Cạn sức vì đứa em nhẫn tâm

18/04/2017 - 10:43

PNO - Mỗi lần lăn lộn mưa nắng bên ngoài về, nhìn căn phòng trọ ngổn ngang, cơm nước lạnh tanh, đứa em trai đang “tuổi ăn tuổi học” cứ vô tư bấm điện thoại, chị lại thấy sức chịu đựng của mình như cạn kiệt.

Chị dừng trước cửa, khó nhọc leo xuống chiếc xe gắn máy ba bánh dành cho người khuyết tật. Xế chiều nhưng trời vẫn hâm hấp nóng, ngột ngạt. Trong căn phòng trọ nhỏ xíu, em trai chị nằm trước cái quạt đang quay vù vù, chú mục vào điện thoại, như không thấy chị mình vừa đi giao hàng về, rất khát và mệt…

Can suc vi dua em nhan tam
 

Chị bị tật ở chân từ bé. Một cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân chị teo tóp, đi đứng khập khiễng, di chuyển một đoạn ngắn thôi cũng rất khó. Nhờ một nỗ lực phi thường, chị lấy được tấm bằng cao đẳng, xoay xở được một công việc ở cái thành phố đất chật người đông này.

Cuộc sống vốn đã chẳng dễ dàng, lại càng vất vả hơn khi em trai chị học xong phổ thông, được bố mẹ “gửi gắm” lên cho chị… Cậu em khỏe mạnh nhưng lười học, lười làm việc nhà, mở miệng là than chán, kể khổ, kêu ca không có xe riêng để di chuyển.

Chị giao việc gì em cũng chỉ miễn cưỡng hoàn thành, như một cách tỏ ra “hợp tác”; còn lại, em không bao giờ chủ động gợi ý muốn đỡ đần gì, mặc kệ chị xuôi ngược kiếm sống. Mọi chi tiêu cho hai chị em dồn hết lên đôi vai gầy chông chênh của người chị vốn đã chẳng được số phận ưu ái...

Giá như em chịu khó học hành, có lẽ chị cũng thấy an ủi, đằng này em cứ cắm cúi chơi game trên điện thoại. Chị chịu thua không sao cai nghiện game cho em được. Cấm đoán thì em lén lút khổ sở, vật vã khi phải rời xa cái vật dụng kinh khủng ấy. Chị căm ghét nó. Chị giận mình thiếu cương quyết, thiếu cả chút nhẫn tâm… Đã nhiều lần chị khuyên, chị khóc cùng em, van xin em hãy nghĩ mà thương chị.

Chị nhỏ to đủ điều. Rằng, nhà mình nghèo. Bố mẹ lớn tuổi, đau bệnh. Phía trước rất bấp bênh. Chị cũng không thể cố mãi được. Chị yếu đuối. Chị cũng đã vất vả lắm rồi. Chị cần em đồng lòng san sẻ, ít ra là em phải chịu khó học hành, tự nuôi được thân mình…

Can suc vi dua em nhan tam
 

Người ngoài nhìn vào ai cũng ái ngại cho chị. Em lành lặn, trai tráng sao không đi làm đỡ đần cho chị? Sao chị cứ phải ôm vào thân cái tội nợ ấy? Đâu ai sống giùm cuộc đời của ai được, huống gì chị lo thân còn khó, đâu cần gánh gồng thêm đứa em trai to xác và ích kỷ ấy? Bố mẹ có hiểu cho tình cảnh của chị hay không, mà yêu cầu chị lo cho tới ngày em tốt nghiệp? Vấn đề còn là, khi nào thì em mới chịu tốt nghiệp?

Chính chị cũng ngày càng hoang mang với câu hỏi ấy. Em khẳng định vẫn đến lớp đều đặn, nhưng học kỳ này có bao nhiêu môn, tên của thầy cô, bạn bè là những ai, chị hỏi nhưng em chẳng trả lời được. Nhiều người nhắn chị, em đã bỏ học lâu rồi. Toàn dối gạt chị thôi, đừng nuôi báo cô nó nữa. Nó chẳng xứng!

Nhưng tình thân ruột thịt, chị không dám nghĩ tới việc em lừa mình, nhẫn tâm phủi sạch công sức của chị suốt mấy năm dài. Chị gom góp từng tờ tiền lẻ. Nín nhịn mọi nhu cầu của một cô gái mới ngoài đôi mươi, chưa một lần được người thanh niên nào để mắt đến… Chị không tủi giận.

Trời cho chị khuôn mặt khả ái, đầu óc thông minh và cả sự siêng năng kiên trì. Chị chẳng nề hà, càng không thấy buồn khi phải quần quật lo cho em, còn mình thì mãi thui thủi. Chị càng không sợ khổ nhọc, chỉ mong em biết tu tỉnh. Chị còn có thể gắng sức thêm được.

Nhưng cứ mỗi lần lăn lộn mưa nắng bên ngoài về, nhìn căn phòng trọ ngổn ngang, cơm nước lạnh tanh, đứa em trai đang “tuổi ăn tuổi học” cứ vô tư bấm điện thoại, chị lại thấy sức chịu đựng của mình như cạn kiệt. 

Người dưng còn thấy ái ngại khi nhìn chị bước thấp bước cao với thùng đồ nặng trĩu ràng sau xe. Ai cũng sẵn lòng đưa tay đỡ giúp chị. Chỉ riêng em là cứ thờ ơ, thản nhiên đón nhận sự cưu mang của chị. Hay chị phải dùng đến biện pháp mạnh, cắt các khoản tiêu vặt, không nạp thẻ điện thoại, mặc kệ tiền nhà tiền chợ, không đóng học phí nữa, thì em mới tỉnh ra mà ngó lại?

Chị phải làm sao đây, cho em và cho chính mình?

Lưu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI