Champasak níu chân

20/10/2019 - 06:57

PNO - Trở về từ Champasak sau hành trình năm ngày, thương nhớ cứ bám lấy tôi. Tôi vẫn như rơi vào nhịp sống chầm chậm, thong thả mà hiền hòa của những con người phía tây nam Lào. Đầu lưỡi tôi vẫn còn vương những món ăn cay xé.

Quấn quýt trong đầu tôi là hình ảnh Wat Phou lừng lững mà kỳ bí… 

Ăn thương, ăn nhớ

“Cay quá! Ngon quá!” - vừa hít hà, nhóm chúng tôi vừa tiếp tục thưởng thức các món đặc sản Lào ở chợ Đào Hương - Paksé. 

Champasak niu chan
 

Đã là ngày thứ tư trong hành trình, vậy mà hình như cả đoàn vẫn còn bị món xôi Lào cuốn hút. Những hạt nếp nhìn tưởng như khô khốc, rời rạc, bốc không dính tay, vậy mà bỏ vào miệng thì ôi thôi, sao cứ dẻo, mềm và thơm đến lạ kỳ. Ăn kèm với xôi là bao món gây thương nhớ khác. 

Xôi Lào ăn với thịt bò khô, thịt gà chấm với chéo cay. Trong đó, chéo là hỗn hợp của ớt tươi hoặc khô, mắc khén, tỏi trộn chung muối và ít bột ngọt, giã đều cho các thức quyện nhau sền sệt. Có khi không cần gà hay bò khô, cứ miếng xôi nho nhỏ trong tay, chấm chút chéo, đưa vào miệng là vừa ăn vừa khen… 

Chị bán xôi trong quầy ăn của chợ Đào Hương dặn chúng tôi hãy nhai thật chậm và nuốt từ từ. Chị nói: “Như vậy mới đúng cách ăn của người Lào, mới cảm nhận được hết hương thơm và vị ngọt tự nhiên của nếp, của khô bò gác mái, của cánh gà đồng nướng sả gừng…”. 

Không chỉ có xôi, mà các món ăn Lào ở Champasak thường dùng các gia vị như gừng, sả, me, lá chanh và đặc biệt là ớt. Món nào cũng có ớt, nhất là món lạp và Tam Maak Hung. 

Anh Quang, hướng dẫn viên của đoàn, cho biết đây là hai món ăn truyền thống của Lào. Trong đó, Tam Maak Hung là món ăn gần như không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Thực chất đây là món nộm đu đủ xanh kiểu Lào. Không chỉ có đu đủ, món nộm này còn gồm cà pháo muối, đậu đũa xanh cắt khúc, ớt giã trộn cùng hàng chục loại gia vị khác.

Champasak niu chan
Nộm đu đủ Tam Maak Hung khiến du khách cứ vừa ăn vừa than “cay quá, ngon quá”

Ở Lào, dù là bữa cơm nào, ở nhà nào, bạn cũng sẽ gặp Tam Maak Hung dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Bởi vậy, năm ngày trên đất Lào, chúng tôi đã nếm hàng chục loại Tam Maak Hung từ vỉa hè, trong chợ cho đến nhà hàng sang trọng.

Nếu như bạn có thể ăn Tam Maak Hung ở bất cứ nơi đâu thì ngược lại, chỉ khi vào bữa tiệc, bạn mới được mời dùng lạp. Theo người Lào, lạp có nghĩa là may mắn. Món lạp được làm từ thịt của các loài động vật, từ gà, trâu, bò hoặc hươu. Thịt được băm nhuyễn, trộn các loại rau thơm, bạc hà xắt nhỏ, ngâm với mật ong; khi ăn, kẹp lạp cùng rau húng, ngò gai, món ăn mới ngấm vị, đậm đà…

Champasak niu chan
Món lạp heo chúng tôi được mời trong một bữa tiệc

Chúng tôi gọi những bữa ăn ở Champasak là những lần ăn thương, ăn nhớ bởi phong cách ẩm thực vừa gần giống mùi vị quê nhà, lại có vị cay nồng kèm nhiều mùi thơm. Mỗi bữa ăn là một lần được học về văn hóa nước bạn. Rằng trong bữa cơm, dù nhiều hay ít, bạn đều phải ăn mỗi món một chút cho gia chủ vui lòng. Rằng khi ăn xong, trên chén, trên dĩa, ở bàn nên còn lại một ít cơm, xôi để tượng trưng cho sự no đủ, thừa thãi cơm gạo… 

Hút hồn dấu xưa Wat Phou

Champasak là một tỉnh lớn nằm ở phía tây nam Lào, giáp biên giới Thái Lan và Campuchia. Tương truyền, 1.400 năm về trước, Champasak đã là một lãnh địa hùng mạnh trong lưu vực hạ sông Mekong. Từ thế kỷ I đến thế kỷ IX, Champasak là đất của vương quốc Funan và Chenla…

Năm 1946, vương quốc Lào ra đời và Champasak trở thành tỉnh rộng nhất của Lào. Năm 1975, nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời và Champasak vẫn là một tỉnh dưới thể chế mới. Ngày nay, Champasak là một trong 18 tỉnh và là tỉnh có diện tích lớn nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Champasak niu chan
 

Với lợi thế hai dòng sông lớn là Mekong và Se Don cùng chảy qua, Champasak được thiên nhiên ưu đãi về phong cảnh hữu tình. Nơi đây còn gắn liền với hai dòng thác nổi tiếng là Lì Phí và Khone Phapheng. Tuy nhiên, khi nhắc đến Champasak, người ta lại ấn tượng nhất với Wat Phou, quần thể đền đài cổ xưa và kỳ bí. 

Buổi sáng hôm ấy, từ Paksé, trung tâm tỉnh Champasak, vượt gần 30km, chúng tôi là những người đến Wat Phou sớm nhất. Ngay khi cổng viện bảo tàng nhỏ dưới chân núi Voi vừa mở cửa, hướng dẫn viên đã ngỡ ngàng vì những vị khách đến sớm.

Các hướng dẫn viên đưa chúng tôi tham quan một vòng viện bảo tàng, giới thiệu về quần thể Wat Phou. Trước những trụ đá, pho tượng, đồ trang sức cùng nhiều vật dụng hằng ngày được khai quật và bảo tồn, chúng tôi chợt ngỡ ngàng: sao người xưa tài giỏi đến thế! Nếu đã đến các tháp Chăm, bạn sẽ không lạ chút nào khi nhìn những tượng linga - yoni khổng lồ được trưng bày tại bảo tàng.

Thế nhưng, bạn sẽ có cảm giác không thể nào tin nổi những vật trang sức bằng vàng, bạc nạm ngọc vô cùng tinh xảo kia được làm cách nay mười mấy thế kỷ. Nơi đây còn đó những cột hoa văn bằng đá to cả một người ôm đầy tinh xảo cùng nhiều hiện vật có giá trị lịch sử khác… Những di vật này được nhiều nhà khảo cổ khẳng định rằng còn có trước những di vật tương tự ở Angkor Wat.

Champasak niu chan
Đường lên Wat Phou

Theo lời hướng dẫn viên, Wat Phou từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Vào thế kỷ XIII, Wat Phou trở thành đền thờ Phật giáo, tồn tại đến nay và mang giá trị lịch sử, văn hóa đậm chất Lào.

Sau khi được nghe giới thiệu đôi nét về Wat Phou, chúng tôi lên xe tiến về đền tháp. Xe vừa chạy men dòng Mekong, trên xe đã đầy tiếng à ồ trước cảnh đẹp. Xung quanh chúng tôi là núi non xanh biếc. Hai bên là hai mặt hồ rộng và phẳng lặng với những bóng cây tạo dáng đẹp đến ngẩn ngơ. Xe càng chạy sâu vào chân núi Voi, khung cảnh càng trở nên kỳ vỹ. Thấp thoáng xa xa, những trụ đá hình tháp búp sen kéo dài trải dọc theo lối vào đền. 

Wat Phou quá đẹp! Bao bọc xung quanh di tích này là khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong với tên Siphandone. Quần thể này có nhiều dấu tích văn minh cổ với các di tích lâu đài bằng sa thạch, chùa chiền, đền thờ Phật giáo Nam tông. 

Sau khi chụp ảnh thỏa thích ở những lối vào, bia đá quanh đền, chúng tôi theo hướng dẫn viên bắt đầu lên đỉnh núi Voi. 

Qua cổng vào, chúng tôi đi theo con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hàng trụ đá hình linga, cũng chính là biểu tượng của thần Shiva. Mặt đường được lót những tảng đá phẳng. Cuối con đường hiện ra hai ngôi đền chính, hướng về phía đông và đối xứng với nhau nằm trên một gò đất cao. Cả hai ngôi đền này hiện đang được trùng tu. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá. 

Champasak niu chan
Du khách mua tháp hoa và chim lên đỉnh tháp thiêng dâng cúng Phật và thả cầu may

Khu đền thượng được xây dựng ở lưng chừng núi. Đường lên khu đền thượng cũng là các bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn khá cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi, nơi những người thợ tài hoa xưa đã tạc nên những bức tượng lớn nhỏ đa dạng…

Bước chân trên những tảng đá vuông, dày xếp chồng nhau trên lối lên đền thượng, tôi tự hỏi không biết những người phu đưa đá từ chân núi lên đỉnh núi Voi này đã phải mất bao nhiêu mồ hôi và xương máu. Rằng những nghệ nhân tài hoa nào đã kỳ công chạm khắc những hoa văn đẹp đẽ đến nhường kia, để sau ngàn năm vẫn còn in rõ dấu? 

Sau khi vượt lên đền thượng, vốc tay khỏa nước ở suối thiêng rửa mặt để cầu may như nhiều du khách khác, tôi thả bước trở về… Ngồi ở bậc thang giữa lưng chừng núi, sau lưng là đền thượng, tôi ngập trong ngan ngát hương hoa chăm pa cuối mùa. Chợt như nghe trong vi vu tiếng gió, ở phía xa xa kia trước dãy tháp thiêng lừng lững là rập rờn hình bóng các trinh nữ trong điệu múa Apsara… 

Bước chân trên những thảm cỏ mềm mướt xanh, ngước nhìn những mảng tường đá xám bám đầy rêu phong, tôi bỗng thấy mình như ngơ ngẩn. Dấu xưa Wat Phou kỳ vĩ cứ thế hút hồn…

Anh hướng dẫn nói chúng tôi kém may vì không đi đúng mùa lễ hội của đền (lễ hội thường kéo dài 3 đến 5 ngày từ sau 15 tháng giêng âm lịch hằng năm), bởi dịp đó mỗi ngày Wat Phou đón hàng chục ngàn du khách, tín đồ, phật tử từ khắp nơi trên đất Lào và thế giới đổ về… Tôi lại thấy mình may mắn bởi đến được Wat Phou trong một ngày bình thường như vậy. 

Những điều cần tránh khi đến Lào

- Người Lào rất kỵ sờ đầu, không chui qua gầm nhà, dây phơi quần áo. Khi đi, tránh việc đụng hay bước qua chân người khác. Nếu vượt mặt một người lớn tuổi, bạn phải cúi thấp người xin lỗi. Ở nơi chùa chiền, bạn không được mặc váy hoặc quần ngắn trên đầu gối.

- Tại những nơi bạn đến thăm, không nên trực tiếp tặng quà cho trẻ nhỏ. Thay vào đó, bạn nên gửi quà cho các cháu thông qua già làng hoặc người phụ trách. Hướng dẫn viên của đoàn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi khi chụp ảnh chung với một cô gái người bản xứ bạn nên cất gọn hai tay phía sau hoặc để hết ra phía trước. Tuyệt đối đừng quàng vai, bá cổ dù rất thân thiết (dĩ nhiên là trừ khi cô ấy chủ động).

- Đừng bao giờ tự tiện đụng vào đồ vật của người Lào bởi hoặc là đồ vật đó dễ gây lòng tham, hoặc có thể đó là đồ vật mang giá trị tinh thần đặc biệt với họ. Trường hợp đặc biệt hơn: đó là món đồ đã được làm phép. Tốt nhất, bạn hãy giữ khoảng cách với các đồ vật không phải của mình.

- Người Lào rất kỹ tính và sạch sẽ, trước và sau khi dùng bữa luôn phải rửa tay thật kỹ. 

Bài và ảnh: Thụy Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI