Ao ước chợ đầu mối được hồi sinh

01/11/2021 - 06:13

PNO - Ngày 1/11, chợ đầu mối Bình Điền sẽ hoạt động bình thường trở lại. Đây là niềm vui và ao ước của biết bao phận đời gắn liền với chợ.

 Trong những tháng ngày khó khăn qua, vì cuộc sống, nhiều chị em vốn là người làm công cho các sạp kinh doanh ở khu chợ đầu mối này đã “đánh liều” ra đường buôn bán về đêm. Công việc đã cơ cực lại càng thêm nhọc nhằn khi phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và những rủi ro.

Ở không hoài tiền đâu mà sống

Ngày 23/10, hơn 0 giờ, bốn chị em chị N.X.V. sắp xếp lại mấy túi rau rồi cất giọng lảnh lót: “Cải ngọt, cải xanh, ai rau cải hôm? Mười ngàn một ký. Mua dùm em đi anh chị ơi…”. Những tiếng rao thay nhau cất lên hòa trong đêm nhưng không thấy có người dừng lại. Chị V. than thở: “Mỗi ký lời chỉ một, hai ngàn đồng. Ba bốn chị em ra ngồi dưới đường từ 17 giờ đến 5 giờ sáng, hôm nào bán đắt thì kiếm được khoảng 500.000 đồng. Nhưng có đêm chẳng có lời mà còn lỗ, vì khách mua trả không bằng giá vốn. Rau ế thì mang về cho hoặc bỏ. Đã vậy, có hôm còn bị lực lượng quản lý… hốt hết rau”.  V. chép miệng: "Thì mình sai đi lấn chiếm lòng đường mà, phải chịu thôi". 
Bốn chị em chị V. rời quê nhà Cần Thơ lên TP.HCM làm thuê cho các chủ sạp trong chợ đầu mối Bình Điền. Dịch COVID-19 bùng phát khiến cả bốn người mắc kẹt trong căn nhà chưa đầy 30m2 thuê ở tại P.7, Q.8. Trước dịch, cả bốn người ai cũng có việc nên cuộc sống tương đối dễ thở mà vẫn còn dành dụm gửi về quê lo cho cha mẹ già. Gần đây, không có việc làm nên cả bốn người bàn nhau “tạm” xuống đường bán rau chờ ngày chợ được mở cửa hoàn toàn.  

Cũng rời quê hương Bạc Liêu lên thành phố làm thuê cho các chủ sạp ở chợ Bình Điền rồi bị rơi vào cảnh thất nghiệp vì chợ đóng cửa, hơn nửa tháng qua, dù vẫn lo sợ dịch, nhưng chị H.K.T. (52 tuổi) “đánh liều” đi bán thức ăn khuya. 17 giờ, từ phòng trọ tại Q.8, chị T. xếp 30 hộp cơm, 30 hộp bánh ướt vào thùng nhựa đặt lên xe máy và bắt đầu một ngày mưu sinh. Gần 9 tiếng rong ruổi qua các tuyến đường, tuyến hẻm quanh chợ Bình Điền, chị T. mới bán được một nửa số cơm và bánh cuốn. 

Bốn anh em chị N.X.V. ngồi chờ khách tới mua rau trong đêm
Bốn anh em chị N.X.V. ngồi chờ khách tới mua rau trong đêm

Hai giờ sáng, ra khỏi đường Quản Trọng Linh chừng trăm mét, chị cho xe lên lề để nghỉ mệt nhưng vẫn tranh thủ rao hàng. Một anh khách tấp vào mua hai hộp cơm và hỏi thăm: “Bán đêm lời dữ không mà đi lông nhông không sợ dịch à?”. Chị T. đáp: “Sợ cũng phải đi. Ở không hoài tiền đâu mà sống. Ngày chỉ kiếm được hơn trăm ngàn. Nhiều khi chủ trọ tới đòi tiền nhà cũng đâu có đóng. Làm ngày nào ăn ngày nấy. Đêm nay không biết có ra được đồng nào không mà đã chạy hết 50.000 đồng tiền xăng rồi”.

Chị T. tâm sự, ba năm trước chị đã dồn phần lớn tiền dành dụm được lo mổ tim cho chồng. Dịch bệnh bùng phát, vừa lo cho chồng, vừa nuôi con ăn học, lo tiền nhà, chị thật sự đuối. Bây giờ thì chị rơi vào cảnh “làm ngày nào xào hết ngày đó”. Chị em hàng xóm thấy quá khổ, cho mượn 2 triệu đồng vào lúc dịch mới bùng, nhưng tới nay chị vẫn chưa có tiền trả.

Chỉ mong chợ đầu mối hoạt động bình thường trở lại
Đêm 28/10, chúng tôi trở lại cung đường lúc nửa đêm. Khung cảnh vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Các chị kháo nhau: “Sắp bình thường trở lại rồi!”. Nhưng một chị đẩy xe nước giải khát chép miệng không tin tưởng: “Cũng chưa biết đâu. Nghe nói chợ Hóc Môn mới mở cửa đã có người nhiễm COVID-19 nữa rồi đó”. 

Bốn anh em chị N.X.V. cũng đã đưa rau xuống đường mời chào khách. Cách đó chừng 500m, chị H. vừa bấm điện thoại vừa đảo mắt canh chừng. Trên lề đường, cô con gái nằm lọt lưng vào chiếc giỏ nhựa ngủ ngon lành. Cạnh đó là mấy chiếc xe ba gác. Bán buôn lề đường thường phải có xe ba gác để khi cần thì chất hàng lên xe, di chuyển. Nếu không, sẽ bị hốt hết hàng, đứt vốn. “Biết là dịch bệnh vẫn còn, nhưng không làm thì lấy gì sống” - chị H. ngậm ngùi.

Kể từ khi thành phố nới lỏng giãn cách, chợ Bình Điền dù đã mở cửa nhưng vẫn còn giới hạn từ 30% - dưới 50% tiểu thương kèm theo các điều kiện kiểm soát dịch. Để mưu sinh, nhiều nữ lao động nghèo, trước đây đi làm thuê trong chợ đầu mối Bình Điền, nay thất nghiệp đành ra đường bán rau kiếm sống. Họ lấy rau trong các nhà vườn ở Bình Chánh và mang ra đường bán lẻ cho những người đi đường, khách mua chủ yếu là những người lao động sau giờ làm đêm. Công việc bắt đầu từ 17 - 18 giờ kéo dài đến 5 - 6 
giờ sáng. 

“Cuộc sống của chúng tôi cũng gắn liền với chợ nên chỉ mong chợ được hoạt động bình thường trở lại để chúng tôi có việc làm ổn định. Chủ có bát cơm thì mình cũng có bát cháo qua ngày. Chứ vừa bán vừa lo bị rượt đuổi như thế này, chúng tôi hồi hộp lắm, và cũng cảm thấy có lỗi với các lực lượng chức năng phòng, chống dịch” - chị V. ao ước. 

Phạm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI