“Làng vui”: Cuộc chơi thú vị dành cho nông dân thời 4.0

20/01/2022 - 14:26

PNO - Làng vui dẫn người xem vào một cuộc hành trình đến với các làng, nghề truyền thống, tôn vinh các sản vật địa phương và truyền tải những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống.

Những gameshow dành cho nông dân không phải là chuyện mới trên màn ảnh nhỏ, nhưng xem Làng vui (phát sóng trên VTV3 lúc 13g thứ Bảy hằng tuần), khán giả không chỉ chứng kiến người dân đua tài kiến thức, phô diễn kỹ năng nhà nông, múa hát… mà còn thấy một hình ảnh khác ở họ: năng động, hiện đại, sáng tạo.

Tự tin như nông dân

Như tên gọi Làng vui, gameshow này không chỉ tạo ra sân chơi vui nhộn cho dân làng, mà còn đem lại những tràng cười sảng khoái cho người xem, bởi cách chơi hồn nhiên, chất phác của người nông dân thông qua ba phần thi Ngày mùa, Chợ làng 4.0 Cả làng cùng vui. Phần thi đầu tiên đem lại nhiều tiếng cười nhất, vì cách sân khấu hóa các hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

Làng vui tạo ra sân chơi thú vị cho người dân làng quê
Làng vui tạo ra sân chơi thú vị cho người dân làng quê

Những công việc quen thuộc thường ngày như tưới rau, nấu cơm, sắm lá dong, hái lá chè, thu hoạch nông sản… nay phải thực hiện trong hoàn cảnh “éo le” như vừa đi cầu khỉ, nhảy sạp, vừa nấu chín niêu cơm; bịt mắt sắm lá dong; vượt chướng ngại vật thu hoạch nông sản. Những sự cố trong quá trình vận động như té ngã, hay nấu cơm bên trong thì sượng, bên ngoài thì nhão giống cháo; cùng sự hoạt náo hoạt ngôn của hai khách mời nghệ sĩ trong vai trò hỗ trợ hai đội chơi, khiến phần thi đầu tiên này luôn sôi động. 

Phần Chợ làng 4.0 với màn livestream quảng bá, tiếp thị nông sản của làng là điểm độc đáo nhất của chương trình, tạo nên khác biệt với nhiều gameshow nhà nông khác. Chứng kiến những người nông dân lần đầu tiếp cận hình thức bán hàng hiện đại này, người xem bật cười thích thú trước cách nói chuyện hồn nhiên và khả năng sáng tạo sử dụng mọi hình thức nghệ thuật, từ hát, hò, vè đến đọc rap, ngâm thơ để rao bán hàng. Mặc dù giọng nói lẫn lộn “L”, “N”; câu chữ thơ lộn xộn, người bán thỉnh thoảng “quên bài”, nhưng sự nhiệt tình và tự tin của họ lại cuốn hút người xem.

Các tiết mục trình diễn thời trang cũng là điểm nhấn của phần này. Những trái cây, rau củ sản vật địa phương qua bàn tay nông dân biến thành trang phục, trang sức, và được chính họ khoác lên người trình diễn. Nhìn dáng điệu catwalk vụng về nhưng rất tự tin, cách họ hồn nhiên nhún nhảy theo nhạc, khán giả cũng thấy vui lây. 

Thử thách Cả làng cùng vui thông qua việc người dân cùng tham gia vào tiết mục đồng diễn gây ngạc nhiên, do mỗi làng đều có màu sắc văn hóa bản địa, những nông sản đặc trưng riêng, được dùng làm chất liệu cho tiết mục đồng diễn. Những đoạn clip hậu trường phát kèm càng chứng minh tinh thần chơi hết mình của người dân. Phần lớn tuổi tác của họ đã ở hàng trung niên, lão niên, nhưng vẫn chịu khó tập luyện các động tác theo sự hướng dẫn của các biên đạo, trong đó có những động tác xoay, chuyển phức tạp, đòi hỏi thể lực khỏe như người trẻ.  

Tôn vinh văn hoá bản địa 

Qua bảy số phát sóng, Làng vui dẫn người xem vào một cuộc hành trình đến với các làng, nghề truyền thống của phía Bắc như làng lá dong ở thôn Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội), làng chè Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội), làng rau Văn Đức, làng hoa giấy Phù Đổng (cùng ở Gia Lâm, Hà Nội), làng bưởi Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội), làng mì Chũ, thôn Ngọt chuyên trồng cây có múi (Lục Ngạn, Bắc Giang). Ngoài việc tôn vinh các sản vật địa phương, chương trình còn truyền tải những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống thông qua việc lồng ghép các trò chơi, làn điệu dân gian.

Với mong muốn người dân thể hiện kỹ năng của mình trong công việc, khán giả hiểu được quá trình sản xuất, thu hoạch nông sản nổi bật của địa phương, ê-kíp chương trình đã sáng tạo ra nhiều trò chơi sao cho sát với thực tế của từng làng, nên dù sản vật ở vài tập bị lặp lại, nhưng người xem vẫn không thấy nhàm chán. Có thể nói, sự hòa hợp giữa màu sắc văn hóa bản địa hòa cùng yếu tố hiện đại của những phần thi, đã đem lại nét độc đáo thú vị cho Làng vui. Xem chương trình, khán giả cũng ngất ngây với những khung hình trên cao (flyling cam) thu trọn bối cảnh đẹp đẽ, yên bình, sơn thủy hữu tình của các làng quê nông thôn Bắc bộ. 

Diễn viên Trần Vân - một trong những khách mời của chương trình - thổ lộ: “Tôi ấn tượng với sự cởi mở, hòa đồng của người dân. Lúc cùng họ tham gia các thử thách, sự nhập cuộc nhiệt tình của các cô chú làm tôi có cảm giác như mình đang dự một cuộc thi đua trong trường của những người trẻ. Các cô chú nông dân cũng luôn cố gắng trình bày, giới thiệu được những cái tốt nhất của sản vật quê hương mình với tất cả niềm tự hào”. 

Chia sẻ về quá trình làm chương trình, Lê Mỹ Cường - đạo diễn của Làng vui - cho biết: “Nếu chương trình đem đến những điều mới lạ cho nông dân, giúp họ làm quen với những từ ngữ thời bán hàng công nghệ như combo, livestream, freeship… thì bản thân những người thực hiện chương trình chúng tôi cũng khám phá nhiều điều hay từ làng quê, từ người nông dân. Những làng quê được lựa chọn là những vùng có nông sản đặc trưng, có những thương hiệu đặc biệt, và những người nông dân rất hồn nhiên, chân thành, cởi mở, yêu văn hóa văn nghệ. Việc ghi hình các phần thi chỉ diễn ra một lần, bởi tính chất chương trình là một cuộc chơi, nên không thể bắt người dân làm đi làm lại. Chương trình được thực hiện ngoài trời, định dạng kiểu sân khấu hóa, nên ê-kíp cũng gặp khó, vì có những cái muốn tái hiện nhưng không phù hợp để sân khấu hóa. Chúng tôi cũng rất tiếc vì tình hình dịch bệnh nên chương trình chỉ mới đến được những làng quê phía Bắc và Bắc Trung bộ”.

Gameshow Làng vui: 

Gameshow hiện nay muôn hình vạn trạng, nhưng tìm được một chương trình giải trí vừa tôn vinh sản vật địa phương, vừa quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống khá khó. Giữa cuộc sống thành thị bộn bề lo toan, nỗi lo an toàn thực phẩm luôn rình rập, những phút giây được trở về với khung cảnh bình yên của nông thôn, được hiểu thêm về những đặc sản sạch - xanh của các vùng miền, khiến người xem càng thêm yêu mến, trân trọng những gì thuộc về thôn quê.


Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI