Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 sai cách: Tưởng tốt thành... hại con

25/03/2022 - 07:07

PNO - Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Có những phương pháp chăm sóc sức khỏe khi mắc COVID-19 áp dụng được với người lớn nhưng lại nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, cũng cần thận trọng trước những quan niệm chăm sóc người bệnh theo lối dân gian thiếu kiểm chứng vì có thể không hiệu quả, gây tốn kém, thậm chí tiền mất tật mang.

Những chống chỉ định khi xông ở trẻ nhỏ

Ngay khi gia đình có người dương tính với COVID-19, mỗi ngày, bà P.T.Đ. (ngụ Q. 4, TPHCM) nấu một nồi nước củ sả, vỏ bưởi, chia ra nhiều phần rồi yêu cầu từng thành viên bưng vào phòng trùm mền xông. Trong nhà có trẻ em, một bé bốn tuổi, một bé tám tháng tuổi. Sợ các bé sơ ý đụng trúng nồi nước xông gây phỏng, bà Đ. bế từng bé hơ trên thau nước xông để “sát trùng”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tương tự nhà bà Đ., mỗi ngày, chị N.H.T. (ngụ H. Nhà Bè, TPHCM) cũng bắt cả nhà phải xông tinh dầu sả và một số loại thảo dược dù cả nhà chưa ai nhiễm COVID-19.

Theo chị T., cứ hít thật nhiều tinh dầu sả và hơi nóng thì không chỉ đường hô hấp được thông thoáng mà những lá thảo dược còn có tính sát khuẩn tự nhiên, khi tinh dầu bốc lên cùng hơi nước nóng đi vào hệ hô hấp sẽ diệt hết mầm mống gây bệnh. Vì thế, xông khi nước càng nóng, hơi nước bốc lên càng nhiều, virus càng bị tiêu diệt triệt để.

Các con của chị T. đang học tiểu học đều chưa tới tuổi tiêm vắc xin nên phương pháp duy nhất, theo chị, để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho các bé là xông và tắm ngay khi vừa từ trường về nhà.

Mới đây, trong một nhóm cư dân tại Q. 3, TPHCM, có người chia sẻ clip một em bé chỉ chừng vài tháng tuổi được người nhà bế đưa qua đưa lại trên nồi nước xông đang nghi ngút khói khiến người xem không khỏi thót tim. Phương pháp xông này chưa biết hiệu quả ra sao nhưng mọi người đều lo lắng cho sự an toàn của đứa trẻ, chỉ sợ người lớn lỡ tay làm bé rơi vào nồi nước sôi bên dưới.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Thu Nga, Phòng khám Y học cổ truyền, cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với việc xông cho trẻ để hỗ trợ điều trị hoặc phòng tránh COVID-19, có những điểm cần hết sức lưu ý. Tuyệt đối không dùng hình thức xông với trẻ sơ sinh vì hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất non nớt, tinh dầu và hơi nước nóng có thể kích thích niêm mạc và làm phỏng đường hô hấp của trẻ.

Những trẻ lớn hơn có thể xông nhưng chỉ nên xông 1 lần/ngày, không được dùng nước quá nóng (khoảng 50 độ C là nhiệt độ lý tưởng), không cho trẻ xông với cả nồi nước thảo dược nấu sôi như cách người lớn vẫn làm mà chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu tràm hoặc khuynh diệp vào ly nước ấm rồi đưa lên mũi, miệng để xông vùng mũi họng.

Sau khi xông, các lỗ chân lông khai mở, cần tránh đi tắm ngay kẻo bị phong hàn. Lúc này, hãy lấy khăn bông lau khô mồ hôi, uống một ly nước ấm để cân bằng nhiệt độ cơ thể, nghỉ ngơi và có thể ăn thức ăn nhẹ.

Tùy thể trạng của từng người, có thể tắm lại sau khi xông ít nhất 30 phút đến 1 giờ, khi cơ thể khỏe mạnh, thoải mái.

Đừng tích cực tẩm bổ khi đang có triệu chứng bệnh 

Ngoài quan niệm xông càng nhiều, nước xông càng nóng càng tốt, không ít phụ huynh đang hiểu chưa đúng về việc tẩm bổ khi trẻ mắc COVID-19. Bé P.T.H. (năm tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TPHCM) mắc COVID-19 với triệu chứng điển hình là tiêu chảy. Gia đình cật lực tẩm bổ cho bé bằng nhiều món như: tổ yến chưng đường phèn, táo đỏ; gà tiềm thuốc bắc với nhân sâm và đông trùng hạ thảo… Tình trạng tiêu chảy của bé ngày càng nặng thêm.

Chẳng những không khỏe hơn sau khi tẩm bổ mà bé cứ lả đi, thậm chí nôn. Mẹ bé gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn thì mới biết trẻ đang tiêu chảy không nên ăn những món trên. 

Khi trẻ đang nhiễm COVID-19 và có triệu chứng tiêu chảy, theo quan niệm y học cổ truyền, những diễn tiến và biểu hiện của COVID-19 hiện nay có thể là ôn bệnh, thuộc bệnh ngoại cảm với cơ chế gây bệnh là do chính khí suy kém, tà khí nhân đó xâm nhập gây bệnh. Khi đó, ta cần tập trung khu tà, đẩy tà khí gây bệnh ra ngoài cơ thể rồi mới bồi bổ chính khí.

Không nên tẩm bổ quá mức khi trẻ đang có triệu chứng do mắc COVID-19 (ảnh minh họa)
Không nên tẩm bổ quá mức khi trẻ đang có triệu chứng do mắc COVID-19 (ảnh minh họa)

Tương tự y học hiện đại, giai đoạn đang nhiễm COVID-19 cũng cần ưu tiên tiêu diệt virus gây bệnh. Việc tẩm bổ quá mức khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển sẽ khiến cơ thể không thể hấp thu hết chất dinh dưỡng, thậm chí làm tăng thêm gánh nặng cho các cơ quan vì phải chuyển hóa thêm những chất bổ kia.

Hơn nữa, tổ yến chưng không hợp với người bị bụng đầy chướng, ăn không tiêu, đau bụng đi ngoài, phân lỏng, cơ thể hàn lạnh; nhân sâm cũng là một vị thuốc đại bổ khí, không dùng cho người đang tiêu chảy. Tốt nhất, lúc này phụ huynh nên cho trẻ ăn những món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa (có thể thêm vào một ít gừng hoặc những vị rau như hành, tía tô). Khi trẻ bị tiêu chảy, cần bù nước đầy đủ.

Có những phương pháp hỗ trợ điều trị viêm mũi họng, sát khuẩn đường hô hấp theo y học cổ truyền nhưng phải hiểu và tùy hoàn cảnh mà áp dụng thì mới hiệu quả và tránh gây hại.

Vệ sinh tai mũi họng quá độ, sai cách 

Nhiều phụ huynh cũng đang vệ sinh tai mũi họng cho trẻ sai cách, vô tình làm trẻ tổn thương thêm. Khi mắc COVID-19, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng viêm hô hấp trên. Chị Đ.T.T.H. (ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM) lo sợ các triệu chứng ho, sổ mũi của con trai (10 tuổi) sẽ trở nặng nên liên tục yêu cầu bé vào nhà vệ sinh xịt rửa mũi, súc họng bằng nước sát khuẩn. Vì xịt rửa nhiều quá nên mũi bé bị khô, đỏ rát, sưng đau.

Một trường hợp khác là chị N.V.A. (ngụ Q. Tân Bình, TPHCM). Gần đây, mỗi lần chị gọi con đều phải gọi rất lớn, con gái chị (bốn tuổi) mới trả lời. Nghĩ con nghe kém, đưa bé đi khám, chị mới biết con bị thủng màng nhĩ tai bên trái.

Hóa ra thường ngày chị thấy tai con có dịch ướt thì nghĩ do bé vệ sinh kém. Gần đây, để phòng tránh dịch COVID-19, chị thường xuyên vệ sinh tai mũi họng và còn lấy dung dịch Betadine thấm vào tăm bông để ngoáy tai, sát khuẩn tai cho con.

Bác sĩ thăm khám và xác định dịch chảy ra từ tai con chị A. là do bé bị viêm tai giữa. Việc lấy tăm bông chọc ngoáy và nhỏ dung dịch sát khuẩn vào tai bé đã khiến ráy tai và dịch mủ bít tắc không thoát ra được, chảy ngược vào trong gây thủng màng nhĩ. 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Văn Thị Hải Hà, Phòng khám Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phụ huynh cần phân biệt ráy tai ướt với dịch mủ do viêm tai giữa. Thông thường, ráy tai của trẻ khô hay ướt phụ thuộc vào tuyến bã trong tai. Nếu tuyến bã nhiều thì ráy tai sẽ ướt. Thậm chí có trẻ một bên tai có ráy khô còn một bên có ráy ướt. Ráy tai ướt không phải là bệnh lý. Bình thường, theo cơ chế sinh lý, sau 2 - 3 tuần, ráy tai sẽ tự được đẩy ra ngoài. Vì vậy, phụ huynh không cần thọc ngoáy tìm cách làm sạch sâu bên trong tai trẻ.

Đặc biệt, bác sĩ luôn khuyên mọi người không ngoáy tai bằng tăm bông vì khi dùng tăm bông, ráy tai dễ bị đẩy ngược vào trong, tạo thành nút ráy tai. Không ít trường hợp khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ phải dùng thuốc làm tan nút ráy tai để hút ra ngoài. Ráy tai ướt thường có màu vàng giống dung dịch Betadine còn dịch mủ do viêm tai thì vàng sậm hoặc có ngả xanh kèm theo triệu chứng đau nhức.

Việc tự ý nhỏ các loại thuốc vào tai rất nguy hiểm bởi một số thuốc không chỉ định dùng khi màng nhĩ bị thủng. Nếu phụ huynh vô tình nhỏ thuốc hoặc cố gắng khều lấy ráy tai sẽ khiến màng nhĩ bị thủng, gây tổn thương tai, thậm chí làm trẻ bị nghe kém, nặng hơn là điếc không phục hồi. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI