Cần mẫn gieo mầm xanh trong lòng phố

09/10/2022 - 16:29

PNO - Sáng 7/10, Hội Nông dân TPHCM tổ chức lễ tuyên dương 28 gương “Nông dân tiêu biểu TPHCM” năm 2022. Chị Trần Thị Kiều Thơ - 46 tuổi, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi khu phố 2, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức - là một trong hai gương mặt nữ được tuyên dương lần này.

Theo mẹ chồng học làm nông 

Vừa trở về từ tỉnh An Giang sau khi cùng đội thi của Hội Nông dân TPHCM vào đến bán kết hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần V - năm 2022, chị Thơ liền ra vườn cắt tỉa mấy chậu bonsai và thu hoạch rau. Kể từ tháng Mười này, chị sẽ rất bận rộn lo vụ mùa tết, bao gồm rau xanh, lan, cây kiểng và hoa nền các loại. 

Chị Thơ thu hoạch rau trong nhà lưới
Chị Thơ thu hoạch rau trong nhà lưới

Kể về chuyện làm nông của mình: “Từ nhỏ cho tới khi lấy chồng, tôi chưa từng cầm cái cuốc xới đất. Khi quen anh xã, về Thủ Đức, thấy cha mẹ chồng trồng lúa và hoa màu, tôi rất lo vì bản thân không biết làm nông. Nghe tôi giãi bày, mẹ chồng kéo tôi ra ruộng, nói dễ ợt hà, nhìn mẹ làm ít bữa là biết, có điều làm nông cực lắm, dãi nắng, dầm mưa quanh năm”. 

Năm 19 tuổi, chị Thơ rời tiệm tạp hóa của cha mẹ ở tỉnh Tây Ninh để đến Thủ Đức làm dâu. Mỗi ngày, chị theo sau mẹ chồng - bà Nguyễn Thị Tư, nay 95 tuổi - gieo mạ, cấy lúa, trỉa hạt giống bắp, đậu đũa. Vốn quen buôn bán, chị hơi vụng về khi làm nông, nhưng ham học hỏi. Thấy mẹ chồng làm sao, chị làm theo y vậy, riết cũng quen. 

Đầu những năm 2000, khi khu chế xuất Linh Trung II, khu công nghiệp Bình Chiểu được xây dựng, đất nhà bị giải tỏa, chỉ còn 1.000m2, bà Tư vẫn tiếp tục trồng hoa màu. Chị Thơ vừa phụ mẹ chồng, vừa mở quán cơm bình dân. 

Ngoài làm vườn, chị Thơ còn chăm sóc mẹ chồng - người đầu tiên dạy chị làm nông
Ngoài làm vườn, chị Thơ còn chăm sóc mẹ chồng - người đầu tiên dạy chị làm nông

Nhớ chuyện xưa, chị tủm tỉm cười: “Thấy có đông công nhân ở các công trình xây dựng, tôi bán đủ thứ, từ cơm tới hàng tạp hóa, mở dịch vụ điện thoại công cộng, sau đó mở một siêu thị mini. Tôi còn bán văn phòng phẩm và nhận đánh máy thuê. Nhưng dù làm gì, tôi cũng quay về với khu vườn của mẹ chồng. Hồi đó, việc trồng rau dựa hoàn toàn vào sức người. Sau này, tôi đi học về, mới cải tạo vườn bài bản theo hướng ứng dụng công nghệ cao”.

Luôn học hỏi, nâng cao tay nghề

Với diện tích 1.000m2, chị Thơ chia vườn thành bốn khu, gồm khu sinh hoạt chung, nhà lưới trồng rau hữu cơ, nhà nấm mẫu, giàn hoa lan và cây kiểng. Mới đây, chị còn thiết kế giàn trên cao dọc các lối đi trong vườn để trồng nho. 

Chồng chị là anh Nguyễn Văn Phương - hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Thủ Đức - chỉ có thể phụ vợ bưng bê vật nặng sau giờ làm ở cơ quan. Mình chị quán xuyến toàn bộ mảnh vườn, từ xới đất, lên luống rau, giâm chiết cành đến vô chậu, tạo hình cây, bón phân, tưới nước, giao hàng. Vào dịp tết, chị trồng hàng ngàn chậu vạn thọ, mào gà và hướng dương, phải thuê tám người làm thời vụ.  

Để thạo việc như bây giờ, chị Thơ đã tham gia nhiều khóa học về kỹ thuật tạo dáng bonsai, canh tác rau công nghệ cao, trồng và nhân giống hoa ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông TPHCM, Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tổ chức. 

Chị Thơ bộc bạch: “Năm 2016, mẹ chồng tôi bị tai biến, phải nằm một chỗ, giao lại vườn cho tôi. Biết mẹ chồng rất quý khu vườn này nên tôi quyết định bỏ hết các việc khác để chuyên tâm vô đây, bắt đầu bằng cách đi học”. 

Sau nhiều lớp sơ cấp nghề, chị Thơ đã tự tin trồng, chăm sóc và tạo dáng cho nhiều loài cây kiểng
Sau nhiều lớp sơ cấp nghề, chị Thơ đã tự tin trồng, chăm sóc và tạo dáng cho nhiều loài cây kiểng

Cũng trong năm 2016, được Hội Nông dân P.Bình Chiểu hỗ trợ 5.000 cây giống lan dendrobium, chị Thơ bắt đầu gầy dựng vườn lan. Thời gian đầu, sau khi thu hoạch (cắt cành), chị chạy khắp các chợ, tiệm hoa tươi chào hàng, bán giá mỗi cành (5-7 bông), 4.000-5.600 đồng/bông. 

Với phương châm vừa làm vừa học, sau ba năm, chị Thơ chuyển sang trồng lan dendrobium nắng vì loại này đa dạng màu sắc (tím đậm, đỏ tía, hồng phấn, trắng, vàng), hoa tươi lâu và có mùi thơm nồng nàn. Chị tìm mua nhiều mẫu chậu đất nung, thậm chí tự thiết kế chậu nhựa, chậu gỗ để dễ dàng trồng và cắt, ghép, tạo dáng cho chậu hoa đẹp mắt. 

Do tính ham làm, ham học, chị còn chủ động tìm mua các dòng lan dendrobium nắng quý như vua hổ mang, vua mỏ két, alba xưa… từ các nhà vườn rồi tách, chiết để nhân giống. Nhờ đó, chị bán chậu lan quanh năm, riêng mỗi đợt tết Nguyên đán, chị bán được hàng trăm chậu. 

Ở khu trồng rau ăn lá, chị Thơ đầu tư làm hệ thống nhà lưới và phun sương tự động. Không chỉ vậy, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân P.Bình Chiểu, chị còn thử nghiệm trồng rau trong tháp (có lõi để chứa rác hữu cơ, nuôi trùn quế). Trước đây, chị bán sỉ rau cho tiểu thương các chợ còn hiện nay, nhờ có nhiều mối quen chị chuyển sang bán lẻ.  

Năm 2018, chị Thơ hỗ trợ hội nông dân phường làm nhà nấm mẫu, trồng các loại nấm rơm, nấm linh chi, nấm bào ngư xám. Đây là địa điểm để hội nông dân mở các khóa dạy trồng nấm cho người dân địa phương, làm điểm trình diễn để mọi người tới tham quan, học tập 
kinh nghiệm. 

Từ mô hình này, chị Thơ ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu vườn mẫu, làm nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp của các thành viên trong câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khu phố 2, P.Bình Chiểu.

Triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TPHCM

Cùng với lễ tuyên dương danh hiệu “Nông dân tiêu biểu TPHCM” năm 2022, trong sáng 7/10, Hội Nông dân TPHCM cũng tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TPHCM” năm 2021 của 28 tập thể, cá nhân. 

Cùng ngày, Hội Nông dân TPHCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành đoàn, Bưu điện TPHCM khai mạc hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ hai năm 2022 tại Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1), kéo dài đến hết ngày 11/10. 

Tại hội chợ, có 124 gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM, những sản phẩm thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã phường, một sản phẩm” (OCOP) như hoa lan, bonsai, cây kiểng, rau, nấm, sản phẩm đóng gói, hạt giống, phân bón, dụng cụ làm vườn… 

Trong không gian này, ban tổ chức còn bố trí khu vực giải trí, ẩm thực, truyền thông về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển lãm máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp; giới thiệu sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, cây giống, con giống tiêu biểu của các tỉnh, thành; tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải pháp phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. 

Các hoạt động trên nằm trong chuỗi sự kiện nhằm kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022), 92 năm ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022).

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI