13

PNO - Đến nay, do dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tạm ngừng cho phép người nước ngoài nhập cảnh, trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư và nhân viên các dự án trọng điểm theo quyết định của Chính phủ. Những trường hợp muốn đoàn tụ gia đình cũng không được xét vào diện ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin và gánh chịu những “cú lừa” từ lời hứa của các công ty, cá nhân môi giới.

Bán vé máy bay “ảo”

Bà Tăng Chương - trú tại phường 16, quận 4, TPHCM - trình bày với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM: vào tháng 9/2020, bà lên mạng tìm đại lý để mua vé máy bay cho con đang du học ở Mỹ về nước. Bà gọi vào số điện thoại trên trang www.vemaybay123.vn thì hết sức mừng rỡ khi nơi này cho biết, có vé máy bay từ Los Angeles về Tân Sơn Nhất.

Theo hướng dẫn, bà đến ngay địa chỉ 173 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM của Công ty TNHH Vaness Booking để làm thủ tục mua vé. Đơn vị này không những có vé máy bay để bán mà giá cả cũng khá rẻ, chỉ 555 USD cho “chuyến bay nhân đạo” một chiều từ Mỹ về Việt Nam với lịch trình bay vào ngày 15/10/2020. Chính con trai bà ở nước ngoài cũng bất ngờ và yêu cầu bà hỏi kỹ. Phía bán vé cam kết chắc chắn có chuyến bay.

 

Hai tờ booking được gọi là  “vé máy bay”, do bà Tăng Chương và chị N.N.H.K. cung cấp cho chúng tôi - Ảnh: Quốc Ngọc
Hai tờ booking được gọi là “vé máy bay”, do bà Tăng Chương và chị N.N.H.K. cung cấp cho chúng tôi - Ảnh: Quốc Ngọc

Thế nhưng, gần đến ngày khởi hành, nhân viên công ty điện thoại cho bà Chương, thông báo chuyến bay bị hủy và dời ngày cất cánh sang 25/11/2020. “Tôi không đồng ý vì con tôi đã thu xếp hành trang và đã trả phòng ký túc xá ở Mỹ để về nước trên chuyến bay AA-27 của hãng American Airlines mà tôi đã mua của Công ty Vaness Booking” - bà Chương kể.

Con trai bà đành phải lánh tạm nhà một ân nhân để chờ chuyến bay. Tuy nhiên, đến ngày 25/11/2020, vẫn không có chuyến bay nào như lời công ty đã hứa và công ty cũng không liên hệ lại với bà Chương.

“Khi tôi đến đòi lại số tiền đã đóng, công ty bắt tôi phải chịu lỗ một nửa, tức họ vẫn thu 285 USD và chỉ trả lại 270 USD cho tôi. Sau nhiều lần lên xuống, thậm chí mời công an phường đến, công ty mới chịu giải quyết nhưng vẫn đòi thu 100 USD chi phí làm thủ tục gì đó. Cuối cùng, tôi đồng ý mất 50 USD cho họ. Tôi cho rằng, đây là chiêu trò của công ty nhằm móc tiền khách” - bà Chương nói với phóng viên.

Tương tự, cuối tháng 10/2020, chị N.N.H.K. - trú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An -  cũng hối hả tìm mua vé máy bay cho em gái từ Washington State (Mỹ) về TPHCM. Từ công cụ tìm kiếm trên internet, chị K. đến số 69 Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3, TPHCM vì nơi này rao có vé.

“Lúc đầu, tôi mua vé máy bay ở một đại lý gần cầu Bông, quận Bình Thạnh nhưng họ đã gửi lại đủ tiền cọc vì không tìm được chuyến bay. Tôi lên mạng, thấy chỗ này rao bán vé máy bay về Việt Nam theo chuyến bay nhân đạo gì đó. Họ bảo chỉ còn hai, ba vé thôi, trong vòng vài giờ mà không mua thì sẽ hết vé. Mừng quá nên tôi chuyển khoản ngay 10 triệu đồng để đặt cọc cho họ. Giá vé chỉ gần 17 triệu đồng; lúc đó, tôi cũng tự hỏi sao mà rẻ dữ vậy. Họ còn bảo khỏi đến văn phòng cũng được vì vé có thể gửi qua bưu điện” - chị K. kể.

Do sợ bị lừa nên chị K. đến tận nơi, trả thêm hơn 6 triệu đồng để nhận được tờ giấy A4 do phía đại lý in ra, trên đó có lịch trình bay từ Seattle về Seoul ngày 25/11/2020, rồi từ thủ đô Hàn Quốc về Tân Sơn Nhất ngày 26/11/2020 của Hãng hàng không Korean Air. Mừng quá nên chị không kiểm tra kỹ. Khi về nhà, chị mới thấy trên tờ giấy mà họ gọi là “vé ghi nhà ga” ở Seattle có dòng chữ “not available”. Gọi cho đơn vị bán vé, chị được giải thích rằng, đây là chuyến bay nhân đạo nên không hiển thị trên hệ thống.

Ba ngày trước thời hạn khởi hành, đại lý này thông báo, chỉ có chuyến bay từ Mỹ về Hàn Quốc, còn từ Seoul về TPHCM thì không vì Việt Nam đang đóng cửa khẩu do dịch. Đại lý cho biết, sẽ trả lại chị K. 10 triệu đồng và có hai phương án cho số tiền hơn 6 triệu còn lại: một là bảo lưu cho đến khi nào có chuyến bay trong vòng hai năm hoặc không bảo lưu thì xem như mất.

“Tôi bảo thẳng với họ vậy là lừa gạt tôi rồi. Nếu không có chuyến bay thì cùng lắm tôi chỉ chịu bị trừ phí dịch vụ 50 USD thôi. Tôi gọi vào tổng đài của hãng Korean Air thì được biết, hãng không có chuyến bay nào từ Mỹ về Hàn Quốc hay Việt Nam trong thời gian này. Hãng bay còn đề nghị tôi nên báo công an” - chị K. bức xúc.

Trong vai người đi tìm vé máy bay cho người nhà từ nước ngoài về Việt Nam, chúng tôi gọi vào số điện thoại 028 3936 xxx thì được biết, cả hai địa chỉ 173 Nguyễn Thị Minh Khai và 69 Võ Thị Sáu là cùng chung một đơn vị.

Ngoài hứa hẹn có vé máy bay, nhân viên ở đây còn nhận làm cả dịch vụ đưa người về Việt Nam bằng các chuyến bay dành cho chuyên gia hoặc làm hồ sơ xin phép lãnh sự để về trên chuyến bay hồi hương. Muốn làm hồ sơ lãnh sự thì đặt cọc trước 7 triệu đồng/người; trong vòng ba ngày làm việc, sẽ có kết quả và gửi thông báo cho khách. Nếu bị “rớt” thủ tục lãnh sự, họ sẽ chuyển hồ sơ đó qua xin vào ngày khác nếu khách vẫn muốn tiếp tục về; nếu không muốn, khách vẫn phải mất 2 triệu đồng/người phí làm hồ sơ lãnh sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xin hồi hương từ nước ngoài là chính sách nhân đạo của Chính phủ dành cho công dân Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Ai cũng có thể gửi đơn đến lãnh sự quán để được xét với các lý do nhân đạo. Các dịch vụ nhận tiền để làm thủ tục này là hoàn toàn trái pháp luật.

Công dân trở về từ Mỹ làm thủ tục khai báo y tế (tháng 5/2020)
Công dân trở về từ Mỹ làm thủ tục khai báo y tế (tháng 5/2020)

Việc các đại lý, công ty như trên in lịch trình của các hãng bay, đưa cho khách rồi bảo đó là “vé máy bay” chỉ là trò lừa. Thực chất, đó chỉ là những tờ booking mà ai cũng có thể có được nếu vào website của các hãng hàng không thử đặt chỗ, khai thông tin cá nhân và cho biết ngày đi, ngày về. Những công ty lươn lẹo thường dùng “vé” này để củng cố niềm tin cho những người nhẹ dạ đang tìm cách để người thân được về nước.

Khai thác nhu cầu “đến Việt Nam làm việc”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số công ty môi giới hiện đang ráo riết quảng bá dịch vụ đưa người nước ngoài vào Việt Nam. Sau tết Canh Tý 2020, Steve Powell - nhà đầu tư người Anh - vào Việt Nam hai lần theo diện chuyên gia kể từ khi các chuyến bay thương mại bị hạn chế do dịch COVID-19. Trên hai chuyến bay về Việt Nam, ông ngạc nhiên khi thấy rất nhiều giáo viên tiếng Anh bay về cùng. Là một nhà đầu tư cho một công ty 500 nhân viên, ông phải trải qua nhiều thủ tục chứng minh nhân thân và lịch sử dịch tễ trước khi vào lại Việt Nam, nơi mình đầu tư. Vì vậy, ông không hiểu tại sao ngay lúc dầu sôi lửa bỏng, Việt Nam lại “du nhập” nhiều giáo viên tiếng Anh như vậy.

“Trên chuyến bay vào Việt Nam tháng 9/2020, chỉ mình tôi có thẻ tạm trú Việt Nam, những người còn lại chỉ có thị thực tại điểm đến. Việt Nam có thành tích chống dịch rất tốt nên tôi nghĩ rằng, việc cho nhập cảnh dễ dàng như vậy là có vấn đề tiêu cực” - Steve nhận định.

Cũng nhờ có thành tích chống dịch tốt mà thị thực Việt Nam đang “có giá” với nhiều công dân các nước. Việt Nam cũng là quốc gia giữ mức tăng trưởng dương năm 2020 trong khi đa số các quốc gia khác bị âm do hậu quả của dịch. Đối với một số người nước ngoài, Việt Nam là một điểm đến an toàn cho sức khỏe và việc làm. Nhiều người nước ngoài đang tìm đến Việt Nam như một cách để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp kéo dài ở nước họ do dịch bệnh. Nhiều người ngoại quốc kết hôn với người Việt cũng muốn quay lại Việt Nam sau tháng ngày dài xa cách gia đình. 

Ăn theo nhu cầu này, các công ty ở Việt Nam đã quảng cáo với người nước ngoài các dịch vụ làm visa, giấy phép lái xe, môi giới việc dạy tiếng Anh. Có không ít công ty môi giới do người nước ngoài ở Việt Nam đại diện tự liên hệ với khách hàng nước ngoài. Các công ty này thường yêu cầu khách hàng trao đổi riêng qua Zalo nên khó biết được công ty nào giả mạo và lừa đảo. Người nước ngoài quá mong mỏi vào Việt Nam phải chấp nhận giao tiếp theo phương thức mà bình thường họ sẽ không đồng ý. Lý do là họ chưa tìm được một tổ chức mời họ làm việc. Hơn nữa, một bộ hồ sơ xuất nhập cảnh lại quá phức tạp với một người ở phương xa.

Theo Bộ Công an, trong năm 2020, cả nước có 4.218.426 lượt người nước ngoài đến Việt Nam, giảm 15.244.666 lượt (78,33%) so với năm 2019. Còn trong tháng 1/2021, cả nước có 42.037 lượt người nước ngoài đến Việt Nam, tăng 7.302 lượt (21,02%) so với tháng 12/2020. Chưa có số liệu nêu rõ ngành nghề của người nước ngoài nhập cảnh nhưng có thể thấy một số trung tâm tiếng Anh đang quảng cáo sẵn sàng tuyển giáo viên người nước ngoài. 

Một số công ty dịch vụ hét giá môi giới lên tới 12.000 USD nếu người nước ngoài không có tổ chức Việt Nam nào bảo lãnh. Những nơi như vậy thường đảm bảo với khách hàng là tìm được một công ty bảo lãnh vào làm việc cho họ. Một công ty tư vấn làm visa còn tự hào khoe, đã hỗ trợ làm được giấy tờ cho bốn trường hợp nhập cảnh từ Ai Cập, Brazil và Mỹ, trong đó có trường hợp làm công nhân sản xuất và nhân viên marketing chứ không phải là chuyên gia.

Hiện nay, nhiều người nước ngoài muốn đến Việt Nam cho biết, hồ sơ xin nhập cảnh của họ đang bị “treo” vì nhiều lý do. Một số cho rằng, chính phủ Việt Nam đã siết chặt việc xét duyệt nhập cảnh trong khi họ đang muốn đến Việt Nam. Có người không có bằng cấp, không có chứng chỉ giảng dạy nhưng họ là người bản xứ của những nước nói tiếng Anh. Đây là điều mà các trung tâm tiếng Anh đang tìm kiếm. Dù bị từ chối cho phép nhập cảnh lúc này, họ vẫn sẽ tiếp tục làm đơn vì ở quê nhà, họ không có lối thoát khác. 

Quốc Ngọc - Mỹ Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI