Cán bộ là khâu cốt lõi để xây dựng chính quyền đô thị

25/08/2013 - 15:53

PNO - PNO – Lõi của lõi chính là vấn đề con người. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi và phải có cơ chế đủ sức thu hút người thật sự có tâm huyết thì mới xây dựng mô hình thành công. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sáng 25/8, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và các sở, ban, ngành TP.HCM góp ý Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.

Góp ý cho đề án, nhiều đại biểu cho rằng cơ sở thực tiễn để thay đổi chính quyền là cần đánh giá những hạn chế của mô hình hiện nay, để qua đó thấy được nếu thay đổi thì có làm xáo trộn nhiều không? Đây là lõi của vấn đề, tránh tình trạng như đã từng làm “nhập lại tách, tách lại nhập”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM thắc mắc: Chính quyền cơ bản là 2 cấp nhưng lõi trung tâm là 1 cấp, thì có độ vênh gì không? Mục tiêu đặt ra có thỏa yêu cầu xây dựng TP văn minh hiện đại không? Tính ổn định của mô hình tổ chức đặt ra như thế nào? Với mô hình mới này thì chính quyền có gần dân không?

“Lõi của lõi chính là vấn đề con người. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi và phải có cơ chế đủ sức thu hút người thật sự có tâm huyết thì mới xây dựng mô hình thành công” - bà Quyết Tâm nói.

Can bo la khau cot loi de xay dung chinh quyen do thi

Đại biểu góp ý Đề án tại hội nghị

Ông Phạm Công Nghĩa, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho rằng, là người thực hiện vai trò nhất thể hóa tại địa phương, ông ủng hộ hoàn toàn việc TP.HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo ông Nghĩa, việc xây dựng chính quyền đô thị là có cơ sở từ thực tiễn phát triển của TP. “Khi quy mô kinh tế, chính trị, xã hội đã thay đổi thì một mô hình hợp lý là cần thiết, tất yếu của quá trình đi lên của TP, cũng như của đất nước”.

Ông Nghĩa cho rằng cần thông tin đầy đủ để người dân hiểu rõ lợi ích của mô hình này, giải tỏa băn khoăn của người dân về tính ổn định của mô hình chính quyền đô thị khác với việc “tách ra, nhập vào”, từ đó đồng thuận, ủng hộ.

Cốt lõi của mô hình chính quyền đô thị nêu ra trong Đề án là nâng cao quyền tự chủ, phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo của TP.HCM thông qua tổ chức bộ máy, tái bố trí lại địa giới hành chính, thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; thay đổi tư duy, phương thức quản lý điều hành.

Ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM cho rằng thực tiễn chứng minh TP.HCM không thể “an phận” mà luôn tìm cách vượt qua, vươn lên khắc phục những bất cập để phát triển. TP.HCM luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong phát triển và đóng góp chung cho cả nước. Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng hiện nay TP vẫn bị gò bó về cơ chế. Vì vậy, TP.HCM phải có một mô hình hợp lý. Nếu TP không xây dựng chính quyền đô thị thì sẽ mất cơ hội để phát triển bền vững.

“Xây dựng chính quyền đô thị thể hiện sự tiến bộ nhờ xác định trách nhiệm rõ ràng hơn, do vai trò người đứng đầu được thể hiện rõ. Điều này càng thể hiện sự dân chủ, thực hiện vai trò gần dân, do dân của bộ máy hành chính Nhà nước” - ông Trần Văn Thuận nói.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM Nguyễn Văn Chương cũng bày tỏ đồng tình rằng thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng chính quyền đô thị. Theo ông Chương, nếu hình thức quản lý cũ chưa hiệu quả thì cần thay đổi để thực hiện tốt hơn. Mong muốn của mọi người dân là có chính quyền quản lý hiệu quả và người dân tin tưởng điều đó.

Nhưng ông cũng cho rằng, mô hình chính quyền đô thị bất luận thế nào cũng phải tạo được sự gắn kết giữa Đảng và người dân. Chính quyền đô thị phải làm được điều này thì mới có được một chính quyền vì dân, do dân, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc xây dựng đề án cần có sự thống nhất với Hiến pháp và Luật Đô thị, nếu không sẽ khó thực hiện. Bà Lan đề nghị cần thuyết minh rõ cho trung ương để trung ương quan tâm mình “xin” cái gì, đặc biệt là về mặt tài chính.

Nói về những tác động của mô hình chính quyền đô thị, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, về ngắn hạn, chính quyền đô thị có gây xáo trộn do việc tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính. Việc tinh gọn bộ máy giúp quy rõ đầu mối trách nhiệm, trở nên năng động, có điều kiện tiếp nhận người mới để trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực: việc giảm bớt số lượng cán bộ, công chức sẽ tác động đến tâm lý, một bộ phận có thể không ủng hộ những cải cách lớn.

Ngoài ra, cũng sẽ có các tiêu cực xuất hiện do việc đón đầu các ảnh hưởng, tác động từ việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Có những bất tiện ban đầu với người dân do phải thích nghi các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, về địa giới hành chính và những thay đổi về quy định, chính sách. Sẽ phát sinh các chi phí từ quá trình điều chỉnh bộ máy tổ chức chính quyền, tổ chức lại địa giới quản lý hành chính, công tác tuyên truyền, tổ chức hội họp.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI