Chiếc nhẫn cưới đâu rồi?

27/07/2023 - 06:08

PNO - Rất nhiều cặp đang là vợ chồng mà hỏi ra thì không biết nhẫn cưới nơi xó xỉnh nào. Có người lạnh lùng “không biết” hoặc “vứt rồi”, như một cách “biểu tình”, tỏ bày sự trừng phạt đối phương.

Năm đó, cơ quan tôi sửa chữa trụ sở. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ. Cả 3 đại diện các đơn vị dự thầu đều là những anh trung tuổi và họ tiếp cận bà sếp của chúng tôi một cách lộ liễu. Mánh lới của dân xây dựng tôi không kể ra hết được, nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi.

Hôm ấy, trong lúc tôi xếp cuộc hẹn của 1 đại diện thầu với sếp, anh A. ngồi ở bàn nước chờ đợi. Bỗng anh nhìn quanh rồi tháo lẹ chiếc nhẫn cưới trên ngón tay bỏ vào bóp tiền. Thấy tôi nhìn, anh nháy mắt. Tôi vờ không hiểu hành động ấy nên hỏi: “Tay bị sao thế anh?”. Anh cười giả lả: “À tay đau quá!”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Tôi nhìn ngón áp út của anh, thấy có lằn trắng, cho thấy anh đeo nhẫn thường xuyên, chắc mới “đau” đây thôi. Sau này công ty anh A. không trúng gói thầu lớn, mà trúng gói thầu có giá trị nhỏ. Công trình hoàn tất, anh mời phòng tôi đi ăn.

Tại bữa tiệc (không có mặt sếp), anh có tí men bia nên cao hứng kể: vì biết sếp tôi độc thân nên lần nào gặp chị cũng tháo nhẫn cưới để làm ra vẻ hôn nhân trục trặc, thế nên lấy được lòng sếp và ký được hợp đồng.

Chỉ vì cái hợp đồng nho nhỏ, anh sẵn sàng tháo nhẫn cưới để tạo ra cảnh huống “hư hư thực thực” trong mắt một phụ nữ đơn thân, nhằm đạt mục đích nào đó. Anh nghĩ vì cái trò đó mà sếp tôi chấm cho công ty anh trúng thầu? Anh coi thường sếp tôi và toàn thể đàn bà, hơn nữa, coi thường người vợ đã cùng anh thề non hẹn biển, tổ chức lễ cưới để lồng nhẫn vào tay nhau.

Sau sự việc ấy, tôi có thói quen nhìn tay người đối diện. Thời trước, hầu như đàn ông - đàn bà quanh tôi nếu có gia đình đều đeo nhẫn cưới, rất tiện. Thông thường thấy ai đó không đeo nhẫn cưới, tôi có thể đoán họ chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn, nhưng việc đoán ấy thời nay rất hay “bé cái lầm”. Phần đông bạn bè tôi vẫn còn chồng còn vợ rõ ràng, nhưng lại không còn đeo nhẫn cưới.

Một hôm “hơi rảnh”, tôi bắt chuyện trong nhóm bạn: “Tui bầu bì, tăng 19kg so với năm xưa nên nhẫn cưới chật rồi, chờ giảm cân để nhét cho vừa mà mãi không thể. Mấy bà biết đánh lại cặp nhẫn ở đâu không?”. Cô bạn tên Minh Hương tham gia rất nhanh: “Nhà tui vợ chồng đều tăng 20kg, nên chục năm nay có ai đeo nhẫn đâu. Nhưng người ta kiêng đánh lại nhẫn cưới đó mấy bà. Kệ đi”. 

“Thế bà không đeo nhẫn thì có vụ án tình nào xảy ra không?” - lớp trưởng Thu Lan hỏi. “Vụ án thì không, nhưng cũng có vài anh hỏi mình có bạn trai chưa. Mình phải khoe chồng con các anh mới lảng đi” - Minh Hương đáp.

Tiếp cuộc trò truyện, Thu Lan kể đã ném nhẫn xuống cầu Sài Gòn trong cơn căm tức chồng, suýt chút ly hôn. Tới giờ, chiếc nhẫn của Thu Lan chắc chắn vẫn còn nằm sâu dưới đáy sông, chỉ có chiếc kia là bền bỉ trên tay chồng cô.

Đàn ông hiếm khi dọa chia tay, ít nông nổi, dỗi hờn, nhưng khi họ đã quyết điều gì thì lại khó có thể thay đổi. Hải trong nhóm chúng tôi tháo nhẫn và không đeo lại 10 năm nay, kể từ khi anh tuyên bố “mạnh ai nấy sống” và ly thân cô vợ ngoại tình. Gần đây, chúng tôi đã thấy anh đeo nhẫn cưới lần hai, sau đám cưới với cô vợ mới.

Hàng xóm nhà tôi có cô Kim Chi hay tháo nhẫn cưới để “biểu tình” ông chồng. Hết giận, cô lấy nhẫn ra đeo lại, xác tín giai đoạn “bình thường hóa”. Lần giận nọ, cô bốc đồng gom hết nhẫn cưới, áo cưới và hàng loạt kỷ vật liên quan đám cưới để cho cô bé giúp việc đem về quê. Sau đấy không lâu, cô bé ô sin cũng nghỉ việc, thế là chiếc nhẫn cưới mất tích.

Hết chiến tranh chồng vợ, cô phải năn nỉ mượn chồng cái nhẫn đi đánh lại 1 chiếc cùng mẫu cho mình.

Chồng cô Kim Chi luôn mặc kệ những nắng mưa của vợ, vẫn chung thân với chiếc nhẫn cưới vì chú nói quan niệm sống và tôn giáo của chú không có khái niệm ly hôn. Và khi đã xác định không bao giờ ly hôn, chú sẽ không bao giờ tháo nhẫn cưới “cho tới khi cái chết chia lìa đôi ta”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

“Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em/anh suốt đời anh/em”. Có thể bạn từng nghe câu này nhiều lần ở các đám cưới trong nhà thờ, lúc cặp vợ chồng lồng nhẫn cưới vào tay nhau, trước mặt những người chứng kiến.

Tôi nghĩ, ai bước vào hôn nhân cũng hiểu đó là sự gắn kết thiêng liêng, cũng quý trọng hôn nhân và người phối ngẫu, nào có ai muốn một ngày phải phản lại lời thề. Chỉ là, khi các nguyên tắc sống chung bị vi phạm, khi tình yêu thương, mục đích hôn nhân không còn, bất quá người ta mới nghĩ tới chia tay, tháo nhẫn cưới, đưa nhau tới tòa.

Thi thoảng tôi được ngắm trên Facebook tấm hình bạn bè chụp cha mẹ già. Những ông bà U80, U90 tay chân gân guốc cùng thời gian. Có người bạn đời đã đi xa cả vài chục năm, có người bạn đời đang kề bên chăm sóc.

Trên ngón áp út già nua của họ, luôn có chiếc nhẫn cưới bình yên, lấp lánh. 

Thảo Ca

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI