Cần chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng

19/03/2024 - 05:56

PNO - Tiến sĩ Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, cần chăm lo sức khỏe tinh thần cho cả cộng đồng chứ không chỉ cho người thất nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, khi mất việc, người lao động - đặc biệt là những người có tay nghề, chức vụ, thu nhập cao - thường có diễn biến tâm lý như thế nào?

Tiến sĩ Lê Minh Công: Mất việc làm là một sự kiện gây căng thẳng, khủng hoảng cho bất kỳ ai. Người đó phải đối diện với nhiều khó khăn khác nhau về thu nhập, sinh kế, mối quan hệ xã hội, tài chính cho gia đình, nuôi dạy con cái… Người lao động đa số đều phụ thuộc vào thu nhập từ công việc họ làm, ít người có thu nhập khác hoặc các khoản tài chính tiết kiệm. Do vậy, khi mất việc, cuộc sống sẽ khó khăn, căng thẳng gia tăng, mối quan hệ trong gia đình và việc nuôi dạy con cái cũng bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, có người phải chuyển trường cho con hoặc gửi con về quê cho ông bà chăm để giảm chi tiêu. Người có tay nghề, chức vụ cao càng khó khăn hơn nếu mất việc bởi họ khó chấp nhận điều kiện sống mới không bằng trước đây hoặc chấp nhận công việc mới có mà mình có vai trò lẫn thu nhập đều thấp hơn trước, yêu cầu về trình độ cũng thấp hơn. 

* Tình trạng không việc làm kéo dài có khiến người ta bị trầm cảm không, thưa ông? 
- Lẽ dĩ nhiên, tình trạng mất việc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của cá nhân. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào năng lực ứng phó của mỗi người với áp lực, căng thẳng. Trầm cảm là một rối loạn tâm thần, là tình trạng trầm trọng về sức khỏe tâm thần của cá nhân. Trầm cảm xảy ra khi căng thẳng kéo dài và bị nhiều yếu tố khác nhau gây ảnh hưởng, rất khó xác định nguyên nhân rõ ràng. Tuy vậy, nếu trầm cảm liên quan đến các sự kiện gây stress như mất việc thì đây chỉ là một giai đoạn trầm cảm chứ không phải là một bệnh lý kéo dài. 

* Những dấu hiệu nào để nhận biết một người đang rơi vào tình trạng trầm cảm?

- Trầm cảm là một rối loạn và có đa yếu tố ảnh hưởng, được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng theo tiêu chuẩn của ICD (bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới) hoặc DSM (bảng phân loại bệnh của Hội Tâm thần học Mỹ). Việc chẩn đoán phải do bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tâm lý lâm sàng cấp cao quyết định. 

Với rối loạn trầm cảm, thời gian biểu hiện phải kéo dài ít nhất 2 tuần trở lên và phải có ít nhất 5/9 triệu chứng theo tiêu chuẩn của DSM như: khí sắc buồn rầu, mất năng lượng, mất hoặc giảm hứng thú, rối loạn về giấc ngủ, rối loạn ăn uống, có cảm giác tội lỗi, lòng tự trọng giảm, có ý định hoặc hành vi tự sát… Những biểu hiện này làm suy giảm chức năng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân như học tập, công việc, mối quan hệ. 

* Nếu bị mất việc trong thời gian khủng hoảng kinh tế như hiện nay, người lao động nên ứng phó thế nào để không bị khủng hoảng tinh thần?

- Có một vài chiến lược ứng phó stress, như tập trung vào nhận thức tích cực của bản thân. Mất việc là một sự kiện đã xảy ra, nếu cứ tập trung vào hoàn cảnh căng thẳng đó và gia tăng suy nghĩ tiêu cực về nó thì chúng ta sẽ khủng hoảng. Vì thế, cần nhận thức một cách tích cực về các sự kiện tiêu cực đang diễn ra. Ngoài ra, bạn nên duy trì lối sống tích cực để từ đó có thể chất mạnh khỏe, tinh thần thoải mái; nên tăng cường kết nối xã hội, tìm kiếm sự trợ giúp về việc làm, xã hội.

Ngoài ra, bạn cũng nên dùng khoảng thời gian “không việc làm” để làm những việc có ích cho bản thân hoặc cộng đồng. Điều này sẽ giúp bạn tăng cảm nhận về bản thân tích cực và có thêm trải nghiệm hạnh phúc để vượt qua giai đoạn khó khăn.

* Thưa ông, làm thế nào để hỗ trợ tinh thần, giảm thiểu tổn thương đối với người mất việc hiện nay?

- Theo đánh giá nhanh của chúng tôi trong và sau đại dịch COVID-19, nhóm người lao động thất nghiệp thường bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần. Vì thế, cần có các chính sách đa dạng nhằm hỗ trợ họ có việc làm bằng nhiều cách thức khác nhau để họ ổn định cuộc sống; tìm kiếm các quỹ hoặc các nguồn tài chính giúp người thất nghiệp duy trì điều kiện sinh hoạt cơ bản và sinh kế; tìm kiếm các nhóm hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực ứng phó sức khỏe tâm thần để hỗ trợ người lao động như nhóm yoga, thiền, thể dục… Hơn thế, chúng ta cần tổ chức sàng lọc tình trạng sức khỏe tinh thần, có chiến lược can thiệp phù hợp, kịp thời. 

Ở tầm vĩ mô và lâu dài, tôi cho rằng, cần một chiến lược quốc gia để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng chứ không chỉ cho người mất việc, bao gồm truyền thông, tư vấn, can thiệp điều trị, hoạch định những chính sách, chương trình giúp cộng đồng, người dân hạnh phúc…

* Xin cảm ơn ông. 

Nguyễn Loan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI