Cha mẹ đăng ảnh con lên mạng coi chừng phạm luật

11/03/2023 - 16:34

PNO - Việc đưa thông tin, hình ảnh, đời tư của trẻ lên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn về tâm lý và đời sống của trẻ không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài.

Lâu nay, trào lưu “khoe con” lên các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến trên khắp thế giới đến nỗi, chỉ cần nhập vài từ khóa liên quan lên một số nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram hay TikTok là có thể tìm thấy vô số bài đăng của các bậc cha mẹ chia sẻ video và ảnh về con cái của mình.

Pháp mạnh tay với nạn "sharenting"

Nước Pháp đang tuyên chiến với vấn nạn cha mẹ chia sẻ ảnh trẻ em một cách thiếu trách nhiệm lên mạng xã hội - Ảnh: economictimes
Nước Pháp đang tuyên chiến với vấn nạn cha mẹ chia sẻ ảnh trẻ em một cách "thiếu trách nhiệm" lên mạng xã hội - Ảnh: Economic Times

Xhướng “sharenting” (cha mẹ chia sẻ ảnh con cái lên mạng xã hội), được tạo ra bằng cách ghép từ “sharing” (chia sẻ) và “parenting” (làm cha mẹ), đã gây ra nhiều hệ lụy đến nỗi quốc hội Pháp đang phải khẩn trương xây dựng một dự luật chống lại hiện tượng bị cho là tiêu cực này.

"Sharenting" là một thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên từ một bài báo trên tạp chí Wall Street Journal của Mỹ năm 2012. Mang nghĩa “cha mẹ chia sẻ quá mức”, thuật ngữ này đề cập đến cách cha mẹ lạm dụng trong việc chia sẻ hình ảnh, video và nội dung kỹ thuật số khác về con cái của mình lên mạng xã hội.

Việc chia sẻ này thậm chí có thể bắt đầu trước khi một đứa trẻ được sinh ra. Nhiều bậc cha mẹ đăng những bức ảnh siêu âm đầu tiên lên Facebook để thông báo rằng họ đang mang thai, và đó chỉ mới là bước khởi đầu của hàng ngàn bức ảnh sẽ được tiếp tục chia sẻ sau đó.

Hãng tin Euronews cho biết, một trong những điều khoản được đưa ra trong dự luật là nhằm mục đích buộc cha mẹ phải chịu trách nhiệm về quyền riêng tư của con cái - vốn không phải lúc nào cũng đồng ý với việc hình ảnh bản thân bị cha mẹ tự ý đăng tải lên mạng.

Theo đó, trong những trường hợp nghiêm trọng, thẩm phán thậm chí có thể tước quyền chia sẻ hình ảnh con cái đối với cha hoặc mẹ nếu hành vi của họ bị xem là “vượt mức cho phép hoặc gây hại cho con cái”.

Dự luật này cũng nhắm đến nhóm cha mẹ có ảnh hưởng với xã hội (như người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL…) tìm cách thu hút người theo dõi và kiếm tiền bằng cách đăng hình ảnh của con cái của mình lên mạng xã hội.

Theo một số nghiên cứu, trung bình một đứa trẻ được chia sẻ ảnh lên mạng xã hội khoảng 1.300 lần trước khi đủ 13 tuổi – là độ tuổi được phép tạo hồ sơ mạng xã hội của riêng mình trên Facebook hoặc Instagram.

Ước tính hơn một nửa bậc phụ huynh đã chia sẻ ảnh con mình lên mạng xã hội, và hơn 90% trong số đó đăng ảnh con cái lên mạng trước khi chúng lên 5 tuổi.

Nhiều phụ huynh nghiện đăng ảnh con cái lên mạng xã hội mà không lường trước những nguy cơ có thể xảy ra cho con mình - Ảnh:
Nhiều phụ huynh nghiện đăng ảnh con cái lên mạng xã hội mà không lường trước những nguy cơ có thể xảy ra cho con mình - Ảnh: Kidslox

Với dự luật này, Pháp là một trong những quốc gia có động thái mạnh tay để chính thức tuyên chiến với nạn “sharenting” - một hành động được giới bảo vệ trẻ em và các chuyên gia truyền thông xã hội hoan nghênh.

“Cần phải bảo vệ những đứa trẻ chưa đủ tuổi, không có khả năng lên tiếng trước việc những hình ảnh của bản thân bị cha mẹ chia sẻ công khai lên mạng xã hội”, TS. Anja Stevic tại Đại học Vienna (Áo) nêu ý kiến.

Theo chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông này thì các bậc cha mẹ cần nhận thức được những rủi ro liên quan đến đạo đức, hoặc tình trạng ăn cắp hình ảnh trẻ em phục vụ cho mục đích xấu trên mạng.

Ông Bruno Studer, chính trị gia người Pháp đứng sau dự luật nêu trên đưa ra dẫn chứng với 50% các bức ảnh trẻ em được cha mẹ chia sẻ một cách vô tư trên các trang mạng xã hội “xuất hiện tại các diễn đàn liên quan đến tình dục trẻ em”.

"Khi những bức ảnh được đăng tải công khai để ai cũng có thể tiếp cận được thì tất nhiên kẻ xấu luôn rình rập trên mạng cũng không muốn bỏ qua", ông Bruno cảnh báo.

Cha mẹ Việt cần thận trọng khi chia sẻ ảnh con lên internet 

Việt Nam cũng có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ bí mật đời tư của trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh:
Việt Nam cũng có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ bí mật đời tư của trẻ em trên môi trường mạng - Ảnh: Bark 

Tại Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc, bảo vệ; và vì vậy, việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ là hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì “cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”.

Như vậy, nếu con dưới 7 tuổi thì việc bố mẹ đăng thông tin thuộc nhóm bí mật đời sống riêng tư của con lên mạng xã hội sẽ không phạm luật. Tuy nhiên, việc đưa hình ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ thì bị xem xét là hành vi này là vi phạm pháp luật do tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. 

Một số lưu ý khi đăng ảnh, video con cái lên mạng internet

Cần nhớ rằng, một khi đã đăng ảnh trẻ lên mạng xã hội thì sẽ rất khó cho chúng ta kiểm soát những bức ảnh đó, chưa kể là những tấm ảnh sẽ tồn tại mãi mãi trên không gian mạng bất chấp nỗ lực tháo gỡ của chủ nhân về sau.

Vì vậy, trước khi nhấn nút chia sẻ ảnh con mình lên không gian mạng, cha mẹ cần lưu ý một số quy tắc cơ bản sau:

- Sử dụng càng ít thông tin nhận dạng cá nhân càng tốt khi nói về con cái

- Chỉ đăng trong các nhóm Facebook riêng tư hoặc nhóm kín thay vì đăng tải công khai

- Tạo nhóm “Bạn thân” trên các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ ảnh con cái của nhau

- Hỏi ý kiến con cái trước khi đăng ảnh chúng lên mạng xã hội

- Không đăng ảnh con của người khác khi chưa được cha mẹ chúng cho phép

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI