Cần làm gì để lành mạnh hóa quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc?

07/09/2020 - 06:49

PNO - Xét về số liệu thương mại và đầu tư, mức độ gắn kết kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng khi xét đến cấu trúc của thương mại cũng như đầu tư, Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc.

Việt Nam lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc 

Khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, với quy mô thương mại hai chiều khoảng 2 triệu USD, ít ai có thể dự báo rằng 30 năm sau, quy mô thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã tăng lên xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương với thương mại giữa Trung Quốc và Nga năm 2019.

Tới 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày phải nhập khẩu từ Trung Quốc
Tới 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày phải nhập khẩu từ Trung Quốc

Điều đó cho thấy mức độ ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc về quan hệ kinh tế. Nếu tính cả số liệu thương mại tiểu ngạch thì kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 30% so với số liệu thống kê chính thức của phía Việt Nam. 

Nhưng không chỉ có lĩnh vực thương mại. Đầu tư cũng là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến hết năm 2019, vốn đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam (tính gộp cả vốn từ Hồng Kông và Trung Quốc) chiếm khoảng 26% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với quy mô khoảng 10 tỷ USD. Nếu tách riêng Hồng Kông và Trung Quốc thì Trung Quốc hiện đứng thứ năm trong số các nước đăng ký đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Với hình thức tổng thầu (EPC), một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các tổng thầu Trung Quốc hiện chiếm khoảng 80% số dự án đầu tư mới về nhiệt điện và khoảng 65% các dự án hóa chất ở Việt Nam. 

Như vậy, cả số liệu thương mại và đầu tư đều cho thấy mức độ gia tăng gắn kết kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng ở một chiều kích khác, khi xét đến cấu trúc của thương mại cũng như đầu tư, có thể thấy, Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc.

Đằng sau sự tương thuộc về thương mại, số liệu này cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Điều may mắn, Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất. Trong hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ có khoảng 10% là hàng tiêu dùng, còn lại 50-55% là hàng trung gian, nguyên phụ liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị để phục vụ cho hoạt động chế tạo và chế biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Đối với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm tới hơn 65% nguồn vải dùng cho ngành may mặc và có tới hơn 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày cũng phải nhập từ Trung Quốc. Điều này tạo ra tính dễ tổn thương đối với toàn bộ chuỗi sản xuất nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn. 

Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn cung thì phụ thuộc về công nghệ cũng là một khía cạnh sống còn khác đối với doanh nghiệp mà số liệu thương mại thông thường không phản ánh được hết. Theo tính toán của chúng tôi, 40-50% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Sự gắn kết kinh tế với Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng cần có những thay đổi lớn để quan hệ kinh tế với Trung Quốc trở nên lành mạnh hơn, nhằm giúp tạo ra giá trị lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào một số khía cạnh bao gồm chủ động hơn về nguồn cung, chủ động hơn về công nghệ và cách thức phân bổ nguồn lực, cải thiện chất lượng thương mại, có chính sách quản lý đầu tư và đấu thầu nước ngoài hợp lý hơn.

Chủ động đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng được định hình bởi phần cứng là các doanh nghiệp - những chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và sản xuất - nhưng một phần mềm vô cùng quan trọng giúp xác định chuỗi cung ứng thực sự thế nào chính là thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan đến thương mại hàng hóa và đầu tư. 

Mỗi một hiệp định thương mại tự do không chỉ là cánh cổng để các doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến các thị trường dễ dàng hơn mà còn là một cánh cổng sàng lọc các nguồn cung đầu vào. Do đó, việc tiếp cận về đa dạng hóa nguồn cung không chỉ cần tiếp cận từ góc độ “phần cứng” là sự sắp xếp lại của các nhà máy, công ty theo phạm vi địa lý mà còn cần theo dõi cả sự dịch chuyển của “phần mềm”, tức là các quy định vượt ra ngoài phạm vi địa lý giữa các quốc gia với nhau để đạt được các ưu đãi đã ký kết. 

Ở khía cạnh này, Việt Nam trên thực tế đã thực hiện việc đa dạng hóa nguồn cung sớm hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á. Chúng ta có FTA với các nền kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu, có FTA với EU (tức EVFTA) - nơi mà quy định xuất xứ nguồn cung hạn chế rất nhiều việc phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc - và cả CPTPP - nơi mà xuất xứ hàng hóa được thiết lập theo tiêu chuẩn Mỹ.

Để tham gia vào các sáng kiến về đa dạng hóa nguồn cung, Việt Nam trước mắt cần tập trung vào hai việc: có một chỉ đạo đủ mạnh để điều phối quan hệ giữa các bộ ngành, ban hành được các chính sách nhất quán với nhau; rà soát văn bản chính sách, loại bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA, tăng cường tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Việc thực hiện sớm và đầy đủ các tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa theo quy định sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung và loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đối với doanh nghiệp, thứ nhất, họ cần tập trung vào việc phát triển quy trình đánh giá dựa trên rủi ro giúp xác định và liên tục theo dõi nhiều loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến năng suất của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Thứ hai, hoàn thành đánh giá các nhà cung cấp để đảm bảo các nhà cung cấp sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của mình, chọn ra các nhà cung ứng tốt và ngừng làm việc với các nhà cung ứng kém uy tín.

Thứ ba, xác định các nhà cung cấp thay thế ở các khu vực không bị ảnh hưởng trên thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế sự phụ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nào theo khu vực địa lý.

Chuyển đổi kỹ thuật số một cách thông minh 

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng có thể được đẩy nhanh và hiệu quả bằng cách áp dụng chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số một cách thông minh. Đại dịch toàn cầu COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, chuyển đổi cách tổ chức sản xuất và kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số trong chiều không gian thứ tư không chỉ là một lựa chọn khi có đủ điều kiện, mà là một phương án bắt buộc. 

Việt Nam cần xác định xây dựng mới một hệ sinh thái kinh tế nền tảng kỹ thuật số (digital platform economy). Chính phủ cần hiểu rằng, xây dựng kinh tế kỹ thuật số là phân bổ lại nguồn lực giữa các ngành kinh tế và các nhóm lợi ích theo cách thức hoàn toàn mới. Vì thế, cần có tư duy hiện đại và mạnh mẽ hơn nữa.

Tương lai của nền kinh tế toàn cầu không chỉ do các hoạt động truyền thống quyết định mà còn do hàng triệu hoạt động hiện giờ chưa ai hình dung được. Chính phủ không cần tưởng tượng là nền kinh tế chia sẻ sẽ như thế nào mà cứ để doanh nghiệp tự trả lời. Đó là lý do vì sao cần có chính sách hỗ trợ để hình thành nên các doanh nghiệp trụ cột. Nhưng, điều này cần được tiến hành bằng cách kết hợp linh hoạt các công cụ thị trường chứ không phải công cụ kế hoạch hóa. Cụ thể, phải có kỷ luật tài chính, áp lực về mục tiêu và đặc biệt là tính cạnh tranh của thị trường để từ đó, sẽ có những nhà vô địch có đủ năng lực sinh tồn.

Chính phủ cũng cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cho kinh tế kỹ thuật số. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của hệ thống “hạ tầng kỹ thuật số”. Doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ không tận dụng được tốc độ mạng 5G nếu kho bãi không có, đường sá không thông suốt, chi phí logistics cao, thủ tục hải quan rườm rà.

Vì thế, phát triển kinh tế kỹ thuật số chính là tổ chức lại cách phân bổ và sử dụng nguồn lực bằng các “công cụ kỹ thuật số” để cho đời sống thực (physical) đạt được hiệu quả cao hơn. 

Các nhà thầu Trung Quốc tích cực tham gia góp vốn tại các dự án nhiệt điện tại Việt Nam
Các nhà thầu Trung Quốc tích cực tham gia góp vốn tại các dự án nhiệt điện tại Việt Nam

Xây dựng tiêu chuẩn quản trị dữ liệu là điều thiết yếu để kinh tế kỹ thuật số phát triển lành mạnh. Có hai thách thức với mọi chính phủ liên quan đến kinh tế kỹ thuật số là vấn đề chủ quyền và tính riêng tư cá nhân. 

Nâng cao tỷ lệ thương mại chính ngạch 

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng dựa trên các FTA chất lượng cao (như EVFTA và CPTPP) sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, việc ứng dụng kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về hiệu suất. Cả hai điều đó sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc so với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng như cải thiện quan hệ thương mại hiện nay. 

Nhưng, việc nâng cao tỷ lệ thương mại chính ngạch (thay vì tiểu ngạch) cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc giảm xuất khẩu hàng hóa kém chất lượng và không có tiêu chuẩn phù hợp, qua đó nâng cao giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và (có thể) góp phần giảm nhập siêu.

Quản lý đầu tư nước ngoài 

Trong đấu thầu, cần tránh cách làm luật dựa trên đấu thầu giá thấp mà cần quan tâm đến vòng đời dự án cũng như các tiêu chuẩn về tài chính bền vững, xây dựng năng lực cho nước sở tại và các yếu tố môi trường bền vững. Điều đó sẽ khiến việc trúng thầu của doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước các thách thức dài hạn, loại bỏ được các nhà thầu yếu kém.

Đối với việc thu hút vốn FDI, cần chuyển từ công cụ thu hút bằng ưu đãi thuế sang nâng cấp chất lượng thể chế (đặc biệt là mức độ liêm chính của bộ máy hành chính) và mức độ minh bạch để thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng. Bên cạnh đó, một chiến lược đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống hạ tầng công nghiệp cũng sẽ tạo ra nền tảng vững vàng hơn cho Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. 

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS),

Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI