Chạy thận cho người ở nơi bị cách ly, phong tỏa ra sao?

23/06/2021 - 07:10

PNO - Người bị suy thận mạn tính phải lọc máu là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nếu không may bị lây nhiễm sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bỗng một ngày trước nhà bị giăng dây, phong tỏa do có ca nghi nhiễm COVID-19, người mắc suy thận mạn tính loay hoay tìm nơi chạy thận. Trước tình trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) thành lập khu chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn đang sống trong khu vực phong tỏa, hoặc những bệnh nhân là F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hoặc chưa có kết quả xét nghiệm và chưa có triệu chứng.

Khu chạy thận cho người ở điểm phong tỏa

Những ngày qua, khu vực nhà bà P.T.K. (82 tuổi, ở Q.Bình Tân) bị phong tỏa, vì có ca nghi nhiễm COVID-19. Nhìn sợi dây trắng đỏ giăng trước nhà, con gái bà lo lắng không yên: “Mẹ tôi bị suy thận mạn tính nhiều năm nay, cứ cách ngày phải chạy thận. Vừa thấy giăng dây, tôi đã gọi bác sĩ ở bệnh viện mẹ tôi điều trị. Bác sĩ nói sẽ tìm cách. Tôi sợ lắm, ngoài suy thận, mẹ tôi còn nhiều bệnh người già khác”.

Bệnh nhân và nhân viên y tế  tại khu chạy thận cách ly  phải mặc đồ bảo hộ  trong suốt quá trình chạy thận ẢNH: PHẠM AN
Bệnh nhân và nhân viên y tế tại khu chạy thận cách ly phải mặc đồ bảo hộ trong suốt quá trình chạy thận - Ảnh: Phạm An

Mới một ngày không chạy thận, bà K. thấm mệt, sức khỏe ngày càng suy yếu. Nhân viên y tế thăm khám biết chuyện liền báo về trung tâm y tế địa phương, chuyển bà K. đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu. Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo của bệnh viện, cho biết khi được chuyển đến, bà đã bị phù phổi, thở mệt phải cấp cứu ngay. Do ở khu vực phong tỏa nên bà K. thuộc đối tượng nguy cơ, xe cấp cứu phải đưa thẳng bà đến phòng áp lực âm chạy thận. Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, vừa hồi sức, thực hiện chạy thận vừa lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho bà.

Sau khi chạy thận, sức khỏe bà K. ổn định trở lại, kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2. Bệnh viện cũng làm hồ sơ, tiếp nhận bà chạy thận định kỳ ở khu chạy thận dành cho đối tượng nguy cơ.

Đang trên đường đến bệnh viện chạy thận, anh H.V.T. (28 tuổi, ở Q.Gò Vấp) được vợ gọi điện thoại báo tin gần nhà có ba ca nghi nhiễm COVID-19, cơ quan chức năng đang thực hiện phong tỏa. Bỏ kỳ chạy thận, anh quay xe về phụ vợ chuẩn bị. Qua hôm sau, anh đến bệnh viện khai báo y tế, được test nhanh COVID-19, nhưng bệnh viện chưa bố trí được buồng chạy thận cho đối tượng nguy cơ. Anh buộc phải về nhà.

“Tôi chịu thêm ba ngày, người sưng phù, mệt lắm. May mắn lúc đó, bác sĩ điều trị cho tôi nói khu chạy thận Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã hoạt động, tôi có thể chạy thận ở đó. Tôi tiếp tục gọi cho “bạn thận” (bệnh nhân suy thận - PV) ở chung dãy nhà xin đi chạy thận”, anh T. kể. 

Sẽ có thêm buồng cách ly chạy thận

Bác sĩ Từ Kim Thanh cho biết, tuy khu chạy thận cho đối tượng có nguy cơ mới đi vào hoạt động nhưng đã có hiện tượng quá tải. Bởi những ngày qua, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các điểm phong tỏa, cách ly tại TPHCM hầu như không có điều kiện lọc thận. Thậm chí, có bệnh nhân ở H.Cần Giờ và tỉnh Long An cũng được chuyển đến. Thời gian đầu, các bác sĩ phải liên tục cấp cứu cho bệnh nhân do lâu ngày người bệnh không được chạy thận, tình trạng sức khỏe rất xấu. Nếu không được lọc máu kịp thời, bệnh nhân phù phổi, các chất độc tích tụ, suy hô hấp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. 

Để được lọc thận, bệnh nhân suy thận mạn tính từ các khu cách ly, phong tỏa phải được chuyển đến khu chạy thận cách ly bằng xe chuyên dụng theo lối đi riêng, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 và mặc đồ bảo hộ trong suốt quá trình chạy thận. Công tác trung chuyển bệnh nhân từ khu cách ly, phong tỏa về bệnh viện bảo đảm việc khử khuẩn; có đồ bảo hộ cho người bệnh, người trung chuyển, bác sĩ tiếp nhận chạy thận; phun khử khuẩn xe và người bệnh sau khi hoàn tất.

“Với mười máy chạy thận nhân tạo, khu chạy thận cách ly làm hết công suất sẽ phục vụ 80 bệnh nhân suy thận mỗi ngày. Hiện tại, sau nửa tháng chạy thận cho bệnh nhân suy thận mạn tính, các bệnh nhân đã dần hồi phục, ổn định. Để tránh tình trạng quá tải, ở những nơi được gỡ phong tỏa, bệnh nhân sẽ tiếp tục được về chạy thận tại bệnh viện tiếp nhận ban đầu, nhường máy cho người bệnh tại khu phong tỏa mới”, bác sĩ Thanh nói.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả bệnh viện có khoa chạy thận nhân tạo tiếp tục triển khai chạy thận. Song song đó, phải dành ra một số giường riêng biệt để tiếp nhận những người ở khu cách ly đến chạy thận. Hiện tại, một số bệnh viện đang khẩn trương lắp đặt thêm buồng cách ly trong khu chạy thận để phục vụ bệnh nhân. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ người bệnh lọc máu mắc COVID-19 diễn biến nặng và nguy kịch khoảng 16-20%. Tại Đà Nẵng, năm 2020 ghi nhận 46 bệnh nhân suy thận dương tính với COVID-19, trong đó có 26 người bệnh tử vong (56,5%). Riêng tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, đã tiếp nhận và điều trị 38 bệnh nhân suy thận dương tính với COVID-19, số người tử vong là 12 (31,%).

Cả nước hiện có 374 trung tâm thận nhân tạo và hầu hết các trung tâm nằm trong bệnh viện. Việc đảm bảo cung cấp dịch vụ lọc máu cho người bệnh lọc máu tại các cơ sở khám chữa bệnh cần sự tổ chức, nhất quán và chuẩn bị sẵn sàng với sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Phạm An
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI