Chẳng còn sợ nhà chồng

23/11/2021 - 06:00

PNO - Bà con hàng xóm xầm xì, bảo mẹ sao quá dễ tính, ít ra phải nhắc nhở con dâu ở lại nhà vài bữa, phụ dọn dẹp và làm quen cuộc sống nhà chồng.

Trước đám cưới, mẹ nói mẹ vốn dễ tính, sẽ tạo điều kiện thật thoải mái cho con dâu khi về sống cùng, con dâu không cần lo lắng, nhà chồng cũng giống như nhà mẹ đẻ.

Con dâu thích tự lập, vẫn muốn hai vợ chồng được ở riêng cho thoải mái. Mẹ cười bảo hai đứa cứ làm theo ý thích, miễn sao vợ chồng hạnh phúc là được.

Tiệc cưới vừa tan, hai đứa chào cha mẹ, chở nhau đến ngôi nhà nhỏ thuê gần công ty. Bà con hàng xóm xầm xì, bảo mẹ sao quá dễ tính, ít ra phải nhắc nhở con dâu ở lại nhà vài bữa, phụ dọn dẹp và làm quen cuộc sống nhà chồng. Mẹ gạt đi, cứ để các con tự chọn lựa cách sống mà chúng muốn. Thời trẻ mẹ đã làm dâu cực nhọc và tù túng nên không thích những chuyện tương tự lặp lại.

Hai vợ chồng đều có công việc ổn định, sống hòa hợp và năng động, ngày đi làm, chiều cùng đến phòng tập thể dục, tối nấu ăn, xem phim.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Mẹ chồng nói xưa bà làm dâu cực nhọc tù túng nên không muốn điều ấy lặp lại. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Cuối tuần, chồng chở vợ đi chơi xa hoặc thỉnh thoảng đến thăm cha mẹ hai bên. Cuộc sống vợ chồng son vô tư vô lo suôn sẻ diễn ra trong hơn một năm, cho đến khi vợ sắp sinh. Hai đứa quả quyết, ở phương Tây cha mẹ tự lo cho con cái, không ai phiền đến ông bà.

Vợ chồng vừa sắm sửa chuẩn bị cho ngày con chào đời vừa lên kế hoạch những việc phải làm sau đó. Vợ nghỉ hậu sản chăm sóc con, chồng vừa đi làm vừa lo việc chợ búa, nấu ăn. Mọi việc quanh đi quẩn lại cũng chỉ nhiêu đó, có gì khó đâu.

Công ty làm ăn sa sút, thu nhập của chồng và đồng nghiệp giảm dần. Muốn tìm một công việc khác trong lúc này thật không dễ. Con sinh thiếu tháng, bị chứng trào ngược, đêm thường quấy khóc. Vợ thức chăm con đến mỏi mòn, nhờ chồng luân phiên phụ giúp. Một đêm thức dậy mấy lần, ngày nối ngày, chồng kiệt sức, thường đến công ty với vẻ mệt mỏi bơ phờ.

Có đêm vừa tranh thủ chợp mắt một chút vợ đã lay dậy, bảo bị tắc sữa, đang sốt. Con khát sữa khóc đòi, mẹ nhăn nhó than đau. Sinh con đầu lòng chưa có kinh nghiệm, hai đứa hốt hoảng, không biết phải làm sao, con dâu liền gọi điện về nhà mẹ chồng cầu cứu. Nửa đêm, mẹ hối hả đón xe đến thăm cháu và con dâu.

Sau lần vợ tắc sữa, gia đình nhà vợ ở quê cũng khuyên vợ chồng trẻ dọn về sống cùng mẹ chồng để được hỗ trợ.

Vợ vẫn lưỡng lự, chưa muốn quyết định, dù chồng ra sức thuyết phục. Chồng vẽ ra viễn cảnh tương lai gần, khi vợ hết thời gian được nghỉ chăm sóc con. Lúc đó, ai sẽ lo cho đứa trẻ? Không thể gửi con đến nhà trẻ khi còn quá nhỏ, cũng không đủ khả năng thuê mướn một người trông trẻ tại nhà. Hơn nữa, để bà nội giúp trông nom cháu có phải yên tâm hơn một người xa lạ hay không?

Cân nhắc một thời gian, cuối cùng vợ đồng ý dọn về nhà chồng. Ngày đầu tiên, mẹ nấu mấy món lợi sữa, bảo con dâu ráng ăn thật nhiều rồi ngủ một giấc dài. Mẹ nói ngủ mới có sữa nhiều cho cháu. Trong khi người mẹ trẻ ngủ say, đứa nhỏ cũng yên ấm trong vòng tay bà.

Chồng nhìn cảnh đó, thở phào rồi ngả lưng ra giường. Thật sự lâu rồi cả hai vợ chồng đều chưa được đủ giấc. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Không ngờ ở với mẹ chồng, con dâu và con trai đều sung sướng. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Về với mẹ, con dâu được ăn nhiều món ngon hơn, có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc phục hồi vóc dáng. Sau gần hai năm kết hôn cô mới thật sự hiểu được cảm giác sống ở nhà chồng. Lúc đầu, cô có ý tránh né bởi vì sợ phải làm dâu, sợ không hòa hợp, sợ sống cùng một nhà lâu ngày sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Bây giờ cô mới biết, cha mẹ nào cũng thương con cái, nhà chồng cũng như nhà mẹ đẻ, ban đầu bỡ ngỡ, sau quen dần thành nếp mà thôi. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI