Cấp phép nhạc xưa: Cục NTBD đang làm lợi cho ai?

14/04/2017 - 06:00

PNO - Chuyện cấp phép nhạc xưa (các tác phẩm trước năm 1975) hoặc nhạc của các tác giả là người Việt hải ngoại của Cục NTBD hiện nay không làm lợi cho công chúng.

Quy trình “có xin mới cho” của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đối với các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của các tác giả của người Việt hải ngoại, dường như chẳng mang lại lợi ích cụ thể gì cho công chúng và âm nhạc Việt Nam; trừ các khoản phí thu được từ các đơn vị sản xuất, biểu diễn khi làm thủ tục xin phép.

Mờ ảo "xin-cho"

Động tác của Cục NTBD cấp phép thần tốc cho ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào sáng 12/4, ngay sau những phản ứng dữ dội của dư luận, đã khiến cả xã hội bất ngờ. Không bất ngờ sao được khi các bầu show và hãng đĩa phải bao phen “lên bờ xuống ruộng”, mệt mỏi đợi chờ mỗi lần xin phép công diễn, phát hành các tác phẩm nhạc xưa mà vẫn không chắc có được duyệt để kịp đưa ra thị trường đúng thời gian mình mong muốn không, vậy mà...

Cục NTBD có lý khi viện dẫn Nghị định 79/2012, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân phải làm hồ sơ xin cấp phép phổ biến tác phẩm gởi đến Cục và chờ thẩm định theo quy định. Cục cũng rất “khiêm tốn” khi thừa nhận mình chẳng phải “Ngài Biết Tuốt” nên không thể biết hết các tác phẩm để mà cho phép, đành phải đợi hồ sơ xin cấp phép rồi mới duyệt cho phổ biến.

Đó chính là thứ lý lẽ “có xin mới có cho”, chứ “không phải xin-cho”, như lời của Phó cục trưởng Đào Đăng Hoàn trong buổi họp báo chiều 12/4 tại Hà Nội. Đương nhiên, mỗi lần xin phép như thế thì đương nhiên phải đóng phí.

Đáng ngạc nhiên là chuyện cấp phép nhạc xưa vẫn được xem là chuyện ai được nấy biết, bởi Cục không công bố rộng rãi thông tin đó. Thi thoảng, một đơn vị “xin” được vài ca khúc, thông tin cho báo chí, công chúng và các đơn vị khác mới biết để khỏi phải đi xin lại. Bằng không, họ sẽ ngó chừng nhau để... đoán xem liệu một ca khúc đã được cấp phép hay chưa.

Cap phep nhac xua: Cuc NTBD dang lam loi cho ai?
Nối vòng tay lớn - bài hát được hát rộng rãi mấy năm qua vừa bị "ách" với quy trình cấp phép nhạc xưa

Ngay một đơn vị được xem là rất thành thạo đường đi nước bước trong thủ tục cấp phép, biết “mặt” hầu hết những bản nhạc xưa đã được duyệt như Phương Nam Phim cũng có lần bị hớ khi làm hồ sơ xin lại những ca khúc đã được cấp phép rồi.

Nói về sự gian nan trong việc cấp phép, nhất là cấp phép nhạc xưa, ông Hoàng Đỉnh - GĐ Công ty TNHH văn hóa nghệ thuật Hoàng Đỉnh cho biết: “Làm băng đĩa ngày nay rất khó mà chúng tôi còn phải khổ sở với chuyện xin cấp phép. Phải chuẩn bị hồ sơ, đóng phí thẩm định. Quy định thì từ 7-10 ngày cấp phép, nhưng thường là chúng tôi phải lên xuống nhiều lần, bị kéo dài thời gian vì những chuyện vụn vặt như văn bản phải đánh máy chứ không được chép tay, chỉnh sửa ca từ cho hợp ý nhà quản lý, xuất trình CMND của tác giả... Gặp tác giả đã qua đời rồi thì tìm đâu ra CMND mà trình? Khi được duyệt còn phải đóng phí theo độ dài ngắn của sản phẩm (một album thời lượng dài phải đóng phí cao hơn album thời lượng ngắn - NV). Cứ vậy, dần dà chúng tôi cũng nản lòng!”.

Riêng chuyện phải đi xin lại những bài đã được cấp phép, ông Đỉnh nói: “Chúng tôi đành nhìn nhau thôi. Kiểu như thấy anh Đàm Vĩnh Hưng hay chị Ánh Tuyết ra album có bài này bài kia thì mình đoán là được cấp rồi, mình làm đại. Còn không thì phải xin lại chứ biết đường nào mà tra cứu”.

Chứng minh rõ ràng cho thực tế đó là trong danh mục những ca khúc đã được cấp phép phổ biến trên website của Cục NTBD cũng không tìm thấy hàng loạt ca khúc đã được chính Cục này cho phép lưu hành.

Chưa kể, ở vấn đề cấp phép biểu diễn cho các nghệ sĩ (NS) hải ngoại, thay vì sự thông thoáng, người ta chỉ thấy mọi thứ ngày càng bị siết chặt hơn. Nếu trước đây giấy phép biểu diễn có thời hạn sáu tháng, rồi rút xuống còn ba tháng thì nay chỉ được cấp theo từng chương trình - mỗi lần hát là một lần xin và mỗi lần xin là một lần phải đóng phí.

Cap phep nhac xua: Cuc NTBD dang lam loi cho ai?
Số phận bài hát Con đường xưa em đi hiện vẫn chưa biết sẽ ra sao, chỉ bởi quy trình cấp phép nhạc xưa

Khoản phí này, đương nhiên NS không chịu trả, đơn vị mời phải tự biết mà đóng, rồi cân đối lại trên giá vé, đổ hết lên đầu khán giả. Trong cảnh tù mù ấy, các đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà sản xuất phải mò mẫm, ước đoán, dọ ý mà làm, hy vọng mình sẽ qua truông hoặc đỡ bị hành nhất.

Trăm đường thiệt hại

Yêu cầu bức thiết của khán giả lẫn giới làm nghề và cũng phù hợp với tinh thần của pháp luật là có một danh mục các bài hát bị cấm, những tác phẩm còn lại mặc nhiên được lưu hành, nhưng bấy lâu đã không được Cục NTBD đáp ứng. Ngay cả yêu cầu ngược lại - có danh mục các ca khúc được phép phổ biến để mọi người chiếu theo đó mà làm, tiết kiệm công sức, tiền bạc, Cục NTBD cũng làm lơ.

Từ 10 năm trước, dưới thời Cục trưởng Lê Ngọc Cường, đã có đề xuất lập danh mục ca khúc được phép lưu hành. Sau những “ý tưởng” như in sách, làm website thì cái website ấy giờ đầy “rác” - từ chuyện sai tên tác giả đến danh mục bị thiếu.

Cũng từ 10 năm trước, bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó GĐ Sở VH-TT TP.HCM) đã đề xuất một phương án mang tính cách mạng đối với việc xử lý kho tàng tác phẩm trước 1975 của miền Nam và tác phẩm hải ngoại.

Bà kể: “Chúng tôi đề nghị nên thu thập các ca khúc cũ, lập một hội đồng thẩm định. Ví dụ tháng này tôi thẩm định xong 500 bài, quyết định cấp phép 500. Tháng sau tiếp tục thẩm định 1.000 bài, quyết định cấp phép 1.000. Bài nào được cấp phép rồi thì đưa vào danh mục đã được cấp phép cho mọi người tra cứu để không phải đi xin nữa. Như vậy, chỉ cần khoảng một năm hoặc hơn là ta đã có thể xử lý gần hết kho ca khúc cũ. Những bài ta chưa biết thì xem xét sau”.

Nếu làm được điều tuyệt vời đó, hàng tấn giấy tờ có thể được lược bỏ và những cá nhân, đơn vị muốn sử dụng tác phẩm sẽ tiết kiệm được nhiều tiền của, sức lực để tập trung vào chuyên môn, mang đến những sản phẩm chất lượng cho thị trường. Khán giả cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với kho nhạc mà họ yêu mến đang bị thời gian phủ bụi.

Cap phep nhac xua: Cuc NTBD dang lam loi cho ai?
 

Ý tưởng này, sau đó được nhắc lại với sự ủng hộ của nhiều NS, hãng đĩa với số lượng tác phẩm khổng lồ được gởi về cho cơ quan quản lý. Cuối cùng, mọi nỗ lực đều tan vào hư không. Thủ tục, quy trình - nhất là cấp phép nhạc xưa, danh mục ca khúc vẫn cứ là một đám bùng nhùng với nhiều kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực.

Chúng tôi không dám kết luận việc Cục NTBD giữ cơ chế phải có người đi xin mới xem xét cấp phép hoặc cấp phép nhỏ giọt là để nhằm thu phí, nhưng rõ ràng cách làm hiện nay hoàn toàn không có lợi gì cho công chúng, cho các tác giả và cả các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hay giới làm băng đĩa. Trong khi đó, đĩa lậu vẫn tràn lan và những bài dù chưa được cấp phép vẫn cứ vang lên đó đây như trêu đùa các quy định của pháp luật.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI