Cảnh báo: thảm họa tại Beirut có thể lại xảy ra trên khắp thế giới

08/08/2020 - 16:11

PNO - Mỗi ngày, vật liệu nguy hiểm được vận chuyển trên khắp các đại dương và thường bị xử lý sai hoặc buôn bán bất hợp pháp.

Đến nay, ít nhất 135 người đã thiệt mạng và 4.000 người khác bị thương sau vụ nổ ở cảng Beirut, Lenbanon. Thảm kịch báo động hậu quả của việc thiếu an ninh cảng.

Nguyên nhân của thảm họa xuất phát từ 2.750 tấn amoni nitrat - số hóa chất này là hàng hóa trên tàu MV Rhosus, cập cảng Beirut vào năm 2013 nhưng không đủ khả năng đi biển và bị cấm ra khơi. Sau khi chủ tàu bỏ lại, lượng amoni nitrat vẫn nằm trong kho chứa ở cảng Beirut suốt nhiều năm.

Thảm họa trên dẫn đến sự liên tưởng đến các container hàng hóa nguy hiểm bị bỏ rơi thường xuyên xuất hiện ở các cảng biển trên khắp thế giới.

An ninh hàng hải thường có xu hướng tập trung vào việc ngăn chặn các sự kiện nổi tiếng như cướp biển, khủng bố hoặc tấn công mạng. Việc xử lý sai hàng hóa hằng ngày ít được chú ý hơn dù đó là nguyên nhân khó lường dẫn đến thảm họa.

Vụ nổ tại Beirut một phần xuất phát từ những lơ là trong khâu quản lý cảng biển.
Vụ nổ tại Beirut một phần xuất phát từ những lơ là trong khâu quản lý cảng biển

Những con tàu bị bỏ lại

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã ghi nhận 97 trường hợp tàu và thủy thủ đoàn bị bỏ rơi kể từ năm 2017. Những con tàu bị chủ sở hữu bỏ rơi nếu không còn khả năng sinh lợi, hoặc bị chính quyền dừng hoạt động và phạt tiền.

Báo cáo của IMO chỉ phản ánh số tàu, còn có bao nhiêu container bị bỏ lại tại các cảng trên thế giới thì chưa có con số cụ thể.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng con số này có thể rất lớn. Các container thường bị bỏ rơi ở cảng, đôi khi do sự cố ý của các hoạt động tội phạm như là buôn lậu chất thải và tham nhũng.

Những con tàu và container bị bỏ lại nhiều lúc do chủ ý của công ty vận tải nhằm mục đích buôn lậu, bỏ rác thải.
Những con tàu và container bị bỏ lại nhiều lúc do chủ ý của công ty vận tải nhằm mục đích buôn lậu, bỏ rác thải

Cần siết chặt quản lý

Việc bỏ container nguy hiểm tại các cảng không phải là vấn đề mới. Kể từ những năm 2000, đã có những nỗ lực đáng kể nhằm tăng mức độ an ninh tại cảng biển quốc tế trên toàn cầu thông qua các giao thức giám sát, đào tạo và quy định an toàn. Nhưng khi những chuyến hàng tiếp tục bị bỏ lại, điều đó cho thấy rằng các biện pháp và việc thực hiện chúng là chưa đủ.

Nhiều nước châu Á như Indonesia, Malaysia, và đặc khu Hồng Kông quyết định gửi trả những lô hàng chất thải nhập cảnh trái phép vào các quốc gia này.
Nhiều nước châu Á như Indonesia, Malaysia, và đặc khu Hồng Kông quyết định gửi trả những lô hàng chất thải nhập cảnh trái phép vào các quốc gia này

Đầu tiên, thế giới phải bắt đầu coi buôn lậu chất thải, bỏ tàu và container là những tội lớn. Chúng nên được đề cập trong chương trình nghị sự về tội phạm môi trường và an ninh hàng hải. Cần có một cơ sở dữ liệu quốc tế về những vụ việc như vậy, cũng như hợp tác xuyên quốc gia để giải quyết chúng.

Thứ hai, tham nhũng tại cảng là một mắt xích quan trọng, giúp “bảo kê” việc bỏ rơi hàng hóa khỏi sự chú ý của dân chúng và các lực lượng chức năng. Nó cần được giải quyết bằng nỗ lực quốc tế  và cả trong nội bộ mỗi quốc gia.

Cuối cùng, cần tăng cường nỗ lực xây dựng năng lực của các cảng để xử lý chất thải nguy hại, phát hiện buôn lậu và xử lý các trường hợp hàng hóa bị bỏ lại. Đặc biệt, điều này rất cần thiết đối với các cảng có nguồn lực hạn chế và là điểm đến phổ biến của các container bị bỏ rơi, chẳng hạn như các cảng ở châu Á và châu Phi.

Vụ nổ tại Beirut đã cho chúng ta thấy tác động của thảm họa cảng đối với một thành phố và cư dân ở đó. Thế giới cần phải rút ra những bài học để đảm bảo thảm kịch như thế sẽ không xảy ra nữa.

Tấn Vĩ (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI