Chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:Những cán bộ Hội “nhiều giỏi”

03/11/2021 - 18:00

PNO - Công việc của Hội Phụ nữ từ cấp thành xuống chi tổ Hội luôn được tiếp nối hết phong trào này đến hoạt động khác, đòi hỏi các chị luôn năng động.

Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 tại thành phố kéo dài, nên công tác Hội tại nhiều quận, huyện cũng đã ưu tiên cho phòng, chống dịch. 

Đạt nhiều kết quả nhờ lực lượng cán bộ Hội giỏi
Chúng tôi gặp lại chị Lê Nguyễn Anh Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chợ Thiếc, Q.11, khi chị đồng hành cùng cán bộ Hội trao tặng 15 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện học trực tuyến. Cách chị trao quà, lắng nghe câu chuyện của các em rồi động viên từng em nhỏ đầy yêu thương. 
Chị Anh Thơ kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống. Khi chợ tạm đóng cửa vì dịch, công việc của chị cũng tạm ngưng. Số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao, tình trạng thiếu thực phẩm những ngày đầu giãn cách xã hội khiến chị lo lắng, mất ăn mất ngủ. Thế rồi chị quyết định dành toàn bộ thời gian cho việc tham gia phòng, chống dịch với Hội Phụ nữ quận nhà.

Với 18 năm kinh doanh tại chợ, chị kết nối và giúp Hội giải bài toán khó về hàng hóa thực phẩm khi các chợ đều tạm ngưng hoạt động. Mỗi ngày chị dậy từ 3 giờ sáng để kết nối, tiếp nhận, vận chuyển thực phẩm. Hừng sáng, chị trở về Quận Hội cùng chị em chế biến cơm nước cho hai khu cách ly và năm chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Ngoài ra, khi thực phẩm hỗ trợ được chuyển đến, dù đêm khuya hay sáng sớm, chị đều có mặt để tiếp nhận, khuân vác, phân chia và chuyển đến người dân sớm nhất có thể. 
Ngoài góp công, chị Anh Thơ còn đóng góp một tấn gạo để hỗ trợ 100 gia đình hội viên phụ nữ khó khăn, kết nối hỗ trợ nhiều chuyến rau củ quả cho các khu phong tỏa, khu dân cư còn nhiều khó khăn.
 

Chị Tuyết Mai và chị em phụ nữ Q.11 tham gia may 6.000 chiếc khẩu trang tặng bà con
Chị Tuyết Mai và chị em phụ nữ Q.11 tham gia may 6.000 chiếc khẩu trang tặng bà con

Cũng với suy nghĩ phải góp chút gì đó vào việc phòng, chống dịch như chị Anh Thơ, trong hai năm 2020 - 2021, chị Võ Thị Tuyết Mai - cán bộ Hội P.15, Q.11 - đã vận động nhiều chị em hội viên phụ nữ cùng may 6.000 khẩu trang để phát miễn phí cho bà con ở phường. Khi dịch bệnh ngày càng phức tạp mà người dân thì vẫn chủ quan, chị Tuyết Mai đã đi gõ cửa từng nhà để phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện 5K, vận động mọi người thực hiện việc giãn cách “Ai ở đâu ở yên đó”. Rồi dịch bùng phát, chị Tuyết Mai lại vận động thành lập đội tình nguyện trực chốt kiểm dịch ngay tại chung cư 319 Lý Thường Kiệt và cùng các tình nguyện viên, cán bộ phụ nữ lăn xả với các hoạt động phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.11 - cho rằng, nhờ lực lượng cán bộ Hội giỏi như chị Anh Thơ, chị Tuyết Mai… mà công tác phòng, chống dịch của Hội LHPN Q.11 thời gian qua đạt nhiều kết quả.

Hết giãn cách, mình lại trồng hoa

Dẫn chúng tôi đi qua tuyến đường 456 - 457, ấp Chợ, xã Trung An, nơi có những luống hoa mười giờ đang nở rộ ven đường, chị Nguyễn Thị Dạ Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung An, H.Củ Chi - cho biết, bà con rất phấn khởi từ khi hẻm được bê tông hóa. Để giữ cho tuyến đường luôn được khang trang, sạch sẽ, chị Dạ Thảo vận động và lắp đặt 20 thùng rác công cộng để người dân bỏ rác đúng quy định và dễ dàng cho công tác thu gom. Ngoài ra, để xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp, năm 2020 Hội Phụ nữ đã vận động hội viên phụ nữ ấp Chợ trồng hoa mười giờ cho cả con hẻm với chiều dài khoảng 300m. Nhờ vậy mà đường không còn rác, hoa cũng nhanh chóng rực rỡ sắc màu. Mô hình này dự định sẽ được nhân rộng ra nhiều con đường, con hẻm khác, nhưng dịch COVID-19 khiến kế hoạch phải gác lại để tập trung cho các công tác hậu phương phòng, chống dịch.

Trong dịch, số ca F0 phải cách ly tại địa phương có lúc lên đến 1.000, Hội Phụ nữ xã Trung An phải tổ chức bếp ăn để hỗ trợ từ vài trăm cho đến cả ngàn suất ăn mỗi bữa. Bù đầu với “chuyện bếp núc” nhưng các chị em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để tổ chức các hoạt động chăm lo an sinh cho cán bộ, hội viên và người dân khó khăn trên địa bàn, nhất là các khu nhà trọ công nhân, với hơn 1.000 phần quà. 

Chị Thảo (Bên trái) và các chị em cùng chia rau xanh về các khu cách ly trong những ngày xã Trung An bùng phát dịch bệnh
Chị Thảo (bên trái) và các chị em cùng chia rau xanh gửi đến người dân ở các khu cách ly trong những ngày xã Trung An bùng phát dịch bệnh

Hội Phụ nữ xã cũng đã cùng ban chủ nhiệm câu lạc bộ nhà trọ vận động các chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với người thuê trọ bằng cách miễn giảm tiền thuê phòng. Đã có hơn 250 phòng trọ thực hiện giảm 100% giá thuê, 3.200 phòng giảm giá từ 50% trở xuống, với tổng số tiền miễn giảm trong ba tháng dịch bùng phát lên tới 4,6 tỷ đồng. 

Dịch đã lắng xuống, trong những ngày bình thường trở lại, nhiều chi hội phụ nữ tại xã Trung An lại tái khởi động việc trồng hoa. Chị Dạ Thảo chia sẻ: “Tôi mới vào làm công tác Hội từ tháng 5/2020. Phong trào Hội đúng là quá nhiều và đến hiện tại tôi vẫn chưa nắm hết. Nhưng tôi nghĩ, nhiệm vụ nào cũng vậy, chỉ cần làm được những việc cụ thể, phục vụ thiết thực cho người dân thì tôi làm”. 

Song An

Nhiều phương thức giúp chị em phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống

Từ năm 2016 - 2021, tại H.Củ Chi, chương trình trợ vốn cho phụ nữ đã phát huy hiệu quả, phần nào đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho chị em. Theo đó, hơn 58.000 lượt phụ nữ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 486 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn tiết kiệm, vốn ủy thác… Hội phối hợp thành lập mới 12 cửa hàng liên kết, nâng tổng số cửa hàng liên kết lên 32, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn.

Tại Q.11, chương trình trợ vốn tín dụng tiết kiệm cũng được mở rộng đến nhiều đối tượng như người dân tộc, khuyết tật, thương nhân, doanh nhân vừa và nhỏ… Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 41 tỷ đồng cho hơn 4.500 hội viên phụ nữ và nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn hơn 65 tỷ đồng. Phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được các cấp Hội duy trì liên tục 26 năm, thông qua nhiều hình thức như nuôi heo đất, góp vốn xoay vòng… nhằm huy động nội lực tại chỗ của chị em. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI