Chỉ mong có sức để giúp người nghèo

22/02/2023 - 06:42

PNO - Mỗi tuần, cô Cao Thị Mỹ Thanh (sinh năm 1955), Hội viên phụ nữ Khu phố 1 (phường 8, quận Tân Bình) đều đặn phát bánh mì cho người vô gia cư. Năm vừa rồi, cô bị dị vật vào phổi, phải vào bệnh viện 2 lần. Đã có gần 600 người đến thăm cô. Và đây là lần đầu cô cảm thấy tự hào về mình.

Thấy người nghèo, vô gia cư, cô thương quá

20g, cô Thanh hẹn tôi cùng đi lấy bánh mì trên đường Bàu Cát. Cửa hàng đông khách, nên chúng tôi phải đợi. Cô giải thích: “Cô sợ mua trước bánh bị mềm đi, không còn ngon nữa. Mỗi lần cô mua ở một tiệm khác nhau để ai cũng bán được”. Sau 30 phút, cô nhận được 60 ổ bánh mì thịt rồi chạy đến nơi sáng đèn để chia quà, mỗi phần là 1 ổ bánh mì thịt và 1 bịch bánh gạo. 

Cô Thanh trò chuyện cùng những người vô gia cư trên đường phố
Cô Thanh trò chuyện cùng những người vô gia cư trên đường phố

Khoảng 20g40, cô bắt đầu đi phát quà. Ở cái tuổi “thất thập” cô Thanh vẫn nhanh nhẹn băng qua những cung đường đông đúc xe cộ. Trước những mảnh đời côi cút, cô đều cẩn thận bước xuống xe, trao quà và hỏi han. “Con ra đây từ mấy giờ? Còn bao nhiêu tờ vé số? Đưa đây cô mua cho 5 tờ nha. Còn này là bánh mì, con cất đi, tối ăn nha” - cô Thanh nói với cậu bé mù bán vé số ngồi bên vệ đường. Trở lại nơi chiếc xe đang còn treo mấy túi bánh mì, cô nói thầm với tôi: “Thằng bé đó tội nghiệp lắm, nó bị mù, cứ chiều là ra ngồi ở đây bán cho tới sáng mới về”. 

Rẽ vào đường Lý Thường Kiệt, cô dừng lại trước người đàn ông đang nằm khuất sau một chiếc xe đẩy ve chai. Anh là Nguyễn Anh Long - 35 tuổi, ở Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp đã lâu. Hỏi chuyện thì được biết trước đây anh làm công nhân cho 1 công ty, nhưng công ty phá sản, ông chủ bỏ trốn nên mất hết giấy tờ tùy thân. Cùng đường, anh đi nhặt ve chai kiếm sống, đêm ngủ ngoài đường, ai cho gì ăn đó. Nghe câu chuyện, cô Thanh lấy ví, rút tờ 50.000 đồng dúi vào tay anh rồi dặn: “Con giữ mai mua đồ ăn sáng nha”. “Dạ con cảm ơn cô” - anh Long đáp. “Em biết ơn những người như cô lắm, không ngại đêm hôm, cực khổ để giúp đỡ tụi em, nhờ vậy tụi em mới có động lực để sống tiếp” - anh Long nói với tôi. 

22g, sau khi chạy hết cung đường Bàu Cát - Đồng Đen - Trường Chinh - Lý Thường Kiệt, số quà trên xe cô cũng đã hết. Cô thở phào rồi nói: “Thấy người nghèo, vô gia cư, cô thương quá, nên đã tự nghĩ ra cách mà làm thôi”. Tới nay đã được hơn một năm, mỗi tuần cô dành thời gian đi phát quà cho người vô gia cư 2-3 lần, mỗi lần từ 60-80 suất. Ngày nào không giúp đỡ được ai là cô cảm thấy trách nhiệm như chưa hoàn thành.

Tình yêu và cuộc sống

Chị Trịnh Thùy Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN phường 8, quận Tân Bình - chia sẻ: “Cô Thanh thì ai cũng biết, không chỉ Hội LHPN mà cả đoàn thể khác. Cô gần gũi, nhiều khi chẳng đợi mình ngỏ lời, cô đã chủ động liên hệ xem có cần giúp gì không”.

Ít ai biết rằng, trước đây cô Thanh cũng từng phải sống cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Rời Huế vào Quảng Ngãi làm dâu từ năm 1975, vợ chồng cô có 3 người con. “Cô thương chú vì chú thật thà, đức độ, chứ nhà chú ngày xưa rất nghèo” - cô kể. Rồi một lần nghe con gái thỏ thẻ: “Mẹ ơi, thầy giáo nói con không có tiền nhưng học giỏi, ba mẹ đừng cho con nghỉ học nha”. Nghe vậy, năm 1992 cô chú quyết khăn gói vào TPHCM làm lụng nuôi con.  

Vào thành phố, cô chú ở trọ, cô đi bán chè, còn chú đạp xích lô, hằng tháng tích cóp gửi tiền về nuôi con. Có lần, chú đi làm về mệt, buông câu rằng “người ta cho con đi ở mướn mỗi tháng được 200.000 đồng, còn cô lại cho con đi học hết”. Cô im lặng. Sáng hôm sau, cô nói với chú: “Sao anh không nghĩ con mình rồi sẽ có danh vọng, địa vị mà lại nghĩ con mình phải đi ở mướn. Nghĩ vậy là sai rồi đó”.

Sau hôm đó, cô càng quyết tâm hơn. Ngoài việc bán chè, cô còn làm hoa giả, đạp xích lô ban đêm… và nung nấu có tiền mua xích lô cho thuê lại. Sau 1 năm làm việc quần quật, cô thành chủ của 12 chiếc xích lô. Thông lệ, muốn thuê xe phải gác 1 chỉ vàng, nhưng với anh em miền Trung tha phương kiếm sống cô đều cho thuê miễn phí, mỗi tháng có thêm thu nhập 1,2 triệu đồng. Được đà, cô mon men học thêm nghề kinh doanh nhà đất, buôn bán giường massage… và phát triển cho đến hiện tại. 

Năm 2007, sau khi chồng mất và con cái đã trưởng thành, cô bắt đầu tham gia các hoạt động từ thiện. “Ngày xưa mình cũng nghèo, rất đau khổ, nên bây giờ khá lên rồi mình cứ cho đi” - cô nói. Mỗi năm, cô chi hàng trăm triệu đồng để tặng học bổng, mua nhu yếu phẩm, thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện sinh kế… cho những hoàn cảnh khó khăn. Trong đợt dịch COVID-19, cô một mình lái xe đi khắp các tuyến đường để hỗ trợ thực phẩm cho người dân với kinh phí gần 300 triệu đồng. 

“Năm vừa rồi, cô bị dị vật vào phổi, phải vào bệnh viện 2 lần, cắt hết một bên phổi. Đã có gần 600 người đến thăm cô. Và đây là lần đầu cô cảm thấy tự hào về mình. Người ta gọi đó là tình yêu và cuộc sống” - cô cười hạnh phúc. Ra viện được 10 ngày cô đã phát bánh mì trở lại, bởi tâm nguyện của cô là “sáng làm - chiều cho” và chỉ mong có sức giúp người nghèo, chứ không mong mình giàu có. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI